• Zalo

Rêu rao Việt Nam hạn chế tôn giáo vẫn là câu chuyện xuyên tạc đã cũ

Chính trịThứ Sáu, 09/09/2022 11:06:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Hai bản báo cáo của Hoa Kỳ có đề cập tình hình tôn giáo của Việt Nam vẫn là câu chuyện xuyên tạc, lấy hiện tượng quy đổi thành bản chất.

Việc hàng năm Bộ Ngoại giao và Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ công bố Báo cáo về tình hình tôn giáo không còn là điều xa lạ đối với nhiều nước và dư luận quốc tế. Tháng 6 và tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đưa ra Báo cáo về Tự do Tôn giáo quốc tế năm 2021, trong đó có những nội dung thiếu khách quan, thiếu kiểm chứng, không phù hợp với tình hình tôn giáo của Việt Nam, can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đi ngược lại xu thế quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Mỹ.

Rêu rao Việt Nam hạn chế tôn giáo vẫn là câu chuyện xuyên tạc đã cũ - 1

Một buổi sinh hoạt của tín đồ Phật giáo Nam tông Khmer tỉnh Trà Vinh 

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã viện dẫn những bằng chứng vô căn cứ của các tổ chức phi chính phủ cho rằng, chính quyền hành hung các cá nhân thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên và Tây Bắc, răn đe, bắt bớ nhiều cá nhân có đạo không xét nghiệm COVID-19 hoặc chưa tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19…

Cũng tương tự, bản báo cáo của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, ngay trong phần mở đầu, đã đưa ra đánh giá mang tính kỳ thị khi cho rằng, trong năm 2021, các cộng đồng dân tộc thiểu số ở Việt Nam phải chịu nhiều áp bức, kể cả bị hành hung, bắt giữ hoặc trục xuất ra khỏi địa bàn vì họ hành đạo một cách ôn hòa.  

Báo cáo đã có những ý kiến quan điểm xuyên tạc về Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2018, cho rằng luật này cho phép sự sách nhiễu đối với lãnh đạo tôn giáo và những người thuộc cộng đồng miền núi ở Việt Nam, bao gồm người Thượng, người Mông và các nhóm sắc tộc khác dễ bị tổn thương…

Chưa hết, cả hai bản báo cáo tiếp tục vu cáo chính quyền Việt Nam thông qua các điều luật, quy định “không rõ ràng” để kiểm soát, hạn chế tự do tôn giáo.

Rêu rao Việt Nam hạn chế tôn giáo vẫn là câu chuyện xuyên tạc đã cũ - 2

PGS, TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam

Trao đổi về vấn đề này, PGS, TS Chu Văn Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng, đây vẫn là câu chuyện xuyên tạc, thay đổi bản chất và hiện tượng, lấy hiện tượng để quy thành bản chất, mục đích để tiếp tục gây sức ép về mặt chính trị, đối ngoại nhằm thực hiện các mục đích của mình.

-So với các bản báo cáo về tự do tôn giáo trước đây của chính hai cơ quan này, theo ông, có sự khác biệt nào hay không?

Theo tôi, các bản báo cáo này gần như không có gì khác biệt, vẫn là giọng điệu tuyên truyền và xuyên tạc tình hình tôn giáo ở Việt Nam và tự do tín ngưỡng tôn giáo ở Việt Nam; vẫn là nêu lại những trường hợp họ cho rằng chúng ta ngăn trở việc thực thi quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.

Tôi nghĩ rằng các báo cáo có kịch bản khá giống nhau, chỉ có một vài thông tin thêm thắt cho có vẻ khác đi, cho có vẻ như báo cáo khách quan. Còn bản chất, cách tiếp cận, quan điểm không có gì khác với những bản báo cáo trước.

- Như vậy, chúng ta thấy hầu như không có sự khác biệt lớn giữa các báo cáo của hai cơ quan của Mỹ về vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam. Ông có thể lý giải tại sao lại như vậy?

Tôi nghĩ rằng các bản báo cáo của Mỹ về tự do tôn giáo ở Việt Nam không có sự thay đổi là do cách tiếp cận, quan điểm về tự do tôn giáo ở Việt Nam không thay đổi. Cùng với đó, mục đích của bản báo cáo này đặt ra cũng không thay đổi.

Cách tiếp cận của bản báo cáo này và những bản báo cáo trước đây cũng đều là đi tìm những nhân vật bất đồng chính kiến, cực đoan trong các tôn giáo có hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước; thậm chí có hành vi chống đối liên quan đến an ninh quốc gia, kích động ly khai biểu tình, bị xử lý, dựa vào câu chuyện của những người đó để kết luận là ở Việt Nam không có tự do tôn giáo.

Họ cũng đi tìm những bằng chứng gọi là hạn chế tự do tôn giáo nhưng thực chất đó là hoạt động thực thi pháp luật của các cơ quan chức năng của Nhà nước Việt Nam. Các tổ chức tôn giáo hay các cá nhân tôn giáo nếu vi phạm chính sách pháp luật của Việt Nam sẽ bị xử lý chứ không phải vì tự do tôn giáo.

Mục đích của báo cáo không có gì thay đổi ngoài việc gây sức ép với Nhà nước, Chính phủ Việt Nam phải thực hiện những tiêu chí về tự do tôn giáo do Mỹ đưa ra.

Rêu rao Việt Nam hạn chế tôn giáo vẫn là câu chuyện xuyên tạc đã cũ - 3

Một buổi sinh hoạt của nhóm đồng bào Mông theo đạo Tin Lành ở bản Pờ Ngài, xã biên giới Huổi Luông, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu cuối tháng 8/2022.

Rêu rao Việt Nam hạn chế tôn giáo vẫn là câu chuyện xuyên tạc đã cũ

- Theo quan sát của ông về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam, thực tế phản bác điều gì trong báo cáo của Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ?

Theo tôi, trong các báo cáo của Mỹ về tự do tôn giáo Việt Nam cũng như những bản báo cáo vừa rồi, họ luôn cho rằng Việt Nam đang hạn chế tôn giáo đối với nhóm người dân tộc thiểu số có tôn giáo, đặc biệt là những nhóm ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo. Họ cho rằng nhóm này bị chính quyền hạn chế, thậm chí ngăn chặn việc hành đạo.

Còn thực tế, đời sống sinh hoạt tôn giáo của bà con rất tự do, bà con cũng có cơ sở để thực hành tôn giáo của mình, như vậy không thể nói rằng đồng bào dân tộc thiểu số bị hạn chế, đàn áp hay ngăn cản các hoạt động của mình. Không chỉ Tây Bắc, mà Tây Nguyên, Tây Nam bộ, miền Trung, những nơi tôi đã đến, bà con đều được sinh hoạt hoàn toàn tự do miễn là chấp hành đúng chính sách pháp luật nói chung và chính sách pháp luật về tín ngưỡng tôn giáo nói riêng.

- Như vậy việc Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ cho rằng, Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016 cho phép sự sách nhiễu đối với lãnh đạo tôn giáo và những người thuộc cộng đồng miền núi là sự áp đặt, thậm chí có tính chất vu cáo?

Luật tín ngưỡng tôn giáo của Việt Nam không có điều nào hay quy định gì nói rằng “cho phép sách nhiễu lãnh đạo tôn giáo và những người thuộc cộng đồng miền núi”. Đây rõ ràng là sự áp đặt, vu cáo, bởi Luật tín ngưỡng tôn giáo được xây dựng từ năm 2016, có hiệu lực từ 2018, là một trong những cơ sở để thực thi và đảm bảo tốt nhất quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo.

Trước đây khi chưa có luật, rất nhiều ý kiến cho rằng Việt Nam vi phạm pháp luật hay tùy tiện trong ứng xử với quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo. Nhưng khi chúng ta đã có luật, quy định rất rõ thế nào là quyền tự do tín ngưỡng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, căn cứ vào luật để thực thi, thì họ lại bảo chúng ta dựa vào luật để sách nhiễu, như thế là xuyên tạc

- Đây không phải là lần đầu Bộ Ngoại giao và Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ công bố các báo cáo có nội dung sai lệch về tự do tôn giáo ở Việt Nam. Vậy ý đồ đằng sau những cáo buộc này là gì?

Trước hết phải khẳng định rằng luận điệu trong các bản báo cáo vừa rồi cũng là xuyên tạc, không có chuyện Chính phủ Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế hoạt động của nhiều tôn giáo và cũng không có chuyện một số tín đồ tôn giáo bị hạn chế, sách nhiễu. Nếu không tuân thủ chính sách pháp luật, vi phạm pháp luật sẽ bị xử lý.

Chuyện này cần phải tách bạch rất rõ, hoạt động có đúng pháp luật không chứ không phải cứ mang danh tổ chức tôn giáo muốn hoạt động gì cũng được, thích làm gì cũng được, không thể như thế được vì bất cứ tôn giáo nào cũng vậy, phải đảm bảo được quy định chung của toàn xã hội.

Không chỉ là tín đồ tôn giáo, họ còn là công dân, phải tuân thủ quy định của pháp luật. Vì thế tôi cho rằng, đây vẫn là câu chuyện xuyên tạc, thay đổi bản chất và hiện tượng, lấy hiện tượng để quy thành bản chất, mục đích để rêu rao rằng, Việt Nam vẫn còn hạn chế tôn giáo để gây sức ép. Từ đó tiếp tục gây sức ép về mặt chính trị, đối ngoại nhằm thực hiện các mục đích của mình.

Rêu rao Việt Nam hạn chế tôn giáo vẫn là câu chuyện xuyên tạc đã cũ - 4

Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2019 được tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đây là lần thứ 3 Việt Nam vinh dự là nước chủ nhà đăng cai Đại lễ Vesak LHQ.

Không có quốc gia nào, các quyền con người, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được đảm bảo tuyệt đối

- Lâu nay tại Việt Nam đã xuất hiện không ít hoạt động tôn giáo trái pháp luật của một số tổ chức Tin Lành nước ngoài chưa được cấp phép, điển hình là các đạo lạ mang danh nghĩa Tin Lành truyền vào Việt Nam như Tân Thiên địa, Hội thánh của Đức Chúa Trời mẹ... Hoạt động của phần lớn các tổ chức này trái với văn hóa truyền thống của dân tộc, nhuốm màu mê tín dị đoan, có dấu hiệu trục lợi, nhiều tổ chức vi phạm pháp luật. Vậy nhưng, có những thế lực lại mượn chiêu bài tôn giáo để cho rằng, một số tín đồ tôn giáo “bị đàn áp”. Đây liệu có phải là những cáo buộc vô căn cứ?

Như chúng ta biết, thời gian qua, xuất hiện Hội thánh Đức Chúa Trời Mẹ gây ra nhiều bức xúc trong xã hội, lo âu trong nhiều người. Đây không phải là một tôn giáo theo đúng nghĩa mà lập ra để trục lợi, quy tụ đông tín đồ để thực hiện mưu đồ chính trị. Tuy nhiên, chính sách pháp luật của ta rất rõ, những tổ chức như vậy không được phép hoạt động ở Việt Nam, muốn hoạt động phải đảm bảo các yêu cầu tiêu chuẩn, điều kiện luật quy định.

Nhìn ra các nước trên thế giới, họ cũng đều ngăn chặn hiện tượng này, Việt Nam cũng không thể cho phép họ hoạt động để gây ảnh hưởng tới xã hội.

- Phải chăng với việc đưa ra bản Báo cáo tôn giáo hàng năm, Bộ Ngoại giao và Uỷ ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ đang tự cho mình cái quyền được can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác?

Tôi cho rằng đây là một chiêu bài, một quan điểm tiếp cận của Mỹ trong việc xây dựng Luật tự do tôn giáo quốc tế để từ đó can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác. Nhiều nước cũng bị Mỹ xếp vào những nước hạn chế tự do tôn giáo, họ cũng phản đối và cho rằng, như thế là can thiệp vào công việc nội bộ của họ.

- Theo nghiên cứu của ông, trên thế giới, liệu có quốc gia nào được coi là mẫu mực trong việc đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo?

Tôi chưa thấy có quốc gia nào mà tất cả các quyền con người đều được đảm bảo tuyệt đối hoặc quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo được đảm bảo tuyệt đối, bởi đa phần các nước đều quy định rằng bất kỳ một hoạt động nào của các tổ chức tôn giáo nếu ảnh hưởng đến lợi ích xã hội, đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác thì tất cả các hoạt động đó đều cần phải hạn chế. Những nước xung quanh chúng ta, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đều có quy định như vậy. Theo cách tiếp cận của Mỹ, rõ ràng không thể có câu chuyện đảm bảo tự do tôn giáo một cách tốt nhất được, ngay cả Mỹ cũng vậy.

Xin cảm ơn ông.

Nhóm PV(VOV1)
Bình luận
vtcnews.vn