Quá hạn công bố hơn 20 ngày
Nhằm chuẩn bị tốt cho các địa phương trong việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, ngày 31/12/2019 Bộ GD&ĐT có công văn yêu cầu các nhà xuất bản phải cung cấp thông tin, công bố giá sách giáo khoa lớp 1 trước ngày 15/2/2020.
Việc bắt buộc này giúp các địa phương, cơ sở giáo dục có thông tin đầy đủ khi tổ chức lựa chọn sách. Tuy nhiên, đã qua thời hạn quy định, mới chỉ có một số nhà xuất bản công khai bản sách điện tử, còn về giá sách giáo khoa vẫn im lìm.
Trong khi đó, vấn đề giá sách giáo khoa đang rất được dư luận xã hội quan tâm và nghi ngại khi thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa và xã hội hóa hoạt động biên soạn, xuất bản sách, định giá sách. Lúc này các nhà xuấn bản đều phải tự hạch toán, tự cân đối đầy đủ chi phí. Trong khi số lượng học sinh đầu cấp trên cả nước mỗi năm thay đổi không nhiều, thị phần sẽ chia nhỏ, số lượng bản sách bán ra của mỗi bộ sách sẽ nhỏ lại.
Cùng với đó, tại điều 11 và 12 trong Luật Giá năm 2012, sách giáo khoa là loại mặt hàng được doanh nghiệp tư nhân sản xuất, do đó sẽ nằm trong danh mục bắt buộc phải kê khai giá.
Sau khi đã tính toán giá phù hợp với những yếu tố biến động của thị trường, đầu vào sản xuất tác động và giá thành sản phẩm, các nhà xuất bản bắt buộc phải báo cáo kê khai với Bộ Tài chính xin ý kiến phê duyệt trước khi công bố ra thị trường.
Chậm ở khâu nào?
Theo ông Nguyễn Bá Cường, Giám đốc Nhà xuất bản Đại học Sư phạm, nhà xuất bản đã làm thủ tục để trình Bộ Tài chính bảng kê khai giá sách giáo khoa bộ “Cánh diều” từ trước ngày 15/2.
“Chỉ cần Bộ Tài chính phê duyệt giá sách, chúng tôi sẽ công khai để phụ huynh, xã hội được biết. Nhà xuất bản đã rất sẵn sàng để công khai giá và muốn thực hiện việc này càng sớm càng tốt”.
Đại diện Nhà xuất bản cho biết, hiện nhiều địa phương liên hệ để đặt mua sách phục vụ cho giáo viên nghiên cứu đánh giá, lựa chọn. Nhưng khó khăn nhất hiện nay là chưa có giá bán, nên các tỉnh cũng đều đang chờ.
Ông Cường cho rằng, chậm công bố giá sẽ kéo theo hàng loạt việc khác có thể bị chậm lại. Không chỉ việc in ấn, các đơn vị phải thực hiện tập huấn cho giáo viên, rồi tiến độ biên soạ các bộ sách lớp 2, lớp 6 cũng bị ảnh hưởng nhiều. Chỉ cần một khâu bị chậm sẽ kéo theo các khâu khác cũng bị chậm.
Việc này sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các nhà xuất bản tư nhân, kéo dài ngày nào là ngày đó thiệt hại kinh tế, không chủ động được việc in ấn, vẫn phải bỏ chi phí để duy trì nhân lực trong thời gian chờ đợi giá sách được phê duyệt, ông Cường nói thêm.
Còn phía Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, có 4/5 bộ sách giáo khoa mới được Bộ GD&ĐT phê duyệt cũng chưa có động thái gì trong chậm công bố giá sách.
Trao đổi về vấn đề này trên báo Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, lý do Bộ chưa duyệt phương án kê khai giá sách giáo khoa mới do phải phối hợp với Bộ GD&ĐT một số vấn đề, đảm bảo sách giáo khoa sẽ tính toán có mức giá cả hợp lý nhất, để doanh nghiệp hoạt động nhưng cũng phải phù hợp với mức sống của đại đa số người dân.
Trong đó sẽ có 2 bước để tính toán, công khai giá sách. Bước 1 kê khai, phê duyệt giá sách kịp phục vụ năm học mới 2020- 2021 cho lớp 1.
Bước 2 là xem xét bổ sung sách giáo khoa vào danh mục mặt hàng do Nhà nước định giá để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận. Sở dĩ có bước 2 này để đảm bảo các nhà xuất bản không đẩy giá sách lên quá cao, gây hoang mang cho phụ huynh và giáo viên.
Theo ông Anh Tuấn, khoảng thời gian dự kiến sẽ công khai giá sách có thể kéo dài sang tháng 3.
Kiểm soát, tránh phá giá sách giáo khoa
Theo văn bản số 115/BGDĐT –KHTC ngày 14/1/2020, Bộ GD&ĐT kiến nghị: “Chính phủ giao Bộ Tài chính đề nghị các nhà xuất bản thực hiện kê khai giá theo Luật Giá 2012.
Trong đó, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, trình Chính phủ về mức giá sách giáo khoa theo chương trình giáo dục phổ thông mới đảm bảo không vượt mức giá kê khai của bộ sách giáo khoa của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã bán ra thị trường cho năm học 2019-2020 hiện hành. Vận dụng định mức biên soạn của bộ sách giáo khoa hiện hành để rà soát mức giá kê khai của bộ sách giáo khoa mới”.
Kiến nghị giao cho Bộ Tài chính phối hợp với Bộ GD&ĐT báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung mặt hàng sách giáo khoa vào danh mục do Nhà nước định giá. Và cơ quan có thẩm quyền định giá tối đa là Bộ Tài chính sẽ thực hiện từ năm 2021.
Về đề xuất của Bộ GD&ĐT, Bộ Tài chính có văn bản đề nghị các nhà xuất bản, tham gia công tác biên soạn, in ấn, phát hành sách giáo khoa mới phải kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất kinh doanh. Chủ động triển khai các biện pháp chi phí, xác định giá sách giáo khoa đảm bảo nguyên tắc cân đối hài hòa giữa lợi ích kinh tế doanh nghiệp và mục đích phục vụ xã hội.
Video: Hướng dẫn chọn sách giáo khoa mới theo chương trình giáo dục phổ thông (Nguồn: Bộ GD&ĐT)
Bình luận