Tan học vào lúc 18h, Nguyễn Văn Khôi Vĩ (20 tuổi) vội vàng chạy xe hơn 20 km từ ĐH Bách khoa TP.HCM về Bình Dương, bắt đầu giờ dạy thêm tiếng Anh tại nhà cho các bạn nhỏ trong khu vào lúc 19h.
“Mình đang đảm nhận dạy 4 lớp, mỗi lớp 2 buổi/tuần và mỗi buổi học chỉ rơi vào một tiếng rưỡi. Ngoài ra, hiện tại mình cũng làm trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh, viết blog và nhận thêm công việc content writer. Mấy tháng trước, mình còn thực tập tại một công ty nữa. Bận rộn nhưng mình vui vì được làm việc”, Khôi Vĩ chia sẻ với Zing về những công việc hiện tại của bản thân.
Thu nhập tăng gấp ba
Khôi Vĩ cho biết cậu đã bắt đầu công việc dạy tiếng Anh tại nhà vào 2 năm trước, khi đặt chân vào cánh cổng đại học. Ngoài một vài buổi tối dạy trong tuần, thông thường, Vĩ sẽ sắp xếp việc dạy học vào trọn vẹn 2 ngày cuối tuần để tiện cho việc đi học.
Tháng 12 năm ngoái, Vĩ tranh thủ thời gian trống vào sáng sớm hoặc tối muộn để bắt đầu xây dựng blog của riêng mình và nhận làm content writer cho một số đơn vị bên ngoài.
Nhận thấy bản thân vẫn còn thời gian rảnh, 2 tháng nay, Vĩ làm thêm công việc trợ giảng tại một trung tâm tiếng Anh. Với công việc này, nam sinh có thể làm online, tùy chọn lớp nên dễ dàng sắp xếp xen kẽ vào các buổi tối sao cho hợp lý.
Với 4 công việc một lúc, Vĩ cho biết thu nhập của cậu đã gấp ba lần so với trước đây, khi chỉ làm mỗi công việc dạy học. Số tiền kiếm được tuy chưa đủ để trang trải học phí, từ lâu, bố mẹ đã không phải chu cấp cho Vĩ tiền sinh hoạt.
“Mình tự trả tiền điện nước, tiền mạng, tiền điện thoại cho gia đình. Tiền tích cóp được hàng tháng không nhiều nhưng mấy tháng trước, mình đã tặng được cho ba chiếc điện thoại mới. Ba vui lắm”, Khôi Vĩ chia sẻ.
Giống như Khôi Vĩ, cùng với việc học trên trường, Lê Hòa (21 tuổi, sinh viên năm ba, Học viện Ngân hàng, Hà Nội), đang làm cùng lúc 4 công việc.
Hòa cho biết ngoài công việc gia sư gắn bó từ năm nhất, một năm trở lại đây, cô đảm nhận vị trí trợ lý giám đốc của một công ty về mỹ phẩm. Bên cạnh đó, nữ sinh tranh thủ thời gian rảnh để kinh doanh online và nhận hỗ trợ thêm mảng thiết kế hình ảnh cho một số dự án bên ngoài.
Những công việc này đem lại cho Hòa thu nhập khá ổn định. Cuộc sống sinh viên của cô vì vậy cũng được cải thiện. Hòa có thể tự chi trả sinh hoạt phí, mua sắm đồ dùng cho bản thân, tự do đi du lịch. Nữ sinh cũng đủ khả năng mua những khóa học nâng cao để tích lũy thêm kiến thức, phát triển bản thân. Và cuối cùng, cô dành ra khoản nhỏ tiết kiệm cho tương lai.
Tú Anh (20 tuổi, sinh viên năm hai Cao đẳng Y tế Hà Đông, Hà Nội) lại tranh thủ thời gian nghỉ hè để làm thêm công việc thứ hai. 7h, Tú Anh bắt đầu công việc đóng hàng tại kho hàng. 11h, nữ sinh trở về phòng trọ nghỉ ngơi để bắt đầu cho công việc thứ hai vào lúc 17h30 và tan làm vào 21h30. Có ngày kho hàng nhiều việc, nữ sinh nhận làm thêm cả buổi chiều.
Cứ thế trung bình mỗi ngày, nữ sinh làm việc 8 tiếng với mức lương 20.000 đồng/giờ. Số tiền nhận được cuối tháng không nhiều nhưng đủ để cô chi trả tiền xăng xe và mua đồ cá nhân.
Làm thêm để tìm kiếm cơ hội
Tú Anh cho biết thu nhập chỉ là một trong những lý do cô quyết định làm 2 công việc một lúc. Phần lớn, cô muốn tận dụng thời gian rảnh để tìm hiểu, học hỏi thêm về lĩnh vực mới.
Đi làm, tiếp xúc với nhiều người, Tú Anh tăng khả năng giao tiếp, ứng xử và xử lý tình huống. Vào năm học tới, cô sẽ chỉ tranh thủ làm việc buổi tối để dành thời gian học tập nhiều hơn.
Đối với Lê Hòa, làm 4 công việc một lúc, nữ sinh được kết nối với nhiều người, xây dựng thêm những mối quan hệ chất lượng, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm quý giá để mở ra cho Hòa nhiều cơ hội hơn.
Hòa cho biết trước đây, cô từng nghĩ khi lên ĐH, cô sẽ tập trung vào học tập thay vì đi làm. Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm thực tế, Hòa nhận ra học lý thuyết thôi chưa đủ, cô cần học nhiều hơn bên ngoài xã hội. Bên cạnh đó, với ngành học Hệ thống thông tin quản lý, nữ sinh nhận thấy bản thân không thực sự hứng thú hay phù hợp, cũng không đủ năng lực để theo nghề.
Vốn tính năng động, hoạt động nhiều bên ngoài, Hòa nắm bắt cơ hội công việc đến với bản thân. Làm nhiều giúp Hòa học được nhiều kỹ năng, nhìn nhận được điểm mạnh, điểm yếu của bản thân để phát huy hoặc khắc phục. Cô dần xây dựng được thương hiệu bản thân, tăng uy tín, mở ra nhiều cơ hội hơn nữa trong tương lai.
“Để thành công, giỏi một nghề thôi chưa đủ, cơ hội đến, mình phải nắm lấy. Chính vì vậy, mình lựa chọn làm nhiều công việc một lúc ngay từ thời sinh viên để có nhiều trải nghiệm, sớm tìm được nghề yêu thích và gắn bó với nó sau khi ra trường”, Hòa nhận định.
Cùng chung suy nghĩ với Kim Hòa, Khôi Vĩ nhận định việc làm nhiều công việc một lúc ngoài thu nhập cũng mở ra cho cậu nhiều cơ hội mà bản thân chưa từng nghĩ tới.
Mặc dù học kỹ thuật, Khôi Vĩ lại có sở thích viết lách. Cậu chọn viết blog để thỏa đam mê của bản thân. Sau một thời gian ngắn, Vĩ tạo dựng các mối quan hệ chất lượng, các nhãn hàng cũng bắt đầu tìm đến cậu, mời hợp tác viết nội dung.
"Trước đây, mình chưa từng nghĩ sẽ có các mối quan hệ, liên kết đó. Điều mình vui nhất là nhận được sự yêu mến của nhiều người, được mọi người tin tưởng, nhờ mình đưa lời khuyên”, Khôi Vĩ tâm sự.
Khôi Vĩ hy vọng sau này, khi ra trường, cậu có thể tìm được giao điểm giữa ngành kỹ thuật đang theo học và công việc viết lách ở hiện tại, cùng với đó là tận dụng ngoại ngữ để tăng cơ hội cho bản thân.
Bình luận