Các thành phần trong chính phủ Nga được cho là đang ủng hộ Moskva rút lại việc phê chuẩn Hiệp ước cấm thử hạt nhân toàn diện, một thỏa thuận quốc tế nhằm đình chỉ tất cả các vụ thử vũ khí hạt nhân. Văn bản năm 1996 chưa bao giờ có hiệu lực vì một số quốc gia, bao gồm Mỹ, không phê chuẩn.
RT dẫn tin từ nhật báo kinh doanh Kommersant nói về các cuộc thảo luận liên quan đang ở giai đoạn đầu. Rút lại việc phê chuẩn sẽ mang tính tượng trưng hơn là thực tế, nhưng vẫn thể hiện lập trường của Nga, hãng tin cho biết.
Hôm 3/8, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cũng nhắc đến hiệp ước. Bà lưu ý rằng 5/8 là ngày đánh dấu kỷ niệm 60 năm của thỏa thuận cấm thử vũ khí hạt nhân một phần.
Thỏa thuận cấm tất cả các vụ thử hạt nhân ngoại trừ những vụ được tiến hành dưới lòng đất. Bà Zakharova cho rằng nỗ lực mở rộng lệnh cấm vào năm 1996 đã thất bại và đổ lỗi cho "những hành động phá hoại và vô trách nhiệm" của Mỹ.
Năm 2018, chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa việc từ chối phê chuẩn thỏa thuận toàn diện vào bản cập nhật tình hình hạt nhân của Mỹ. Người kế nhiệm Joe Biden đã chính thức đảo ngược chính sách này, thể hiện cam kết đưa hiệp ước vào hiệu lực. Tuy nhiên, các chuyên gia tin rằng Nhà Trắng hiện tại khó có thể nhận được số phiếu cần thiết tại Quốc hội để thực hiện cam kết.
Washington không phải là bên liên quan duy nhất chưa phê chuẩn hiệp ước.
Mỹ tiến hành vụ thử hạt nhân gần đây nhất vào năm 1992, trong khi Nga, hay Liên Xô khi đó, thử hạt nhân vào năm 1990. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bày tỏ lo ngại rằng Washington sẽ gia tăng các vụ thử trong bối cảnh hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình và đã cảnh báo rằng Moskva sẽ dỡ bỏ lệnh cấm để đáp trả.
Bình luận