Ngày 20/4 (nhằm ngày 16/3 Âm lịch), tại đình làng An Vĩnh (huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi), Ban Khánh tiết, quản lý di tích đình làng An Vĩnh cùng nhân dân đảo Lý Sơn đã tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Đây là lễ hội đã được Bộ Văn hóa – thể thao & Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Bông - Trưởng Ban khánh tiết đình làng An Vĩnh nhắc lại ý nghĩa của Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa và nguồn gốc Đội Hoàng Sa trên đảo Lý Sơn.
Theo đó, Hải đội Hoàng Sa (hay Đội Hoàng Sa) có 70 suất, vốn chủ yếu là người An Vĩnh trong đất liền và sau là người phường An Vĩnh ở Cù Lao Ré (đảo Lý Sơn).
70 suất đi Hoàng Sa được chia đều cho các họ, tộc, không phân biệt Tiền Hiền hay Hậu Hiền, theo nguyên tắc luân phiên. Các xã đều có người giong thuyền ra dựng bia, cắm mốc khẳng định chủ quyền của quốc gia trên 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Thế nhưng, những người lính Hoàng Sa thuở ấy không mấy ai còn được trở về.
Hằng năm, người dân đảo Lý Sơn tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm tri ân, tưởng nhớ, ghi ơn sâu sắc công lao to lớn của những hùng binh Hoàng Sa đã có công xác lập chủ quyền, bảo vệ lãnh hải của Việt Nam tại 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Đến bây giờ, mỗi khi Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được tổ chức, câu ca lưu truyền từ bao đời qua lại được ngân vang: Hoàng Sa trời nước mênh mông/ Người đi thì có mà không thấy về/ Hoàng Sa mây nước bốn bề/ Tháng ba khao lề thế lính Hoàng Sa.
Đó cũng là lúc hàng nghìn người dân Lý Sơn lại rưng rưng nước mắt tưởng nhớ tới đội hùng binh Hoàng Sa.
Bình luận