Ngày 26/6, TS. Đỗ Tuấn Đạt – Chủ tịch Công ty TNHH Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) – Bộ Y tế vui mừng cho biết, dự án nghiên cứu và sản xuất vaccine phòng COVID-19 “Made in Việt Nam” đã có kết quả. Vaccine dự tuyển có tính sinh miễn dịch khá cao sau khi tiêm thử nghiệm trên chuột.
Cụ thể, theo ông Đạt, 2 lô mẫu huyết thanh của 50 con chuột được VABIOTECH gửi sang Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để đánh giá vào hồi tháng 5 vừa qua đã cho kết quả khá tốt.
Để phục vụ nghiên cứu, các nhà khoa học đã tiêm so sánh chủng virus hoang dại được bất hoạt cho chuột. Dựa vào kết quả thu được, Viện Vệ sinh dịch tễ đã xác định các mẫu huyết thanh này đã cho kháng thể, thậm chí có những mẫu đáp ứng khá cao. Đây có thể là cơ sở để phát triển thành vaccine hoàn chỉnh về sau.
Ông Đạt cho biết, với kết quả này, VABIOTECH đã vượt tiến độ 2 tháng của giai đoạn 1 dự án, cũng là giai đoạn quan trọng nhất trong quá trình nghiên cứu sản xuất vaccine COVID-19.
Giai đoạn tiếp theo, số vaccine dự tuyển này sẽ tiếp tục được phát triển thành vaccine hoàn chỉnh và ổn định, đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu liều.
ThS. Mạc Văn Trọng, đại diện nhóm nghiên cứu của VABIOTECH cho biết, tuy Việt Nam không đặt mục tiêu dẫn đầu về nghiên cứu, sản xuất vaccine. Nhưng các nhà khoa học sẽ cố gắng đón đầu, kế thừa những kinh nghiệm của thế giới trong việc ứng phó với virus mới corona (SARS-CoV-2).
Ông Trọng cũng thông tin thêm, để cho ra đời vaccine hoàn chỉnh cần thời gian khoảng từ 9-12 tháng nữa. “Nhưng chúng tôi đang cố gắng rút ngắn thời gian này. Dù vậy, so với mức trung bình 10 năm của một vaccine bình thường, thời gian 18 - 24 tháng để phát triển được một vắc-xin đã là một thành tựu rất đáng kể”, ông Trọng nói.
Theo VABIOTECH, dự án nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 lần này không chỉ dừng lại ở việc cho ra đời loại vaccine mà cả thế giới đang trông đợi. Mà mục tiêu lớn hơn là giúp tăng tính chủ động về vaccine cho Việt Nam, nhất là các vaccine đại dịch.
Nếu trong tương lai xuất hiện thêm chủng virus corona mới gây đại dịch ở người, với công nghệ sẵn có trong tay, chỉ cần “lắp ráp” phần gene của chủng virus mới vào là rất nhanh sẽ cho ra đời loại vaccine mới.
“Khi một nước nào đó có vaccine thương mại họ sẽ ưu tiên bảo vệ người dân của họ trước. Như đợt đại dịch cúm A/H1N, mua 1 liều vaccine đã khó chưa nói gì đến mua cả triệu liều. Vì thế, tính chủ động vaccine của một quốc gia là rất quan trọng”, ông Trọng nhấn mạnh.
Video: Việt Nam thử nghiệm thành công vaccine COVID-19 trên chuột
Bình luận