Ký kết EVFTA: Doanh nghiệp, người dân Việt Nam và EU cùng hưởng lợi

Kinh tếThứ Hai, 01/07/2019 12:26:00 +07:00

Bộ Công thương và Liên minh Châu Âu (EU) có chung nhận định như trên về Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) vừa được ký kết.

Ngày 1/7, tại buổi đối thoại về cơ cho doanh nghiệp liên quan đến EVFTA và IPA giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU), bà Cecilia Malmstrom - Cao uỷ Liên minh châu Âu đánh giá, Hiệp định EVFTA là cột mốc quan trọng giữa Việt Nam và EU. Nhất là trong bối cảnh thế giới có nhiều sóng gió, chủ nghĩa bảo hộ trỗi dậy, chiến tranh thương mại leo thang.

“Chúng tôi hoan nghênh việc Việt Nam và Liên minh châu Âu đã ký EVFTA và IPA. Đây là cột mốc quan trọng giữa hai bên. Người dân và doanh nghiệp hai nước sẽ được hưởng lợi từ sự ký kết hai hiệp định này”, bà Cecilia Malmstrom nói.

EU

Bà Cecilia Malmstrom - Cao uỷ Liên minh châu Âu. 

Theo bà Cecilia Malmstrom, Việt Nam và EU đang đứng trước cơ hội lớn. Theo đó, ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần 86% số dòng thuế và hơn 99% dòng thuế được gỡ bỏ sau 7 năm, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 28 nước thành viên EU. 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%.

 
EVFTA sẽ tạo ra môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tất cả thị trường rộng lớn, năng động của EU

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Việt Nam cũng cam kết sẽ bỏ ngay 48,5% số dòng thuế cho hàng hoá EU. Sau 7 năm, số dòng thuế được xoá bỏ tăng lên 91,8%, tương đương 97,1% kim ngạch xuất khẩu.

Sau 10 năm, mức xóa bỏ thuế quan là khoảng 98,3% số dòng thuế (chiếm 99,8% kim ngạch nhập khẩu). Khoảng 1,7% số dòng thuế còn lại của EU, Việt Nam sẽ áp dụng lộ trình xóa bỏ thuế nhập khẩu dài hơn 10 năm hoặc áp dụng hạn ngạch thuế quan theo cam kết WTO.

“Tôi mong muốn hai bên sẽ sớm phê chuẩn các hiệp định này. Càng phê chuẩn sớm, chúng ta càng sớm hưởng được các lợi ích do cao nhất do hiệp định mang lại”, bà Cecilia Malmstrom nói.

Vẫn theo bà Cecilia Malmstrom, khi hiệp định có hiệu lực, một số doanh nghiệp có thể gặp khó khăn ban đầu, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhưng theo lộ trình, doanh nghiệp cả hai bên sẽ thích ứng và tận dụng được cơ hội do EVFTA mang lại.

“Đây là những hiệp định rất hiện đại, toàn diện, tham vọng, phù hợp thế kỷ 21, mang lại lợi ích cho người dân cả hai phía. EU đang tìm kiếm người bạn ở châu Á, ASEAN và coi đây là nền móng để xây dựng tương lai tốt đẹp”, bà Cecilia Malmstrom cho hay.

Tuy nhiên, bà Cecilia Malmstrom nhấn mạnh các nội dung hiệp định sẽ đi cùng các mục tiêu phát triển bền vững. “Chúng tôi có cam kết về bảo vệ người lao động, quản trị công, chống lại mọi sự huỷ hoại môi trường. Chúng tôi muốn đảm bảo rằng quan hệ thương mại mang đến những tác động tích cực”, đại diện Liên minh châu Âu khẳng định.

Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, EVFTA là hiệp định thế hệ mới yêu cầu cao và có tính toàn diện trong cả lĩnh vực truyền thống, phi truyền thống, có những vấn đề rất mới như mua sắm chính phủ, hay vấn đề sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền tác giả.

“EVFTA không chỉ thúc đẩy về thương mại, đầu tư mà còn giúp Việt Nam tạo động lực mới về cải cách, hướng đến phát triển bền vững”, ông Tuấn Anh nói.

Tuan Anh

 Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh.

Cũng theo ông Tuấn Anh, EVFTA sẽ tạo ra môi trường thuận lợi giúp doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận tất cả thị trường rộng lớn, năng động của EU. Tuy nhiên, để khai thác tốt cơ hội từ EVFTA và IPA, doanh nghiệp cần tập trung các vấn đề chủ động nắm bắt toàn diện nội dung hiệp định.

Bên cạnh đó, khi EVFTA có hiệu lực, doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với nhiều tranh chấp thương mại, đầu tư. Vì vậy, cơ chế xử lý tranh chấp cũng là những nội dung Chính phủ quan tâm, đã lên kế hoạch cùng với doanh nghiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá EVFTA là hiệp định tốt nhất với 2 ý nghĩa: tự do cao nhất và công bằng nhất.

“Trước đây, khi nói về thương mại thế giới, người ta nói nhiều về tự do, ít ai nói về công bằng. Cách đây nhiều thế kỷ, Phố Hiến đã trở thành nơi giao thương, hội tụ thương mại giữa châu Âu và Việt Nam, là thời gian hoàng kim trong quan hệ giữa hai bên. Thời kỳ hoàng kim đó trở lại. EVFTA chính là nền tảng quan trọng cho điều đó”, ông Lộc nói.

Theo ông Lộc, EVFTA có ý nghĩa đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang trải qua nhiều sóng gió, chủ nghĩa bảo hộ trở lại, chiến tranh thương mại leo thang. “Tôi rất mong muốn các doanh nghiệp công nghiệp hàng đầu của EU hãy trở thành những người hợp tác tốt nhất với Việt Nam trong kỷ nguyên số này.

Ngoài ra, cũng có những doanh nghiệp giày dép Việt Nam không chỉ làm cho EU theo đơn đặt hàng, và còn thiết kế mẫu mã, giới thiệu cho các chuỗi giá trị của EU. Điều này đối với cả châu Âu và Việt Nam đều có lợi”, Chủ tịch VCCI bày tỏ.

Tien Loc 3

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI). 

Ông Nicolas Audier, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) nhận định, EVFTA mang lại lợi ích không chỉ cho doanh nghiệp và người tiêu dùng mà cả vấn đề phúc lợi, tiền lương và mức sống của hàng triệu người Việt Nam.

“EVFTA là một trong những thỏa thuận toàn diện nhất từng được ký kết giữa EU và một quốc gia đang phát triển. Hiệp định sẽ giúp giảm thuế quan và các rào cản thương mại, đồng thời mở ra những cơ hội mới cho thương mại và đầu tư giữa EU và Việt Nam.

Chúng tôi nhận thấy sự tăng trưởng từ các doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam. Và mong muốn sản phẩm từ Việt Nam xuất hiện nhiều hơn ở các nước châu Âu”, ông Nicolas Audier nói.

Hoàng Hưng - Nguyễn Yến
Bình luận
vtcnews.vn