Theo đó, số dư quỹ đầu kỳ là: 6.079,4 tỷ đồng. Số dư quỹ cuối kỳ (quý II) là gần 6.061 tỷ đồng.
Trong đó, số dư quỹ tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) là: 3.078,6 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV dầu khí TP.HCM: 328 tỷ đồng; Công ty TNHHH MTV-Tổng công ty xăng dầu Quân đội: 299,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần thương mại dầu khí Đồng Tháp: 460 tỷ đồng; Tổng công ty thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ: 390,4 tỷ đồng; Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh: 164,7 tỷ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn Dương Đông: 182 tỷ đồng; Công ty cổ phần tập đoàn Thiên Minh Đức: 467,2 tỷ đồng…
Theo thống kê, trong kỳ đã thực hiện trích lập quỹ 29,25 tỷ đồng và chi sử dụng 9,7 tỷ đồng. Lãi phát sinh trên số dư quỹ bình ổn giá dương: trên 3,2 tỷ đồng; Lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn giá âm: 5,9 tỷ.
Quỹ bình ổn giá xăng dầu là một quỹ tài chính được thành lập với mục tiêu chính là giúp ổn định giá bán xăng dầu trong nước. Quỹ này không thuộc ngân sách Nhà nước mà được hình thành từ một phần tiền mà người tiêu dùng đóng góp khi mua xăng dầu.
Quỹ nhằm mục đích giảm thiểu những biến động quá lớn của giá xăng dầu trên thị trường trong nước, giúp người tiêu dùng và các doanh nghiệp có thể dự báo và lên kế hoạch sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn; Hạn chế những tác động tiêu cực của việc tăng giá xăng dầu đột ngột đến đời sống của người dân, đặc biệt là những nhóm đối tượng dễ bị tổn thương; Giúp ổn định thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động sản xuất kinh doanh và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Quỹ bình ổn xăng dầu được lập theo Nghị định 84/2009 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu và các nghị định sửa đổi sau này (Nghị định 83 và 95). Quỹ không nằm trong cân đối ngân sách Nhà nước, do doanh nghiệp xăng dầu đầu mối tự thu chi, quản lý tại tài khoản ngân hàng. Mức trích lập và chi sẽ do cơ quan quản lý quyết định tại mỗi kỳ điều hành. Toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá bán xăng dầu trong nước.
Tuy nhiên, theo kết luận của Thanh tra Chính phủ cuối năm 2023, 7 đầu mối xăng dầu sử dụng sai mục đích quỹ bình ổn giá, không kết chuyển tiền về tài khoản quỹ mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp. Thậm chí, một số chủ doanh nghiệp đã chiếm dụng, sử dụng trái phép tiền từ quỹ bình ổn cho các mục đích cá nhân.
Trước tình trạng này, nhiều ý kiến đề xuất bỏ quỹ bình ổn để giá xăng dầu theo giá thị trường. Hoặc là thay vì để tại doanh nghiệp thì nên để vào một quỹ tập trung như kho bạc hoặc một tài khoản riêng do Chính phủ hay Bộ Tài chính quản lý vì phương án này sẽ khắc phục những bất cập về sử dụng quỹ, minh bạch thông tin.
Bình luận