Người phát ngôn của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines Jay Tarriela cho biết tàu tuần duyên CCG-5901 của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã neo đậu gần bãi cạn Sa bin (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam), cách đảo Palawan của Philippines khoảng 130 km về phía Tây Bắc vào ngày 3/7.
Có lượng giãn nước 12.000 tấn và chiều dài gần 165 m, CCG-5901 lớn gấp ba lần tàu tuần duyên chính National Security Cutters của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ. Do đó, nhiều nhà quan sát gọi tàu Trung Quốc là "quái vật".
Ông Tarriela cho biết, tàu Trung Quốc đã neo đậu cách tàu BRP Teresa Magbanua, một trong những tàu mới nhất và lớn nhất của Philippines, hơn 730 m.
Tàu CCG-5901 lớn hơn tàu BRP Teresa Magbanua gấp 5 lần.
Ông Tarriela tuyên bố tàu CCG-5901 đã neo đậu "trong vùng đặc quyền kinh tế" của Philippines và gọi đó là hành động "đe dọa" từ phía Cảnh sát biển Trung Quốc.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/7 đã phủ nhận khu vực neo đậu trên là một phần vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, khẳng định "các tàu quân sự và cảnh sát của Trung Quốc tuần tra và thực thi pháp luật tại vùng biển gần Xianbin Jiao (cách Trung Quốc gọi bãi cạn Sa bin) đều tuân thủ luật pháp trong nước của Trung Quốc và luật pháp quốc tế".
Tháng 6, lực lượng trên biển của Trung Quốc và Philippines xảy ra đụng độ gần bãi Cỏ Mây, thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Bãi Cỏ Mây cách đảo Palawan của Philippines khoảng 200 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc hơn 1.000 km.
Theo Ray Powell, chuyên gia về Biển Đông và là giám đốc SeaLight tại Trung tâm Đổi mới an ninh quốc gia Gordian Knot thuộc Đại học Stanford (Mỹ), tàu CCG-5901 không liên quan đến sự cố trên nhưng đã rảo bước quanh các khu vực Philippines tuyên bố đặc quyền kinh tế kể từ đó.
“Ngay sau cuộc đụng độ ở bãi Cỏ Mây, tàu 'Quái vật' đã đi qua gần như mọi tiền đồn và thực thể của Philippines ở Biển Đông”, ông Powell nói.
Vị chuyên gia cho biết tàu CCG-5901, lớn hơn bất kỳ tàu tuần duyên thông thường nào trên thế giới và thậm chí còn lớn hơn tàu khu trục của Hải quân Mỹ.
Tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ có lượng giãn nước 9.700 tấn và ngắn hơn tàu CCG-5901 khoảng 10 m.
Trong khi đó, tàu tuần tra an ninh quốc gia của Tuần duyên Mỹ chỉ có lượng giãn nước 4.500 tấn, chỉ bằng khoảng 1/3 tàu CCG-5901.
Khi so sánh về hỏa lực, CCG-5901 cũng được trang bị tốt hơn với hai khẩu pháo chính 76,2 mm so với một khẩu pháo chính 57 mm trên các tàu của Mỹ.
"Kích thước khổng lồ của tàu CCG-5901 cho phép nó đe dọa các nước láng giềng trong khi tránh được những tác động leo thang của việc sử dụng một tàu quân sự thân xám", ông Powell nhận định, ám chỉ đến các tàu hải quân.
Tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển được gọi là tàu vỏ trắng vì màu sắc của tàu, thường được giao nhiệm vụ thực thi pháp luật và hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Ở hầu hết các quốc gia, những tàu này thường không được yêu cầu tham gia vào các hoạt động quân sự.
Tuy nhiên, Carl Schuster, cựu giám đốc điều hành tại Trung tâm Tình báo chung của Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Mỹ, cho rằng kích thước và thủy thủ đoàn của CCG-5901 cho phép tàu này trở thành tàu chỉ huy trung tâm cho một hoạt động lớn hơn.
Ông Schuster lưu ý rằng một tàu sân bay của hải quân Trung Quốc cũng đang hoạt động gần Philippines trong những tuần gần đây và sự kết hợp của cả hai tàu là nỗ lực phối hợp nhằm chứng minh sức mạnh hải quân áp đảo của Bắc Kinh với Manila.
Collin Koh, nhà nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho biết tàu BRP Teresa Magbanua được Philippines điều đến bãi cạn Sabina Shoal trước đó là một trong những tàu tốt nhất của nước này. Do đó, Trung Quốc cũng cho tàu CCG-5901 xuất hiện để "xem ai cơ bắp hơn".
Bình luận