Theo số liệu thống kê của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), tổng doanh số ô tô bán được tại thị trường Việt Nam trong năm 2008 (cách đây 10 năm) là 110.186 xe, trung bình mỗi tháng bán được gần 9.200 chiếc, cao kỷ lục tại thời điểm đó.
Các hãng ô tô tại Việt Nam đều có doanh số tăng mạnh trong năm 2008, cụ thể, Toyota Việt Nam bán được 24.421 xe; GM Daewoo bán được 11.036 xe; Ford Việt Nam bán được 6.494 xe; Honda Việt Nam bán được 5.909 xe; Vinaxuki bán được 8.070 xe; Trường Hải bán được 16.373 xe; Vinamotor bán được 20.887 xe.
Tại thời điểm này, các doanh nghiệp ô tô "nội" như Vinamotor hay Vinaxuki vẫn phát triển rất mạnh và nhận được sự ủng hộ của người tiêu dùng trong nước, nhất là dòng xe tải.
Cách đây 10 năm, mẫu ô tô ăn khách nhất thị trường Việt Nam là dòng MPV (dòng xe gia đình) Toyota Innova với 14.947 xe (trung bình hơn 1.200 chiếc/tháng); đứng thứ 2 là dòng Honda Civic với doanh số trong năm 2008 là 5.834 xe.
Các vị trí còn lại thuộc về GM Daewoo Captiva với 3.943 xe; Ford Everest với 3.342 chiếc/năm; Toyota Vios với 3.122 xe/năm; Toyota Altis với 2.391 xe/năm. Như vậy, cách đây 10 năm, các dòng xe con (sedan) và dòng xe gia đình (MPV) rất được ưa chuộng tại Việt Nam.
Còn theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2008 các DN đã nhập về 50.400 xe ôtô các loại với trị giá trên 1 tỷ USD, tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2007 là 22.400 xe.
Sau 10 năm, tổng doanh số ô tô tại Việt Nam đã tăng mạnh về "chất" và "lượng". Thu nhập của người Việt ngày càng cao, nhiều gia đình đã có điều kiện mua ô tô và thị hiếu của người tiêu dùng đã hoàn toàn thay đổi, các dòng sedan, MPV đã nhường chỗ cho dòng xe đa dụng (crossover/SUV).
Cụ thể, tổng doanh số ô tô tại Việt Nam trong năm 2018 là 276.817 chiếc, trung bình mỗi tháng bán được hơn 23.000 chiếc. So với 10 năm trước, doanh số bán ô tô đã tăng hơn gấp đôi, tương ứng 60%.
Trong năm 2018, Toyota Việt Nam (TMV) không còn giữ vị thế độc tôn của mình, thay vào đó là một thương hiệu ô tô "nội" là Trường Hải (Thaco) với 34,7% toàn thị phần (tổng doanh số của Thaco trong năm 2018 là 96.127 chiếc/năm, tăng 82% sau 10 năm).
Tuy nhiên, Thaco là đơn vị lắp ráp - sản xuất của rất nhiều thương hiệu ô tô khác nhau (bao gồm Mazda, KIA, Peugeot, Thaco-Bus, Thaco-truck), nếu xét riêng 1 thương hiệu ô tô, Toyota vẫn đứng đầu với 23,8% thị phần. Doanh số của TMV trong năm 2018 là 65.856 chiếc, tăng 62% so với cách đây 10 năm.
Sau 10 năm, 2 "ông lớn" của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam là Vinamotor và Vinaxuki chỉ còn ánh hào quang của quá khứ. Trong khi Vinamotor chỉ còn năm giữ 0,9% thị phần ô tô (số liệu năm 2018), thì Vinaxuki đã biến mất hoàn toàn.
Tuy nhiên, sau 10 năm đó, thị trường ô tô Việt Nam đón nhận một "tân binh" hoàn toàn mới là VinFast. Đây cũng là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên có thể tự sản xuất 1 thương hiệu ô tô riêng của mình, 1 niềm tự hào mới của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.
Thị hiếu của người Việt sau 10 năm cũng thay đổi rõ rệt, các dòng sedan và MPV đã nhường chỗ cho dòng xe đa dụng. Cụ thể, những "tân binh" của thị trường như Toyota Fortuner (SUV), Ford Ranger (pick-up), Honda City (sedan), Mazda CX-5 (Crossover), Honda CR-V (SUV), Mazda3 (sedan) đang thống thị trị trường ô tô Việt Nam, đánh bật các dòng xe Toyota Camry, Honda Civic, GM Captiva (Chevrolet).
Đặc biệt, dòng Vios, sau 10 năm đã trở thành "vua" của thị trường ô tô, với doanh số luôn đứng đầu tại Việt Nam. Trong năm 2018, tổng doanh số của Vios là 27.188 chiếc, mỗi tháng bán được gần 3.000 chiếc, tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước.
Video: Cận cảnh Toyota Fortuner thế hệ mới
Bình luận