Người Việt ở Olympic: Mọi người tưởng tôi đã chết

Thể thaoThứ Bảy, 28/07/2012 05:04:00 +07:00

(VTC News) – Người thân trong gia đình tôi đã bật khóc, bà con chòm xóm nghe tin thì chạy qua hỏi han rối tít khi tivi thông báo máy bay VN bị rơi ở Bangkok.

(VTC News) – “Người thân trong gia đình tôi đã bật khóc, bà con chòm xóm nghe tin thì chạy qua hỏi han rối tít... khi tivi thông báo chiếc máy bay Tu -134 của Việt Nam bị rơi ở Bangkok, Thái Lan”.

Ông Thuyết bắt đầu trang hai của những cuộc xuất ngoại tranh tài với vẻ mặt pha sắc âu lo. Chỉ là hồi ức nhưng rõ ràng, hồi ức ấy chứa một phần ám ảnh.

>>> Người Việt ở Olympic: Bỏ cuộc là nỗi nhục Quốc gia

Chuyến bay định mệnh không có tôi

Thập niên 80 của thế kỷ trước, là thập niên ông Thuyết bất bại trên đường chạy dài nước nhà và nói như ông thì hễ cứ chạy là về nhất. Có điều cái số ông lận đận, nên lúc mình đỉnh cao cũng là lúc thế thời không thuận. Thành ra, cứ xuất ngoại là trăm mối lo đổ dồn.

 Olympic Seoul 1988

Năm 1988 Thế vận hội mùa hè lần thứ 24 được tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc trong bối cảnh hai miền Triều Tiên vẫn còn đầy căng thẳng thời kỳ hậu chiến 1953. CHDCND Triều Tiên khi đó kịch liệt tẩy chay Olympic và kéo theo Cuba, Ethiopia và Nicaragua không tham dự.

Để tiếp nhận thiện chí của Hàn Quốc trong việc mời Đoàn TTVN dự Thế vận hội, Chính phủ ta khi đó cũng phải rất khéo léo trong quan hệ ngoại giao với hai miền Triều Tiên.

“Chúng tôi được triệu tập nhưng không chắc về khả năng có lên đường sang Hàn Quốc hay không. Phải tới khi phía Hàn Quốc dành cho Đoàn TTVN 24 vé bay, tôi mới đinh ninh mình sẽ có lần thứ hai dự ngày hội thể thao lớn nhất hành tinh.

Ngày ấy, chúng ta chưa có đường bay thẳng sang Seoul, buộc phải bay ngược sang Bangkok, Thái Lan để transit. Vé chặng Hà Nội – Bangkok của Đoàn TTVN đặt bay là ngày 09/09/1988. Tuy nhiên đến sát ngày bay, nước chủ nhà Hàn Quốc lại dành thêm cho chúng ta 8 vé dự Olympic nữa. Thế là kế hoạch bay của Đoàn TTVN lùi lại hai ngày để tìm thêm người đi dự. Toàn bộ vé chặng Hà Nội – Bangkok ngày 09/09 được chuyển giao cho người khác.” – Ông Thuyết kể chậm dãi, chi tiết. Đột nhiên ông bẻ sang một hồi đoạn khác khiến tôi giật mình.

Ký ức Olympic 1988 của ông Thuyết có nhiều khoảng lặng!
Ông kể: “Người thân trong gia đình tôi đã bật khóc, bà con chòm xóm nghe tin thì chạy qua hỏi han rối tít khi tivi thông báo chiếc máy bay Tu -134 của Việt Nam bị rơi ở Bangkok, Thái Lan.

Mọi người khi đó tưởng tôi cũng có mặt trên chuyến bay định mệnh 09/09. Liên lạc những năm 80 của thế kỷ trước thì cháu biết đấy, làm sao nhanh như bây giờ được…” – Kể đến đây, ông Thuyết dừng lại, xoa xoa lên đầu mình một cách đầy vô thức. Cái đầu ông sau đó lắc qua lắc lại như muốn rũ đi hồi ức đáng quên.

Khoảng 10h30’ ngày 09/09/1988 chiếc máy bay Tupolev Tu-134 mang số hiệu VN-102 xuất phát từ Hà Nội với 81 hành khách đã bị rơi và phát nổ trên một cánh đồng cách Sân bay quốc tế Bangkok khoảng 6km. 75 người đã thiệt mạng trong đó có Bộ trưởng Bộ Y tế Việt Nam lúc bây giờ là Tiến sĩ Đặng Hồi Xuân.

“May cho mình và cho Đoàn TTVN đã không xuất phát như dự định. Có lẽ số trời chăng. Nhưng nói gì thì nói, vẫn là đồng bào máu mủ ruột thịt của mình. Buồn lắm!

Hai ngày sau, khi có mặt ở Thái Lan, Đoàn chúng tôi đã tới viếng, thắp hương những đồng bào gặp nạn, rồi mới tiếp tục hành trình sang Soeul. Nỗi buồn của riêng tôi còn kéo dài những ngày sau đó tại Hàn Quốc khi tôi chỉ về thứ 50 trong tổng số 90 VĐV”. – Ông Thuyết khép lại kỳ Olympic thứ hai của cuộc đời.

Tiếc nuối vì chưa được vào Đảng

Bây giờ, khi đã ở nửa bên kia của cuộc đời, sớm tối rảo hoạt trong căn nhà, lấy việc trông chăm những đứa cháu làm niềm vui. Ông Thuyết lẫy lừng của đường chạy việt dã quốc nội, ông Thuyết vinh dự từng chạy đường chạy Olympic mang theo niền tự hào dân tộc một thời vẫn mang trong mình một điều tiếc nuối. Ấy là ông chưa được vào Đảng!

Hỏi ông, cả đời đã chạy bao nhiêu km, ông chỉ cười mông lung mà bảo: “Làm sao nhớ nổi”. Nhưng khi hỏi ông, ngoài đích chạy, ông còn đích nào khác không thì ông rõ ràng lắm lắm – cái đích cả đời chạy của ông chính là Đảng.

Kiện tướng Nguyễn Văn Thuyết và con gái khi cùng tham gia chạy việt dã báo Tiền phong năm 1991.

“Tôi đã giành được hàng chục huy chương vàng tại các giải chạy trong nước, được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tặng bằng khen, được bầu chọn là 10 VĐV tiêu biểu toàn quốc vậy mà chỉ một lần bất cẩn, giấc mơ vào Đảng của tôi đã trở nên xa vời.

Năm 1986, khi tôi được triệu tập về Hà Nội chuẩn bị cho giải Thiện chí, tổ chức ở Liên Xô, tôi đã quên không làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đoàn từ nhà máy (Khai thác quặng apatit Lào Cai, nơi ông Thuyết làm việc) về nơi tôi tập luyện. Hai tháng sau khi tôi thi đấu từ Liên Xô trở về, Đoàn cơ sở đã kỷ luật và khai trừ tôi khỏi Đoàn với lý do: Vi phạm nguyên tắc sinh hoạt.

Sau lần đó, một phần tôi tự ái một phần tôi đã lớn tuổi, chuyện trở lại Đoàn tôi đành quên. Tôi cũng để mái tóc dài từ ấy!” – Ông Thuyết kể trong niềm nuối tiếc.

Câu chuyện về ông Thuyết “marathon” còn nối dài sang vài chương hồi nữa với phần đời mang danh ông Thuyết “trống”, nhưng hẹn viết tiếp vào một ngày gần. Tới đây, xin lấy niềm tự về những năm tháng lao động, cống hiến hết mình của ông trên đường chạy, lấy niềm tự hào “các con tôi, đứa nào đứa nấy đều đã thành Đảng viên” làm đoạn kết có hậu cho chuyện của ông.


Hà Thành

Bình luận
vtcnews.vn