Chiều 27/5, tại hiện trường khu vực sạt lở hầm đường sắt Chí Thạnh (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên), Ban Quản lý dự án 85, các chuyên gia, kỹ sư của Tập đoàn Đèo Cả đang dùng 10 thiết bị chuyên dụng và 40 nhân sự khắc phục sự cố.
Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, sau khi nhận đề nghị của Ban QLDA 85, đơn vị đã điều động máy móc thiết bị và nhân sự dày dặn kinh nghiệm đang thi công ở dự án cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn vào hỗ trợ.
“Mục tiêu là đến 12h ngày 30/5 sẽ thông hầm đường sắt Chí Thạnh, khôi phục giao thông đường sắt Bắc - Nam”, đại diện tập đoàn Đèo Cả nói.
Trước đó, ngày 21/5, trong quá trình cải tạo, sửa chữa hầm đường sắt, đất đá bất ngờ đổ ập xuống, bịt kín đường hầm. Giao thông đường sắt Bắc - Nam đoạn từ ga La Hai đến Chí Thạnh và ngược lại bị tê liệt hoàn toàn.
Nguyên nhân sạt lở được xác định là do địa chất, đất đá bị phong hóa kết hợp tầng phủ trên nóc hầm mỏng (khoảng 25m).
Sau khi xảy ra sự cố, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy đã đến kiểm tra hiện trường và chỉ đạo khẩn trương khắc phục, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 26/5 để có thể thông hầm.
Tuy nhiên, đến sáng 26/5, khi đơn vị thi công đang bốc dọn còn khoảng 80 m3 đất sạt lở trong hầm thì một lượng lớn đất đá khoảng 260m3 lại tiếp tục sạt xuống.
Sau sự cố, ngành đường sắt đã lên phương án trung chuyển hành khách bằng ô tô từ ga Tuy Hòa đến ga La Hai và ngược lại (quãng đường khoảng 50km, thuộc tỉnh Phú Yên), đảm bảo lịch trình di chuyển của khách đi tàu.
Hầm đường sắt Chí Thạnh là một trong số 11 hầm đường sắt nằm trong dự án kiên cố hóa các hầm đường sắt trên cả nước, đang được Bộ GTVT triển khai, tổng kinh phí thực hiện là 7.000 tỷ đồng.
Hiện dự án đã cải tạo kiên cố được 9 hầm, còn 2 hầm đang khắc phục là hầm đường sắt Chí Thạnh ở tỉnh Phú Yên và hầm đường sắt Bãi Gió ở tỉnh Khánh Hòa.
Bình luận