• Zalo

Người Việt ở Olympic: Bỏ cuộc là nỗi nhục Quốc gia!

Thể thaoThứ Sáu, 27/07/2012 12:50:00 +07:00Google News

(VTC News) – Tầm lực của ông có thể kém đối thủ trên trường quốc tế, nhưng danh dự quốc gia đặt trên vai ông mỗi lần xuất trận luôn linh thiêng, bất phạm!

(VTC News) – Trong cuộc đời chạy marathon của mình, kiện tướng Nguyễn Văn Thuyết từng hai lần dự Olympic (1980 và 1988) và một lần dự giải Thiện chí. Tầm lực của ông có thể kém đối thủ trên trường quốc tế, nhưng danh dự Quốc gia đặt trên vai ông mỗi lần xuất trận luôn là điều linh thiêng, bất phạm!

Thuyết “trống” nổi tiếng hơn Thuyết "marathon"

Về Nam Định, tới đầu sân Thiên Trường hỏi ông Nguyễn Văn Thuyết, ối người lắc đầu tỏ vè không biết. Nhưng hỏi ông Thuyết “trống”, lại ối người chỉ tay rành mạch, tả vẽ đến tận ngóc ngách cửa nhà.

Thế đấy, hậu thời một kiện tướng chạy đường dài, lừng danh đất Việt những thập niên 80 của thế kỷ trước, bây giờ không mấy ai còn nhớ. Bao vinh quang thời trai trẻ giờ giống những chiếc huy chương chằng chịt treo trong tủ kính, bất động. Ông Thuyết "marathon" lùi vào quá vãng, hiện sinh một ông Thuyết “trống”.

Nguyễn Văn Thuyết được nhiều người biết đến bởi ông là tay trống cổ động của đội bóng thành Nam hơn là một VĐV chạy việt dã lừng danh. (Ảnh: Quang Minh)

Tôi vào nhà ông rất tự nhiên, ông đang mải bế đứa cháu cứ thản nhiên ngồi xem tivi rồi bàn lên tán xuống với một người hàng xóm và chấp nhận sự xuất hiện của tôi như một người quen của ai đó trong nhà. Phải đến khi con gái ông ngờ ngợ hỏi về tôi, ông mới giật mình: “Ủa, thế ra cháu qua tìm chú hả?”.

“Chú gác dùi rồi, không trống chủng gì nữa. Giờ về hưu, ở nhà bế cháu đây này!” – Ông Thuyết nói như thể đoán định được về những điều có thể tôi sắp hỏi ông. Nhưng không, tôi không hỏi chú Thuyết “trống” đã quá nhiều người tường tận, nổi tiếng hơn cả chú Thuyết "marathon". Tôi cũng không hỏi về những tấm huy chương, những kỷ lục quốc gia, hay cách chú cho "ra lò" tới 5 đứa con gái nối nghiệp và làm mưa làm gió làng chạy việt dã nước nhà.

“Xin hỏi chú về những cuộc đấu trên trường quốc tế. Nơi chú đặt trên vai danh dự Quốc gia” – Tôi nói. “Xuân đâu, ra bế con cho bố, để bố với cậu nhà báo này lên gác lục tìm quá khứ, đỡ ồn” – Ông Thuyết trả lời.

Đời tôi không có chuyện bỏ cuộc

Tóm tắt thế này. Kiện tướng Nguyễn Văn Thuyết bắt đầu nghiệp chạy khi đã có gia đình và đang là công nhân nhà máy khai thác quặng apatit Lào Cai. Ông trưởng thành từ các giải chạy phong trào và đến năm 1975 lần đầu tiên ông đi dự một cuộc chạy tầm cỡ quốc gia tại vườn Bách Thảo, Hà Nội. Một năm sau ông đại diện cho tỉnh Hoàng Liên Sơn (nay là Lào Cai và Yên Bái) tham dự cuộc chạy “Nối liền Bắc – Nam”.

Năm 1980 ông về nhì tại giải việt dã báo Tiền Phong và được gọi vào ĐTQG đi thi đấu Olympic ở Matxcơva, Liên Xô. Lần đó, ông đi dự bị cho VĐV Nguyễn Quyền. Dù không có cơ hội thi đấu, song ông có vinh dự cùng đoàn TTVN được Tổng bí thư Lê Duẩn đến thăm và động viên.

“Bác Duẩn khi đó cùng phái đoàn Việt Nam sang Liên Xô để chuẩn bị cho chuyến bay vào vũ trụ của anh hùng Phạm Tuân. Đúng dịp có Olympic, bác đã tới thăm và động viên chúng tôi thi đấu hết mình vì màu cờ sắc áo của đất nước. Lời bác Duẩn khi đó như nhắc nhở với mọi người rằng, trên đất nước của những người bạn Liên Xô, chúng ta sẽ cùng nhau bay lên!” – Ông Thuyết nhớ lại lần gặp bác Lê Duẩn.

Thuyết "trống" là một biểu tượng về lòng chung thủy với đội bóng thành Nam (Ảnh: Quang Minh)

Đang cởi mở thì ông bỗng chùng xuống như có điều gì nghèn nghẹn ở cổ họng. Ông kể về những thành tích vô địch giải việt dã báo Tiền Phong suốt từ năm 1981 đến 1991 mà giọng kể kém vui. Hóa ra, quá khứ trên đất Liên Xô của ông với bác Lê Duẩn còn một lần không thể nào quên.

“Năm 1980 Olympic diễn ra trong sự căng thẳng của chiến tranh lạnh, Mỹ không tới Liên Xô tham dự. 4 năm sau, tới lượt Liên Xô nói không với Olympic được tổ chức ở Los Angeles, Mỹ.

Năm 1986 khi chiến tranh lạnh đi tới hồi chấm dứt. Liên Xô tổ chức giải thể thao Thiện chí, mời trên 100 quốc gia tham dự. Năm đó, tôi vinh dự là VĐV duy nhất của Việt Nam mang quốc kỳ sang Liên Xô thi đấu.

Một ngày trước khai mạc, khi đang đi trên đường Matxcơva thì đài phát thanh quốc gia Liên Xô thông báo, Tổng bí thư Lê Duẩn của Việt Nam đã từ trần. Nghe xong tôi lặng người, tấp vào một chiếc ghế ven đường ngồi chỉ chực khóc.

Ngày hôm sau thi đấu, thể lực của tôi không tốt do tôi sang Matxcơva gấp, chỉ có hai ngày chuẩn bị rồi lại lệch múi giờ và cuộc thi diễn ra vào buổi chiều muộn, 17 giờ địa phương.

Chạy được khoảng 30km, tôi bắt đầu thấm mệt. Một VĐV của nước bạn Lào chạy cùng tôi khi đó, rủ tôi dừng lại, lên ô tô để về đích. Tôi gạt tay và bảo: Nếu mệt không chạy được nữa thì có đi bộ, tôi cũng phải về tới đích. Tôi không bao giờ bỏ cuộc, vì bỏ cuộc là nỗi nhục Quốc gia. Không biết, khi tôi nói điều đó, anh bạn Lào có hiểu không, nhưng thấy tôi vẫn tiếp tục, anh ấy cũng không còn ý định bỏ cuộc nữa.

20 giờ 30 phút tối hôm đó, tôi chạm đích ở thứ 51 trong tổng số hơn 100 VĐV tham gia. Cả đời tôi chạy đường dài, tới lúc này, không có chuyện bỏ cuộc!”.

* Còn nữa…

Đón đọc Kỳ II: Olympic 1988 và chuyến bay 75 người Việt Nam thiệt mạng

Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn