Hôm nay (30/6), Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) được ký kết tại Hà Nội, sau hành trình 9 năm đàm phán.
Thông tin này sẽ được Bộ Công thương thông tin chi tiết đến các cơ quan thông tấn tại Buổi tọa đàm về Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), vào sáng mai (1/7), do Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chủ trì.
Theo Bộ Công thương, với EVFTA, Việt Nam sẽ có cơ hội tiếp cận sâu hơn vào thị trường 28 nước thành viên liên minh châu Âu.
Theo hiệp định, hơn 99% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay sau khi hiệp định có hiệu lực, hoặc sau một lộ trình ngắn. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà Việt Nam đạt được trong các hiệp định FTA đã được đàm phán.
Để đi đến được ký kết hiệp định lần này, Việt Nam đã phải trải qua tiến trình rất dài, được khởi động đàm phán từ năm 2010 và các bên chính thức đàm phán nhiều cấp, nhiều vòng từ năm 2012 cho đến nay.
Theo đề xuất của EU, EVFTA sẽ được tách thành hai hiệp định riêng biệt, bao gồm: Hiệp định Thương mại tự do chính là toàn bộ nội dung EVFTA hiện nay nhưng phần đầu tư sẽ chỉ bao gồm tự do hóa đầu tư trực tiếp nước ngoài. Với Hiệp định này, EU có quyền phê chuẩn và đưa vào thực thi tạm thời.
Phần hai là Hiệp định Bảo hộ đầu tư bao gồm nội dung bảo hộ đầu tư và giải quyết tranh chấp đầu tư (Hiệp định IPA). Hiệp định IPA này phải được sự phê chuẩn của cả Nghị viện Châu Âu và của Nghị viện các nước thành viên thì mới có thể thực thi.
Nội dung đáng chú ý nhất của EVFTA với 17 Chương, 2 Nghị định thư và một số biên bản ghi nhớ kèm theo đó là:
Với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được gỡ bỏ sau 7 năm, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên EU. 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.
Như vậy, gần 100% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sẽ được xóa bỏ thuế nhập khẩu. Cho đến nay, đây là mức cam kết cao nhất mà một đối tác dành cho Việt Nam trong các hiệp định FTA đã được ký kết. Lợi ích này đặc biệt có ý nghĩa khi EU là một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng cam kết sẽ bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hoá EU. Sau 7 năm số dòng thuế được xoá bỏ tăng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu.
Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam sẽ áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.
"EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, nhất là các mặt hàng nông, thuỷ sản", Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh nhận định.
Trong khi đó, Hiệp định IPA gồm các quy định hiện đại về bảo hộ đầu tư cho phép việc thực thi và triển khai thông qua Hệ thống mới Tòa án về Đầu tư đồng thời vẫn đảm bảo các chính phủ cả hai phía có quyền điều tiết các lợi ích của công dân.
Hiệp định IPA sẽ thay thế các hiệp định đầu tư song phương mà 21 nước thành viên EU đã ký với Việt Nam, triển khai một khung pháp lý mới đảm bảo ngăn ngừa xung đột về lợi ích cũng như tăng cường minh bạch.
Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, hiệp định EVFTA vượt cả trình độ của chúng ta trong đàm phán. 28 nước khác nhau trong cả trình độ quản trị nền kinh tế, nên toan tính của họ cũng khác, đặc biệt ở giai đoạn cuối, quá trình rà soát pháp lý khá dài, phức tạp.
Tuy nhiên, hơn hết, chúng ta đã nỗ lực và đưa ra được lời giải. 9 năm đàm phán và đi tới ký kết là quá trình dài. Bên cạnh nỗ lực của đoàn đàm phán, thì cũng phải nhấn mạnh đến sự chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Chính phủ.
Sau lễ ký kết vào ngày 30/6 tới, hiệp định thương mại với EU còn phải trải qua tiến trình phê chuẩn. Theo quy định Nghị viện châu Âu sẽ xem xét trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban châu Âu vào cuối năm 2019. Trong khi đó Hiệp định IPA phải được nghị viện các quốc gia thành viên phê duyệt riêng nên cần thời gian, sẽ lâu hơn.
Bình luận