• Zalo

Hạnh phúc của nông dân Hải Dương mùa săn 'lộc trời'

Đời sốngChủ Nhật, 14/02/2021 08:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Vài trăm triệu đến cả tỷ đồng thu được từ mỗi vụ rươi khiến cuộc sống của các hộ dân xã An Thanh (huyện Tứ Kỳ, Hải Dương) đổi thay từng ngày.

18h30, khi mọi nhà đã lên đèn, ông Phạm Văn Huỳnh (thôn An Định, xã An Thanh, Tứ Kỳ, Hải Dương) lấy chiếc đèn pin đang sạc điện ở góc nhà đeo lên đầu. Rồi ông tất tả lấy túi lưới, chậu, móc treo… chằng buộc lên xe, hòa vào dòng người đi lấy rươi, đông như trẩy hội.

Những mẻ rươi đỏ au

Dọc đường, ông Huỳnh vừa cười sảng khoái vừa bảo rươi bây giờ được mọi người gọi là “lộc trời” vì không phải chăm sóc, không phải cho ăn, chỉ cần cải tạo mặt nước tạo môi trường tốt nhất để rươi sinh trưởng, trong khi giá thành, lợi nhuận cao.

Hết vụ, người nông dân lại “tiền đầy túi”, ông nông dân Tứ Kỳ cười lớn.

Nhiều năm trở lại đây, cứ đến độ “tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm”, những con đường trải bê tông từ nhà ra tới đồng của thôn An Định lại nườm nượp xe ra vào để mua rươi. Họ đều là khách lẻ, những người mê món chả rươi rán giòn béo ngậy, những nồi lẩu rươi thơm phức… rồi chén chú chén anh trong tiết trời se lạnh.

Hôm nay cháu về muộn nên chú không mời cơm được, chứ bình thường khách tới chơi nhà chú đều chế biến những món ăn từ rươi để mời. Cây nhà lá vườn, nhiều người chưa biết con rươi là gì nhưng ăn một lần lại nghiện luôn”. Dứt lời, ông Huỳnh vặn tay ga để chiếc xe máy leo lên dốc, men theo triền đê tới ruộng rươi.

Hạnh phúc của nông dân Hải Dương mùa săn 'lộc trời' - 1

Ông Huỳnh (bên phải) lội dưới nước để thu hoạch mẻ rươi.

Trời nhá nhem, hơn 10 người đã có mặt từ bao giờ. Tiếng cười, tiếng nói xôn xao cả một vùng. 

Thương lái với những thùng xốp, bịch nước đá háo hức ngồi chờ từng mẻ rươi ráo nước để đóng thùng chuyển đi. Chủ và khách như người nhà, nói cười rôm rả, kể cho nhau nghe câu chuyện tối hôm trước có nhà lấy được gần 1 tạ rươi, kiếm được xấp xỉ 40 triệu đồng; rồi gia đình sở hữu hơn 10 mẫu ruộng Bắc Bộ, năm ngoái thu về tiền tỷ. Câu chuyện cứ thế miên man không có hồi dứt.

Tiến về gần cửa xả, ông Huỳnh nhấc hệ thống lưới (còn gọi là săm) lên, lớn tiếng nói: “Mẻ này nặng tay lắm, chắc phải được 10kg”. Nói rồi, ông bước xuống nước, kéo lưới lại gần mình hơn. Từng con rươi đỏ au dần xuất hiện dưới ánh đèn pin và rất nhiều ánh mắt đang chăm chú nhìn.

Trong năm, hầu như tháng nào cũng có nước rươi, nhưng từ tháng Giêng tới tháng 7 Âm lịch chỉ là phụ, được vài cân, chúng tôi gọi là rươi chiêm. Rươi nhiều từ tháng 9 tới tháng 12 Âm lịch. Chính vụ, rươi ngon và nhiều nhất phải là tháng 10.

Hôm nay, mới mẻ đầu mà được nhiều rươi. Con nào con nấy đỏ au, to, béo núc, nhiều bột như thế này. Tôi phấn khởi lắm, dự là vụ này sẽ được mùa. Vì vậy, trời có rét mấy tôi cũng phải cố lội xuống nước để kéo lưới vào”, ông Huỳnh cười rồi nhẹ tay đảo từng vốc rươi vừa được đổ từ lưới vào thùng.

Hạnh phúc của nông dân Hải Dương mùa săn 'lộc trời' - 2

Từng mẻ rươi được để trong túi, treo lên cho thật ráo nước trước khi được cân cho các thương lái.

Đồng hồ chỉ 19h30, cánh đồng rươi thôn An Định thêm tấp nập người và xe. Những đốm sáng dày đặc hắt về từ hướng bờ đê. Ông Huỳnh cho biết, đó là các thương lái đang soi đèn pin. Họ chờ được gọi vào lấy rươi mang đi bán cho các đại lý cấp 1, cấp 2 hoặc xuất khẩu sang nước ngoài.

Đổi đời nhờ rươi

Ông Huỳnh ơi, được mẻ rươi nào chưa? Hôm nay nhớ để hết cho tôi nhé”. Ông Huỳnh ngẩng đầu tìm kiếm khi phát hiện tiếng ông Phạm Văn Bính, người chuyên thu mua rươi vọng lại từ ruộng nhà bên cạnh.

Tôi bước lại gần hơn cánh ruộng ấy. Ông Bính đặt nhẹ nắp đậy thùng xốp chứa đầy rươi, kéo ghế lại gần, mời khách uống chén trà nóng.

Ông Bính làm nghề thu mua rươi khoảng 8 năm nay, từ khi cánh đồng trũng cấy lúa của xã An Thanh chuyển dần sang thành cánh đồng rươi và dần trở thành vùng khai thác rươi trọng điểm của tỉnh Hải Dương.

Hạnh phúc của nông dân Hải Dương mùa săn 'lộc trời' - 3

Ông Phạm Văn Bính có kinh nghiệm 8 năm thu mua rươi, từng chứng kiến niềm vui được mùa của người nông dân xã An Thanh.

Ông Bính kể, gần 10 năm trở lại đây, người dân xây kè đắp bờ, chia luồng lạch, làm đường giao thông nội đồng, cải tạo đất làm môi trường cho rươi bật lên để thu hoạch.

Từ một món ăn ít người biết đến, dần dần rươi trở thành đặc sản, nổi tiếng khắp mọi miền đất nước, thậm chí nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới, mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân nơi đây. Cuộc sống của người dân xã An Thanh cũng vì thế được thay đổi.

Nhờ cánh đồng rươi mà kinh tế nhiều gia đình trong xã An Thanh trở nên khấm khá. Rươi to, nhiều bột có thể bán được 420 – 430 nghìn đồng/kg, rươi bé bán khoảng 350 nghìn đồng/kg, tùy từng loại. Vất vả mấy ngày cuối tháng để lấy rươi đêm nhưng bù lại thu nhập cao. Có nhà thu nhập được 300 – 400 triệu đồng/năm, nhà nhiều hơn 700 – 800 triệu đồng, có nhà hơn 1 tỷ đồng.

Vì thế, người dân vùng này có tiền cho con ăn học và xây nhà, mua sắm tiện nghi sinh hoạt. Nếu chỉ trông vào mấy đồng ruộng cấy lúa thì biết bao giờ mới có của ăn của để. Đời sống đủ đầy nên ai cũng phấn khởi và cảm thấy hạnh phúc, không còn cảnh cãi vã vì phải lo cơm áo gạo tiền nữa”, ông Bính phấn khởi nói.

Dưới ánh đèn pin lấp loáng, ông Bính say sưa kể về những ngày rong ruổi trên các cung đường, chạy đua với thời gian để kịp đi lấy rươi tại ruộng mang đi giao cho các đại lý cấp 1, cấp 2…

Riêng thôn An Định có hơn 100 hộ thu hoạch rươi, nhưng thu hoạch tới đâu được mua hết tới đó, nên cứ nghe cuộc điện thoại báo có rươi là ông Bính vội vã lên đường ngay, dù lúc đó là 3 – 4h sáng.

Hạnh phúc của nông dân Hải Dương mùa săn 'lộc trời' - 4

Niềm vui lớn nhất của người nông dân xã An Thanh là thu hoạch được những mẻ rươi đỏ au, to béo, nhiều bột.

Mỗi lần nhận được cuộc gọi từ các đại lý, nhà hàng báo rươi ngon, khách ăn tấm tắc khen, trong lòng ông Bính lại vui như mở cờ. Niềm hạnh phúc nhất đối với một thương lái như ông chính là những phản hồi tích cực của khách hàng.

20h30, một vài thương lái đã thu mua đủ rươi, quay xe để đi giao hàng. Ông Bính vẫn ngồi lại chờ mua thêm.

Ông Huỳnh tạm nghỉ tay uống chén trà nóng trước khi tiếp tục thu hoạch những mẻ rươi tiếp theo.

Cuối tháng 11 Âm lịch, 30 – 40 anh em chúng tôi từ người lớn tuổi cho tới thanh niên lại ngồi quây quần dưới bãi nuôi trồng thủy sản để tổng kết lại một vụ rươi được mùa, lên kế hoạch sắm Tết và kế hoạch tác chiến cho mùa sau thu nhập cao hơn. Lúc ấy thực sự rất vui”, ông Huỳnh nói rồi cười lớn, tiếng cười lẫn trong tiếng xe máy trở ra, trở vào liên tục của các thương lái.

Nguyễn Huệ
Bình luận
vtcnews.vn