• Zalo

Sao gốc Việt ở Olympic: Nước Mỹ biết ơn anh

Thể thaoThứ Năm, 02/08/2012 07:00:00 +07:00Google News

Thường thì những người nhập cư phải tỏ lòng biết ơn nước Mỹ đã cưu mang mình, nhưng không ít trường hợp nước Mỹ phải nói lời cảm ơn với người nhập cư.

Thường thì những người nhập cư phải tỏ lòng biết ơn nước Mỹ đã cưu mang mình, nhưng không ít trường hợp nước Mỹ phải nói lời cảm ơn với người nhập cư. Một trong những trường hợp đó là Howard Bạch, bởi anh là người đầu tiên mang chiếc huy chương vàng (HCV) thế giới môn cầu lông về cho nước Mỹ.
Cột mốc
Ngày 21/8/2005 đã trở thành một cột mốc trong lịch sử thể thao Mỹ, bởi đó là lần đầu tiên một công dân của nước này bước lên bục huy chương cao nhất ở giải Cầu lông vô địch thế giới (VĐTG). Người Mỹ có thể tự hào với tư cách là “ông lớn” của rất nhiều môn thể thao, nhưng ở môn cầu lông, đẳng cấp của họ luôn là… học trò. 
Cho đến tận thời điểm năm 2005 đó, người Mỹ chưa bao giờ dám nghĩ đến việc một tay vợt của mình có thể giành chiến thắng ở một giải quốc tế. Howard Bạch đã làm được điều hơn cả mong đợi, khi anh cùng Tony Gunawan, tay vợt người Mỹ gốc Indonesia, đoạt chiếc HCV đôi nam ở giải VĐTG năm 2005, được tổ chức ngay tại nước Mỹ.
Howard Bạch và chiếc huy chương vàng môn cầu lông thế giới năm 2005 

Chiếc HCV của Howard Bạch đối với người Mỹ quý giá hơn hẳn của Tony Gunawan, bởi tài năng của Howard Bạch là sản phẩm “made in USA” còn Gunawan là một tay vợt đã thành danh ở Indonesia trước khi đến Mỹ. Gunawan từng đoạt HCV ở giải VĐTG năm 1997 và HCV đôi nam tại Olympic Sydney 2000 khi còn khoác áo đội tuyển Indonesia. 
Người Mỹ có thể tự hào là chính mình đã phát hiện, nuôi dưỡng và phát triển tài năng của Howard Bạch, nhưng họ không thể nói thế về Gunawan. Nhiều lắm thì người Mỹ chỉ có thể nói rằng họ đã tạo điều kiện để tay vợt này giữ vững được năng lực sẵn có mà thôi.
Từ giấc mơ của cha
Sinh ngày 22/9/1979 tại TP. Hồ Chí Minh, Howard Bạch cùng gia đình sang Mỹ khi anh mới ba tuổi. Định cư ở bang California, nơi có nhiều người gốc Việt sinh sống, đến nay Howard Bạch tuy không còn nhớ nhiều về nơi mình đã sinh ra nhưng vẫn còn nếp sống, nếp nghĩ của người Việt. 
Bố anh, ông Bạch Sen Cam, từng là một tay vợt có hạng ở làng cầu lông Sài Gòn ngày xưa nên đã chọn cầu lông làm môn thể thao cho các con mình. Khi đó, hẳn ông Cam cũng không bao giờ nghĩ đến chuyện con mình có ngày trở thành nhà VĐTG, điều mà ngày trước ông chỉ dám nghĩ đến trong những giấc mơ.
Trong số những người con của ông Cam, Howard Bạch là người hiểu rõ cha mình nhất. “Cha tôi từng ấp ủ giấc mơ được một lần khoác áo đội tuyển Việt Nam dự Olympic nhưng chưa bao giờ ông thực hiện được giấc mơ đó”, Howard Bạch nói trong một cuộc phỏng vấn. 
Giờ thì ông Cam đã có thể thỏa nguyện bởi con trai ông đã thực hiện được giấc mơ đó thay ông. Khi Howard Bạch mới năm tuổi, ông Cam đã cho anh đến CLB Golden Gate YMCA ở San Francisco để tập cầu lông. Năm 16 tuổi, Howard Bạch được tập trung dài hạn tại Trung tâm huấn luyện Ủy ban Olympic Mỹ ở Colorado. Người Mỹ sớm nhận ra được tài năng tiềm tàng của Howard Bạch và khi chưa có những HLV đẳng cấp để rèn giũa, họ đã cố bù đắp bằng phương pháp tập luyện khoa học và những trang thiết bị hiện đại, chế độ dinh dưỡng tiên tiến.
Howard Bạch là người đầu tiên nhận ra việc người Mỹ chỉ xem cầu lông như môn thể thao chơi ở vườn nhà vì mục đích thư giãn. “Thông thường, người Mỹ chơi cầu lông vào những buổi cuối tuần trong vườn nhà. Khi chờ món barbecue chín tới, họ giết thời gian bằng cách chơi cầu lông với một tay cầm vợt, tay kia cầm lon bia”, Howard Bạch mô tả cách người Mỹ nghĩ về môn cầu lông. Và, anh đã làm tất cả để có thể thay đổi suy nghĩ đó.
 Howard Bạch nơi góc phố gần nhà.
Người tiên phong
Giờ thì mọi thứ đã thay đổi sau chiến thắng ở giải VĐTG năm 2005 của Howard Bạch và Tony Gunawan. Người Mỹ đã xem cầu lông như một môn thể thao nghiêm túc mà họ có thể tạo được thế cạnh tranh với các nước khác như nhận định của tờ Sports Illustrated: “Từ nay, thanh thiếu niên Mỹ sẽ hào hứng luyện tập cầu lông hơn thay vì cứ bám vào những môn thể thao truyền thống như bóng rổ hay dã cầu”. Cũng vì vậy, Howard Bạch đã được nhiều tổ chức ở Mỹ chọn là người đại diện cho các chiến dịch nhằm quảng bá môn thể thao này với giới trẻ ở Mỹ.
Ở một chừng mực nào đó, Howard Bạch xứng đáng được xem là người tiên phong của môn cầu lông ở nước Mỹ. Người ta có thể chứng thực điều đó qua nhận định của những tờ báo lớn nhất nước Mỹ về chiến thắng của Howard Bạch như “một giấc mơ đã thành sự thật sau hơn 100 năm” (Los Angeles Times) hay “từng không thành công trong môn cầu lông trong nhiều thập kỷ, đến nay chúng ta đã có trong tay điều mà mình không thể tưởng tượng nổi” (USA Today).
Howard Bạch sẽ không bao giờ quên cảm xúc đã có trong ngày đăng quang VĐTG tại nhà thi đấu Anaheim ở California. Đó chính là nơi anh đã lớn lên và chập chững những bước đầu tiên trong sự nghiệp thể thao. Chiến thắng vang dội đó diễn ra trước mắt nhiều khán giả mang dòng máu Việt như anh, và cũng như anh, nhiều người đã không thể ngăn những giọt nước mắt tự hào.
Không chỉ chuyên tâm vào môn cầu lông, Howard Bạch còn chuẩn bị cho tương lai bằng tấm bằng cử nhân quản trị tài chính và thương mại. Sau kỳ Olympic Bắc Kinh, anh lập gia đình với Penelope Salac, bạn từ thời hai người còn học ở Đại học Cal State Fullerton. Ba năm sau, họ có con gái là Aison Cole Bạch. Howard Bạch đã khéo chọn thời điểm cho các cột mốc trong đời mình. Một năm trước khi dự Olympic Bắc Kinh, anh tốt nghiệp đại học và một năm trước Olympic London anh có con gái đầu lòng. Phải chăng anh muốn mọi việc riêng tư phải được giải quyết ổn thỏa để anh có trọn một năm chuẩn bị cho việc tham dự Olympic?
Gừng càng già càng cay?
Tính cả Olympic London này, Howard Bạch đã có đến ba lần dự Olympic, một thành tích mà ngay cả những VĐV nổi tiếng người Mỹ cũng không thực hiện được. Đáng nói hơn, trong ba lần đó, anh đều đứng cặp với các đồng đội khác nhau: ở Athens là Kevin Han, ở Bắc Kinh là Bob Malathong và tại London lần này là Tony Gunawan. 
Bốn năm trước, Howard Bạch đứng cùng Bob Malathong vì hy vọng sức trẻ của tay vợt có gốc gác từ nước Lào này sẽ phối hợp tốt với kinh nghiệm của anh. Điều đó đã không diễn ra vì Malathong còn quá non. Lần này Howard Bạch có nhiều hy vọng hơn khi đứng cùng anh là Gunawan đầy kinh nghiệm. Cho đến nay, ngoài chiếc HCV giải VĐTG năm 2005, hai người còn đoạt HCV tại Đại hội TDTT Liên Mỹ tổ chức ở Mexico năm 2011.
Năm nay Howard Bạch đã 33 tuổi, Tony Gunawan là 37. Với tổng số tuổi là 70, họ trở thành đôi VĐV “già” nhất trong số 16 đôi dự tranh giải đôi nam tại cuộc tranh tài môn cầu lông ở Olympic London. Thể lực giảm là điều không tránh khỏi, nhưng kinh nghiệm và bản lĩnh của họ thì chẳng cặp nào sánh bằng. “Gừng càng già càng cay”? Câu trả lời sẽ có trong vài ngày tới.
Thiện Nga - Báo Phụ nữ
Bình luận
vtcnews.vn