Chiều 22/5, tại đường tỉnh 641 - nằm trên hầm đường sắt Chí Thạnh, đơn vị kỹ thuật đã khoan để thăm dò các tầng địa chất, từ đó xem xét phương án bơm bê tông xuống nhằm gia cố nóc hầm hiệu quả.
Theo đại diện Ban Quản lý dự án 85 (Bộ GTVT) - đơn vị thi công, do địa chất tại khu vực hầm đường sắt Chí Thạnh phức tạp, khó lường, thay đổi liên tục nên việc gia cố gặp nhiều khó khăn.
Hầu hết các hầm đường sắt qua khu vực đều xuống cấp và có nguy cơ sạt lở cao.
Máy móc được đưa vào hầm đường sắt Chí Thạnh để thăm dò địa chất.
Ông Lê Quang Vinh - Giám đốc Chi nhánh khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, đơn vị thi công cho khoan tạo neo hai đầu khu vực hầm bị sạt lở. Sau đó, phun bê tông để làm cứng, gia cố hầm rồi tổ chức dọn đất đá bên dưới. Trong hầm đường sắt Chí Thạnh có khoảng 200m3 đất đá sạt lở, bít kín. Công nhân sẽ khoan tạo neo, bơm bê tông ngược lên nóc hầm để giữ ổn định địa chất, chống sạt lở thêm.
Ông Vinh nhận định, hầm Chí Thạnh sẽ áp dụng phương pháp sửa chữa giống hầm đường sắt Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa) xảy ra sạt lở 1 tháng trước.
Các công nhân đường sắt hỗ trợ đơn vị thi công nhanh chóng khắc phục sự cố.
Hiện vẫn chưa xác định được ngày thông hầm.
Để khắc phục sạt lở hầm đường sắt, Cảnh sát giao thông Phú Yên đã chốt chặn hai đầu khu vực Đèo Thị thuộc tuyến đường ĐT641, cấm tất cả các loại xe (trừ xe 2 bánh) lưu thông. Các loại xe này sẽ được hướng dẫn đi đường khác.
Do sự cố trên, ngành đường sắt đã trung chuyển bằng ô tô gần 2.700 hành khách của 12 đoàn tàu từ ga Tuy Hòa đến ga La Hai và ngược lại (hai ga cách nhau khoảng 40 km, thuộc tỉnh Phú Yên).
Trước đó, lúc 10h15 ngày 21/5, trong quá trình thi công gia cố hầm Chí Thạnh (km 1168+700 tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM) đã xảy ra sự cố sạt lở trong hầm, cách cửa hầm phía Bắc khoảng 160 m.
Bình luận