Thông tin trên được ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho biết tại buổi họp báo do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) tổ chức chiều 4/11.
Theo ông Tuấn, vào lúc 7h ngày 6/11, sẽ diễn ra lễ bàn giao tiếp nhận dự án giữa Bộ GTVT và UBND TP Hà Nội. "Sau khi hai bên ký biên bản bàn giao, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông sẽ vận hành thương mại", ông Tuấn nói.
Ông Tuấn cho biết thêm, trong 6 tháng đầu, đơn vị vận hành sẽ chạy 6 đoàn tàu, trong đó 15 ngày đầu 3 đoàn tàu chạy không ngừng nghỉ.
Trong 6 tháng sau, đơn vị vận hành sẽ chạy 9 đoàn tàu, giãn cách giữa 2 chuyến là 6 phút.
Ông Vũ Hồng Trường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội), cho biết, đơn vị đã chuẩn bị đủ các điều kiện nhân sự để khai thác, vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Ngoài số lượng nhân sự được tuyển dụng theo quy mô ban đầu của dự án là 651 người, 82 nhân sự cũng được tuyển dụng bổ sung, hoàn thành đào tạo, sát hạch để làm nhiệm vụ.
Đội ngũ lái tàu, nhân sự vận hành tuyến đường sắt này được tuyển dụng, đào tạo song song với quá trình triển khai dự án. Tổng số 37 lái tàu đã được cấp giấy phép, các chức danh vị trí công việc khác được cấp chứng chỉ chuyên môn theo quy định. Tất cả đã được tiêm 2 mũi vaccine phòng dịch COVID-19.
Trong năm đầu tiên khai thác chính thức, tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông được chuyên gia của Công ty Đường sắt đô thị Trung Quốc tham gia tư vấn, hỗ trợ quản lý, khai thác vận hành. Việc này nhằm kết hợp tiếp tục đào tạo kỹ năng nghề thực tế cho lái tàu, đội ngũ nhân sự vận hành hệ thống, cũng như nâng khả năng bảo đảm an toàn trong giai đoạn đầu.
Trước đó, ngày 29/10, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng tổ chức kiểm tra hiện trường, đồng thuận kết quả nghiệm thu dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Việc chấp thuận trên căn cứ quy định pháp luật về nghiệm thu công trình xây dựng, việc kiểm tra kết quả nghiệm thu và căn cứ các báo của chủ đầu tư dự án (Bộ GTVT), chủ thể tham gia công trình, báo cáo kết quả khắc phục tồn tại trong quá trình thực hiện dự án.
Ngoài ra, Hội đồng Kiểm tra Nhà nước còn căn cứ vào kết quả nghiệm thu hoàn thành công trình của chủ đầu tư, báo cáo đánh giá của tổ chuyên gia cũng như kết quả kiểm tra hiện trường.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có chiều dài 13,05km đi hoàn toàn trên cao, trên tuyến có 12 nhà ga; điểm đầu và cuối tuyến ga Cát Linh (phố Cát Linh, quận Ba Đình, Hà Nội) và ga Yên Nghĩa (bến xe Yên Nghĩa, quận Hà Đông).
Dự án có 13 đoàn tàu, dự kiến giai đoạn đầu sẽ khai thác 4 - 6 đoàn tàu, với thời gian 10 - 15 phút/chuyến.
Theo ghi nhận của VTC News ngày 3/11, tại các nhà ga cho thấy, hệ thống máy bán vé tại các nhà ga được lắp đặt, cài đặt chế độ bán vé tự động bằng song ngữ Việt - Anh. Các quầy bán vé trực tiếp được đặt tại sảnh tầng 2 đón khách.
Hệ thống thang máy, thang bộ từ đường lên tầng 2 nhà ga, bên trong nhà ga hoạt động trơn tru; hệ thống ánh sáng, biển chỉ dẫn lối đi, khu vực ngồi chờ, vệ sinh… sẵn sàng hoạt động.
Giá vé đi tàu Cát Linh – Hà Đông bao nhiêu?
Dự kiến giá vé tàu Cát Linh – Hà Đông được tính theo quãng đường di chuyển của hành khách, trong đó tối đa 15.000 đồng/lượt nếu đi toàn tuyến và thấp nhất là 8.000 đồng với quãng ngắn nhất.
Giá vé ngày là 30.000 đồng/người (không giới hạn số lượt đi lại trên tuyến theo ngày). Giá vé tháng có các mức 200.000 đồng/người cho hành khách phổ thông; 100.000 đồng/người cho học sinh, sinh viên, người lao động tại các khu công nghiệp.
Người lao động tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể, được áp dụng mức 140.000 đồng/người/tháng.
Người có công, người cao tuổi, người khuyết tật, trẻ em dưới 6 tuổi, nhân khẩu thuộc hộ nghèo được miễn vé.
Bình luận