Mới hơn 4h sáng một ngày đầu tháng 5, anh Trần Đình Hồng ở xã Ngọc Thuỵ (quận Long Biên, Hà Nội) và nhiều người đã ra sông Hồng để vớt con vật vờ. Ai vào việc nấy, người đốt bó đuốc cho lửa cháy để vật vờ thấy sáng tụ vào. Người lại cầm vợt chao qua liệng lại để bắt. Người có thuyền thì bơi ra giữa sông lấy lưới vớt những xác vờ màu trắng đục nổi đầy mặt nước, tiếng nói cười râm ran một khúc sông.
Vừa vợt vờ, anh Hồng vừa kể, tổ nó ở dưới đất, tầm 4-5 giờ sáng vờ bắt đầu ra. Nó trồi lên, bay đi tìm chỗ đậu để lột xác. Lúc đấy nó rất yếu, chỉ bay là là mặt nước, mặt đất, chỉ việc lấy vợt để vợt.
“Mọi năm, vờ xuất hiện từ tháng 2 nhưng năm nay chờ mãi không thấy đâu, anh em ngư dân tưởng mất mùa. Ai ngờ đầu tháng 3 thậm chí là sang đến đầu tháng 5, vật vờ xuất hiện nhiều vô kể”, anh Hồng nói.
Anh Đoàn Đình Trình, một người tham gia vớt vật vờ cho biết thêm, những năm trước, vờ chỉ xuất hiện vài ngày. Thậm chí có thời gian suốt hàng chục năm trời, nước sông ô nhiễm, vờ không thấy xuất hiện. Nhiều người muốn ăn, tìm mua nhưng không có.
Theo anh Trình, muốn vớt vờ được nhiều nhất người dân phải canh thời tiết và con nước sao cho chuẩn và phải đi từ 3-4 giờ sáng, đến những khúc gần ngã ba sông nhiều đất thịt là chỗ loài côn trùng này làm tổ, chúng chỉ ngoi lên mặt nước trong vài giờ để lột xác, đẻ trứng rồi chết. Xác của chúng theo dòng nước trôi đi, nếu đi muộn sẽ không có để vớt.
“Năm nay vờ xuất hiện nhiều đợt, kéo dài đến tận cuối tháng 4, đầu tháng 5, số lượng cũng nhiều hơn các năm trước. Mỗi đợt tôi đi vớt được 50-60kg, lên đến bờ đã có người chờ sẵn, mua hết với giá 500.000 đồng/kg. Tôi bán một phần còn một phần giữ lại cấp đông để ăn và tiếp khách”, anh Trình nói.
Con vờ trắng muốt, thân hình mỏng manh, mềm oặt, có khả năng phát sáng trong đêm. Chúng làm tổ ở đáy sông, ở vùng nước sạch, không ô nhiễm. Những cánh vờ mỏng manh như chính vòng đời của chúng vậy. Khi mới ngoi lên khỏi mặt đất, còn khỏe, chúng cũng chỉ bay “lờ và lờ vờ”.
Mỗi năm, con vờ chỉ đẻ 1 lần, ấu trùng lớn lên bằng con chuồn nhỏ, lột xác bay ra, tiến hành giao phối, đẻ trứng, sau vài tiếng sẽ chết nổi trên mặt sông.
"Đây là một loại côn trùng có tuổi đời ngắn nhất, thường chỉ kéo dài vài tiếng, cùng lắm là một tuần từ lúc còn là ấu trùng cho tới khi lột xác thành vật vờ trưởng thành”, anh Trình cho biết thêm.
Còn anh Vũ Huy Hà, người dân ở phường Ngọc Lâm cho biết, vờ thường chỉ xuất hiện một lần trong năm, từ khoảng tháng 2 - 4 âm lịch. Thời gian này, người dân ven sông sẽ đi hớt vờ để chế biến ra nhiều món ngon.
Không như nhiều loài côn trùng khác chỉ được nướng hoặc chiên, vờ được người Hà Nội chế biến thành nhiều món ăn đặc sản nổi tiếng như vờ chiên lá mắc mật, nộm vờ, vờ xào ngổ, vờ xào rau bí, vờ xào rau muống, chả vờ, vờ nấu với cá ngạnh, lẩu riêu cua vờ ...
Món ăn ngon nhất phải kể đến vờ om cá ngạnh, một loại cá đặc sản ở sông Hồng với mẻ, cà chua, nghệ, riềng. “Vị ngọt của của cá ngạnh, vị chua dìu dịu của mẻ, vị bùi béo của vật vờ sẽ khiến ai ăn một lần cũng nhớ mãi”, anh Hà nói.
Anh Hà cho biết thêm, vờ đem đi nấu canh thì ngọt nước, đem đi xào hay chiên thì giòn tan, béo ngậy. Những ai từng ăn rồi lại muốn ăn nữa, đến mùa mà không được thưởng thức thì lại cảm thấy thiếu thiếu, phải tìm mua cho bằng được.
Bình luận