“Sinh viên mới ra trường cũng có quyền đòi hỏi mức lương cao” – đây là quan điểm của Thuỳ Dung - cựu sinh viên Đại học Ngoại thương. Năm 2021, Thuỳ Dung nhận bằng tốt nghiệp. Nhưng từ năm 2019, nữ sinh đã đi thực tập và làm việc tại một công ty về xuất nhập khẩu. Tại đây, nữ sinh được đánh giá có năng lực và hiểu biết sâu rộng về ngành logistics.
Ra trường, Thuỳ Dung gửi đơn xin việc vào một công ty khác để thử sức với môi trường mới. Cô được nhà tuyển dụng trả mức lương khởi điểm 500$ (khoảng 12 triệu đồng) chưa kể các khoản phụ cấp khác. Thuỳ Dung từ chối mức lương này.
“Tôi không có tư tưởng 'xin việc' mà là “ứng tuyển công việc”. Trước các vòng phỏng vấn, tôi tìm hiểu về công ty, vị trí ứng tuyển và tự tin làm nổi bật các kiến thức chuyên môn và kỹ năng của bản thân. Đồng thời, tôi cũng tìm hiểu thị trường để đàm phán mức lương dựa trên nguyên tắc win – win, đôi bên cùng có lợi. Vậy nên với trình độ của tôi, tôi từ chối mức lương đó”, Thuỳ Dung nói.
Ba tháng sau, Thuỳ Dung được nhận vào một công ty đa quốc gia với mức lương lương 750$ (khoảng 17 triệu đồng). Theo cô, 2 lý do khiến sinh viên mới ra trường nhận được mức lương không như mong muốn. Đầu tiên, sinh viên chưa có kinh nghiệm làm việc trước đó, đặt mục tiêu đi làm để tích lũy kinh nghiệm, tìm hiểu môi trường công việc. Thứ hai, nhiều sinh viên chưa có kỹ năng đàm phán lương và đôi khi chưa nhận thưc chính xác được giá trị của bản thân trên thị trường lao động.
Câu chuyện nữ sinh mới ra trường sốc khi lương khởi điểm chỉ 7 triệu đồng cũng từng gây xôn xao cộng đồng mạng. Cô gái này cho rằng lương như vậy là "chưa tương xứng". “Các anh chị ơi, ra trường lương 7 triệu là có thật ạ? Em đang năm nhất, chuẩn bị lên năm 2 đại học. Lực học của em cũng trung bình thôi ạ, nhưng em nghĩ là sau khi ra trường sẽ có mức lương cao hơn chứ ạ? Tự nhiên dạo này mọi người đồn nhau ra trường lương chỉ có 7-8 triệu mà em thấy buồn quá, liệu có xứng với 4-5 năm đại học, tốn kém mấy trăm triệu của bố mẹ không?”, nữ sinh viết.
Quan điểm trên gây ra nhiều ý kiến trái chiều. Có người sau khi đọc bài viết cho rằng nữ sinh "không biết tự lượng sức mình". Số đông “ném đá” và cho biết dù đi làm 3 năm nhưng hiện mức lương của họ vẫn dừng lại ở 7 con số.
Theo quan điểm của Nguyễn Mạnh Thắng - cựu sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nếu trong những năm học tiếp theo, nữ sinh cố gắng trau dồi kinh nghiệm và đạt thành tích học tập tốt thì hoàn toàn có thể sở hữu mức lương cao hơn.
Bản thân Mạnh Thắng trong quá trình theo học Báo truyền hình tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền luôn cố gắng để làm đẹp bảng điểm. Anh cũng học thêm những kỹ năng có thể phụ trợ cho ngành học của mình như thiết kế đồ họa, chụp ảnh và quay phim... Tiếng Anh của Thắng cũng ở mức giỏi.
Ra trường năm 2020, dù thời điểm dịch bệnh nhưng với tấm bằng giỏi, kỹ năng chuyên môn khá tốt và kinh nghiệm 2 năm đi làm, mức lương thời điểm mới ra trường của Thắng là 10 triệu đồng.
“Mình cảm thấy mức lương 7 triệu đồng là con số khá ổn và có thể chấp nhận với sinh viên mới ra trường có năng lực nhưng chưa có nhiều kinh nghiệm. Còn với sinh viên mới ra trường, năng lực cao, kỹ năng nghiệp vụ và các kỹ năng mềm tốt, được đảm nhiệm các vị trí cao ngay từ lúc còn là sinh viên thì các bạn sẽ không hài lòng với con số 7 triệu đồng”, Mạnh Thắng nói.
Cùng quan điểm, Thanh Nga, sinh viên năm 4 Học viện Tài chính cho rằng 7 triệu đồng/tháng là mức lương bình thường, không cao đến mức bị coi là “ảo tưởng” như nhiều người nói. Hiện nay, rất nhiều bạn dù đang là sinh viên nhưng năng lực của các bạn không thua kém gì so với anh chị đang làm việc.
"Tiêu chí đánh giá mức lương của một người không thể dựa trên số tuổi hoặc thời gian ra trường. Điều quan trọng hơn là năng lực và kỹ năng của bạn đến đâu và bạn đóng góp được gì cho công ty?", Thanh Nga nói.
Bình luận