• Zalo

Sau ký kết EVFTA với EU, người tiêu dùng Việt chưa thể mua ngay xe hơi giá rẻ

Kinh tếThứ Năm, 18/07/2019 12:09:00 +07:00Google News

Luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch Công ty TAT Law firm - cho rằng không dễ để người tiêu dùng Việt mua xe sang giá rẻ sau ký kết EVFTA với EU.

Vừa qua, Việt Nam chính thức ký Hiệp định thương mại tự do song phương với EU (EVFTA).  Theo nội dung Hiệp định, Việt Nam sẽ thực hiện dỡ bỏ thuế quan đối với mặt hàng xe ô tô (dung tích không lớn hơn 3.000cc) sau 9 đến 10 năm kể từ khi EVFTA chính thức có hiệu lực.

Với lộ trình cắt giảm thuế nêu trên, cơ hội mua xe sang giá rẻ của người tiêu dùng Việt có thực sự lớn? Trả lời  VTC News, luật sư Trương Anh Tú – Chủ tịch Công ty TAT Law firm - đã có sự phân tích về góc độ pháp lý.

- Sự kiện Việt Nam chính thức ký Hiệp định EVFTA với EU đang mang đến cơ hội mua xe hơi giá rẻ cho người tiêu dùng Việt Nam. Tuy nhiên, theo ông, chính sách miễn, giảm thuế nhập khẩu ô tô có đáp ứng được kỳ vọng này không?

Hiện nay, biểu thuế nhập khẩu áp dụng đối với các dòng xe ô tô dung tích dưới 3.000cc từ EU vào Việt Nam là 70% (theo nguyên tắc đối xử tối huệ quốc giữa các nước thành viên WTO - MFN). Nhưng không chỉ dừng lại thuế nhập khẩu, trên thực tế, hầu hết các dòng xe nhập nguyên chiếc vào Việt Nam có mức giá tăng gấp từ 2 đến 3 lần so với mức giá khởi điểm tại các quốc gia sản xuất.

truong-anh-tu2

 Luật sư Trương Anh Tú. (Ảnh: TATA)

Đơn cử như mẫu xe Audi Q8 2019 (dung tích động cơ 3.0 lít), giá khởi điểm tại thị trường Đức khoảng 67.400 USD (1,57 tỷ). Theo quy định tại Luật thuế tiêu thụ đặc biệt 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Giá trị gia tăng, Thuế Tiêu thụ đặc biệt, Luật Quản lý thuế năm 2016 và các văn bản hướng dẫn các loại thuế; Nghị định số 122/2016/NĐ-CP quy định về Biểu thuế xuất nhập khẩu, thuế - phí áp dụng từ khi nhập khẩu đến khi xe lăn bánh tại Việt Nam gồm: Thuế nhập khẩu (70%): khoảng 1,1 tỷ đồng. Thuế Tiêu thụ đặc biệt (60% giá tính thuế nhập khẩu cộng với thuế nhập khẩu): 0,6 x (1,1 + 1,57) = 1,6 tỷ đồng. Như vậy, giá sau thuế là 4,27 tỷ đồng, thuế giá trị gia tăng là 10%.

Ngoài ra, còn có các chi phí khác như: lệ phí trước bạ 10 - 15%, cước vận chuyển, phí bảo hiểm TNDS, phí đăng kiểm biển số... dẫn đến giá đề xuất của mẫu xe này tại Việt Nam lên tới khoảng 4,5 tỷ đồng.

Như vậy, nếu áp dụng chính sách thuế nhập khẩu theo hiệp định EVFTA, giá mẫu xe này tại thị trường Việt Nam sẽ chỉ còn khoảng 2,8 tỷ đồng, giảm 40% (gần một nửa) so với giá xe hiện nay. Tuy nhiên nếu không có gì thay đổi, người tiêu dùng sẽ phải đợi chờ đến năm 2030 mới được hưởng ưu đãi theo hiệp định EVFTA.

- Ông có những dự đoán như thế nào về kết quả cuối cùng?

Niềm vui này còn khá mơ hồ. Một bài học tương tự từ tháng 1/2018, khi thuế nhập khẩu ô tô từ thị trường ASEAN vào Việt Nam bằng 0% nhưng giá xe lại không được giảm như mong muốn, thậm chí vẫn còn cao hơn lúc chưa giảm. Trong trường khi mà lộ trình giảm thuế nhập khẩu phải đến 7-10 năm thì trong khoảng thời gian này, với thị trường xe hơi nhập khẩu, chính sách nhà nước sẽ có những chuyển biến rất nhanh chóng, không dự báo được điều gì”.

- Có cơ hội mua xe giá rẻ nhưng người tiêu dùng Việt Nam vẫn phải đối diện với những khoản phí kèm theo nào, thưa ông? 

- Thực tế là chúng ta đừng quá kỳ vọng vào xe giá rẻ, bởi cốt lõi nằm ở chính sách tài chính, thuế, phí ở nước ta cao. Ngoài thuế nhập khẩu thì còn bao nhiều loại thuế phí khác nữa.

Cá nhân tôi nhận định, tại thời điểm này, thuế nhập khẩu ô tô vào Việt Nam giảm theo cam kết của Chính phủ tại Hiệp định EVFTA là một tín hiệu tốt, giúp kéo theo các loại thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế, lệ phí khác giảm theo. Tuy nhiên, như ví dụ trên cho thấy, thuế nhập khẩu chỉ chiếm một tỷ lệ phần trăm nhất định trong cấu thành giá của một chiếc xe.

Ngoài ra, phải kể đến thuế TTĐB là loại thuế chiếm một tỷ trọng lớn trong giá thành xe hơi (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế GTGT, Thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế năm 2016 quy định: Thuế TTĐB đối với xe chở người dưới 10 chỗ đang chịu mức từ 35-150% tùy dung tích xi lanh), thuế GTGT (10%), rồi lợi nhuận của các hãng kinh doanh xe ô tô càng đẩy giá xe lên cao, cho nên khó lòng mà đạt được những kỳ vọng về giá xe hơi nhập khẩu sẽ thấp.

Tôi xin lưu ý, chính sách thuế TTĐB của phần lớn quốc gia hiện nay là biện pháp áp dụng các công cụ kinh tế nhằm buộc nhà sản xuất chuyển chi phí bảo vệ môi trường vào giá thành sản phẩm (nội hoá các chi phí ngoại ứng) để khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư bảo vệ môi trường, đều nhằm giảm phát thải khí CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Thuế này thường được duy trì và không bị lệ thuộc vào các cam kết chung.

 - Vậy, đối với thị trường xe hơi Việt, chúng ta có thể kỳ vọng gì ở Hiệp định EVFTA?

Mặc dù việc giảm giá xe hơi vẫn còn phụ thuộc nhiều vào các điệu kiện thuế, phí khác. Nhưng nhìn chung, không thể phủ nhận rằng, lộ trình miễn, giảm thuế nhập khẩu ô tô là xu thế tất yếu trong bối cảnh tự do hóa thương mại. Đây cũng là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vì sẽ phải đối mặt với những “ông lớn” trong ngành sản xuất ô tô trên thế giới.

Trong dài hạn, điều này giúp tạo tăng tính cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp xe hơi tại Việt Nam, tăng cung hàng hóa, giảm giá thành... dẫn đến việc người tiêu dùng sẽ được lợi theo nhiều cách khác nhau, cả trực tiếp lẫn gián tiếp.

Hồng Phi
Bình luận
vtcnews.vn