• Zalo

Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam

Tin nhanh 24hThứ Năm, 03/12/2020 13:03:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Thời gian vừa qua, Việt Nam không ngừng nỗ lực hoàn thiện hệ thống pháp luật về tôn giáo, chính sách tín ngưỡng, bảo đảm quyền tự do tin ngưỡng, tôn giáo.

Nhà nước Việt Nam nhìn nhận tín ngưỡng, tôn giáo là một nhu cầu tinh thần chính đáng của con người. Tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và tự do không tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam.

Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh chính sách "tín ngưỡng tự do và Lương, Giáo đoàn kết" trong chương trình hành động của Chính phủ, coi đó là một trong những nhiệm vụ cấp bách của Nhà nước Việt Nam.

Từ đó đến nay, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền của các tín đồ được tự do thờ cúng và thực hành tín ngưỡng, tôn giáo và chính sách này đã được thể chế hóa bằng pháp luật.

Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam - 1

Tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Bước sang thời kỳ đổi mới, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về tôn giáo và cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 1992 và năm 2013 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990 của Bộ Chính trị  khóa VI về tăng cường công tác tôn giáo trong tình hình mới; Nghị quyết số 25- NQ/TW ngày 12-3-2003 của Ban Chấp hành Trung ương về công tác tôn giáo; Pháp lệnh Số 21/2004/PL-UBTVQH11 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XI ngày 18/6/2004 về tín ngưỡng, tôn giáo; Chỉ thị số 01/2005/CT-TTg ngày 4/2/2005 về một số công tác đối với đạo Tin lành; Chỉ thị 1940/CT-TTg ngày 31/12/2008 “về nhà, đất liên quan đến tôn giáo”...

Trên cơ sở đó, Ban Tôn giáo Chính phủ tham mưu cho Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch số 54/KH-BNV ngày 5/5/2016 về công tác đối với đạo Tin lành giai đoạn 2016 - 2020. Đây là kế hoạch công tác đầu tiên đối với đạo Tin lành được áp dụng chung cho cả nước.

Đến ngày 30/6/2019, tất cả các tỉnh, thành phố đã ban hành kế hoạch hoặc công văn hướng dẫn triển khai… Như vậy, những chủ trương, chính sách này đã góp phần tạo hành lang pháp lý ổn định, nhất quán để ghi nhận, bảo đảm thực hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân.  

Trước khi có Luật Tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016, tính đến tháng 3/2015, cả nước có hơn 975.000 người theo đạo Tin lành thuộc trên 80 tổ chức khác nhau, trong đó có 10 tổ chức được Nhà nước công nhận, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo, 1 Ban Đại diện.

Hoạt động của đạo Tin lành bị buông lỏng quản lý trong thời gian khá dài (1975 - 2005) nên trong thực tế đã nảy sinh nhiều vấn đề như: Định kiến đối với đạo Tin lành của một bộ phận cán bộ, quần chúng nhân dân; đất đai, cơ sở thờ tự; hoạt động của người nước ngoài theo đạo Tin lành tại Việt Nam; các nhóm Tin lành tư gia mới nổi; vấn đề lợi dụng đạo Tin lành để hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia...

Sau 2 năm thực hiện Luật Tín ngưỡng, tôn giáo, đến tháng 4/2019, cả nước có hơn 1,12 triệu người theo đạo Tin lành, trong đó có trên 855.000 người của hơn 40 dân tộc thiểu số, đông nhất là các dân tộc Mông (270.000 người), Ê-đê (124.000 người), Gia-rai (99.000 người), K’ho (67.000 người), S’Tiêng (60.000 người).

Có 9 tổ chức Tin lành có pháp nhân và 1 Ban Đại diện, 2 tổ chức được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo (gồm khoảng 70 tổ chức, nhóm Tin lành khác được cấp xã cấp đăng ký); 2.253 chức sắc, 6.851 chức việc, 757 tổ chức tôn giáo trực thuộc, 576 nhà thờ, 5.456 điểm nhóm. Ngoài ra còn có khoảng 8.500 người nước ngoài sinh hoạt tôn giáo tại 49 điểm nhóm. 

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được quán triệt trong cấp uỷ, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, tín đồ, chức sắc, chức việc đạo Tin lành và quần chúng nhân dân bằng các hình thức phong phú như văn bản, hội nghị, lớp tập huấn, toạ đàm, trao đổi... 

Những năm qua, các địa phương đã tuyên truyền, quán triệt tinh thần và nội dung cơ bản của Luật Tín ngưỡng, tôn giáo.  

Hiện Việt Nam có 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được công nhận và cấp đăng ký hoạt động với 55 nghìn chức sắc, 145 nghìn chức việc, 29 ngàn cơ sở thờ tự; 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, trong đó có 26 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số; có hơn 8 ngàn lễ hội tín ngưỡng, tôn giáo hàng năm, thu hút sự tham gia đông đảo của các tín đồ và quần chúng Nhân dân.

Đặc biệt, nhiều hoạt động tôn giáo quốc tế lớn được tổ chức thành công ở Việt Nam, trong đó có các sự kiện kỷ niệm 500 năm Cải chánh đạo Tin lành (năm 2017), Đại lễ Phật đản Liên Hợp Quốc Vesak (năm 2019), Tổng hội dòng Đa Minh thế giới (năm 2019)… Những nỗ lực này của Việt Nam được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.

Thiếu Huyền
Bình luận
vtcnews.vn