1. Hiệu ứng U23 Việt Nam hôm nay khiến nhiều người không khỏi hoài niệm. Có một thuở, thành công của một lứa cầu thủ trẻ cũng khiến người xem hào hứng trở lại với V-League, đó là khi những Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn,... của U19 Việt Nam bước ra ánh sáng với thứ bóng đá sạch sẽ, đẹp mắt và lay động người xem.
Thấy khán giả mê U19 Việt Nam, bầu Đức đưa cả đội quân tuổi trẻ tài cao lên chơi tại V-League. Trận đầu tiên của HAGL năm đó vỡ sân, khi người hâm mộ phải tràn xuống dưới đường pitch để chứng kiến các học trò của HLV Guillaume Graechen đánh bại Sanna Khánh Hòa BVN 4-2. Công Phượng lập cú đúp, Tuấn Anh và Xuân Trường cùng có 1 bàn thắng. Tất cả đều rất đẹp.
Tưởng như khởi đầu hanh thông nói trên sẽ giúp V-League có thêm động lực chuyển mình để ngày càng hấp dẫn khán giả, nhưng không. Hiệu ứng U19 Việt Nam tồn tại được một thời gian trước khi vụt tắt. Các khán đài lại thưa thớt khán giả, sân Pleiku nhiều lúc cũng thiếu bóng người xem trong liên tiếp 2 mùa bóng.
Thành công của Công Phượng, Xuân Trường đã giúp bóng đá nước nhà thay đổi, nhưng là trên khía cạnh bóng đá trẻ, với sự trỗi dậy của nhiều cơ sở đào tạo chất lượng như Hà Nội, PVF, Viettel, SLNA,...
Còn với V-League, gam màu ảm đạm cũng tấm áo chuyên nghiệp nửa vời vẫn cứ ở đó.
2. Đang đợt nắng hạn, sân cỏ Việt Nam lại chứng kiến cơn mưa rào từ mảnh đất Thường Châu xa xôi. Thành công của U23 Việt Nam đánh thức niềm tự hào dân tộc, đồng thời cổ vũ tình yêu bóng đá đã nguội lạnh từ lâu trong tiềm thức một bộ phận cổ động viên.
Khán giả cũ thắp lại thói quen đi xem bóng đá mỗi dịp cuối tuần, còn khán giả mới đến sân để "tập tành" yêu bóng đá. Dù cũ hay mới, sự xuất hiện của người xem trên khán đài cũng là tín hiệu vui với V-League.
Nhưng cũng giống hiệu ứng U19 Việt Nam năm nào, hiệu ứng U23 Việt Nam rồi cũng sẽ tắt. Khán giả đến sân sẽ không chỉ để chứng kiến riêng Quang Hải, Duy Mạnh, Xuân Trường, Văn Đức,... nữa. Muốn duy trì sự hiện diện của họ ở các hàng ghế, V-League buộc phải tự học cách sống khỏe. Nói cách khác, V-League "cộng sinh" với U23 để phát triển, chứ không phải "ký sinh" trên thành công của U23.
Khán giả không thể mãi đến sân chỉ vì "yêu nên làm vậy". Trong bối cảnh người xem được tiếp cận nhiều hơn với bóng đá quốc tế và có hàng nghìn thú vui thay vì đến sân xem bóng đá, V-League cần phải chuyên nghiệp và bắt kịp xu hướng.
Bỏ tiền ra dù ít hay nhiều, khán giả đều có quyền đòi hỏi được thụ hưởng sản phẩm chất lượng tương xứng, như sân vận động đầy đủ tiện nghi, mặt cỏ hiện đại, lối chơi cống hiến, sạch sẽ, hình ảnh bắt mắt,... V-League đang thay đổi để hoàn thiện từng khâu, nhưng có những thứ... nói mãi vẫn thế, như chất lượng mặt sân. Ít ai quên, các cầu thủ HAGL và Hải Phòng đã thay nhau vấp ngã và dính chấn thương trên mặt cỏ được nhận định là tồi tệ.
Về mặt chất lượng trận đấu, các đội bóng đã hướng nhiều hơn tới bóng đá cống hiến. Những pha bóng triệt hạ xuất hiện thưa dần.
Sau 4 vòng đấu, ban kỷ luật VFF chưa phải vào cuộc với bất cứ tình huống bạo lực sân cỏ nào.
Tuy chất lượng chuyên môn của V-League vẫn là dấu hỏi lớn (HLV Park Hang Seo chỉ tuyển mộ được 2 gương mặt mới trong đợt tập trung ĐTQG, bên cạnh việc tiếp tục tin tưởng nòng cốt U23 Việt Nam), thay đổi này của các đội bóng vẫn là đáng được đón nhận.
Bàn thắng đẹp nhất từ đầu mùa được ghi bởi cầu thủ thứ 12 trên các khán đài, đó là sự tưởng thưởng xứng đáng, nhưng cũng là thử thách đặt ra để V-League nỗ lực nhiều hơn.
Các đội bóng tại V-League có thể dựa vào nguyên mẫu U23 Việt Nam để rút ra bài học thành công. Chỉ có sự tận hiến, tử tế và trung thực trong bóng đá mới lôi kéo được khán giả đến sân.
Nếu không, có bỏ ra bao nhiêu tiền của nâng cấp đội hình và giành được bao nhiêu chức vô địch, cũng chẳng thể mua được nhiệt huyết và niềm tin nơi cổ động viên.
3. Bóng đá Việt Nam đã xuất hiện đầy kiêu hãnh trên các trang báo quốc tế với chiến tích của U23 Việt Nam. Nhưng đến bao giờ, người hâm mộ mới có thể tự hào về một giải VĐQG xứng tầm châu lục? Đến bao giờ, V-League mới thôi nổi tiếng đến mức... tai tiếng, khi bị Jose Mourinho sử dụng đến 2 lần để chọc ngoáy về sự nghiệp dư?
Nếu ở nhà, tôi thà chọn một kênh nào đó để xem một trận bóng ở Việt Nam còn hơn.
Jose Mourinho
Đó là câu hỏi dành cho tất cả. Vài tháng nữa thôi, khi hiệu ứng U23 Việt Nam chính thức lùi vào dĩ vãng, người ta mới thấy sức hấp dẫn của V-League được hiện lên chân thực nhất. Lượng khán giả trên các khán đài và theo dõi bóng đá nước nhà qua màn ảnh nhỏ mới là con số đáng để tham khảo.
Con số khán giả hiện tại chỉ là "ảo" với sự cộng sinh từ trào lưu U23 Việt Nam. Muốn phát triển vững bền, bóng đá Việt Nam không thể sống dựa trên những con tim yêu thương nhất thời.
Quang Hải, Công Phượng cùng các đồng đội đã mang lại cho V-League sự quan tâm nồng nhiệt từ người hâm mộ. Giờ là lúc V-League "trả ơn", khi trở thành sân chơi chất lượng, chuyên nghiệp, đủ sức đào luyện nên những cầu thủ giỏi để phục vụ ĐTQG và là món ăn tinh thần "khó bỏ" với người hâm mộ.
Nếu 1 năm nữa, khán giả cất công đến sân vẫn chỉ để thỏa mãn hiếu kỳ với lứa cầu thủ của U23 Việt Nam, hãy nói V-League là một giải đấu thất bại!
Theo thống kê của ban tổ chức, tổng số lượng khán giả đến sân theo dõi các trận đấu của 4 vòng đầu tiên mùa giải 2018 là khoảng 243.000 người. Tính trung bình, mỗi sân đấu đón tiếp gần 1 vạn cổ động viên mỗi trận.
Những con số kể trên cao hơn hẳn so với thống kê mùa giải 2017. Cụ thể tính đến hết vòng 4 của mùa trước, tổng số khán giả chỉ là 156.500 người sau 28 trận đấu. Con số trung bình hơn 5.500 khán giả/trận chỉ bằng hơn một nửa của mùa giải 2018 tính đến thời điểm hiện tại.
Bình luận