Theo đó, 7 sách giáo khoa được Bộ GD&ĐT phê duyệt gồm: 1 cuốn môn Tự nhiên xã hội, 3 cuốn môn Giáo dục thể chất, 2 cuốn môn Hoạt động trải nghiệm, 1 cuốn môn Tiếng Anh.
Trước đó, 7/8 bản thảo sách giáo khoa tham gia thẩm định từng được thẩm định đợt 1 nhưng hội đồng đánh giá là chưa đạt. Kết quả thẩm định đợt 2 đã có 7 cuốn được đánh giá “đạt” và 1 cuốn tiếp tục "không đạt".
Như vậy đến thời điểm này đã có 45 cuốn sách giáo khoa lớp 1 cho 9 môn học/hoạt động giáo dục được phê duyệt sử dụng cho chương trình phổ thông mới để các hội đồng lựa chọn sách giáo khoa đưa vào trường học từ năm học 2020- 2021.
Theo quy định trong Thông tư 33, việc thẩm định lần 2 được tiến hành với quy trình như lần 1. Cụ thể, Bộ GD&ĐT đã thành lập hội đồng quốc gia thẩm định SGK nhà giáo; cán bộ quản lý giáo dục; nhà khoa học có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục; đại diện cơ quan, tổ chức có liên quan và có ít nhất 1/3 tổng số thành viên là nhà giáo đang giảng dạy ở cấp học tương ứng.
Mỗi thành viên Hội đồng nhận bản mẫu SGK từ ban tổ chức và nghiên cứu độc lập trong 15 ngày. Hội đồng sau đó làm việc tập trung để nghe tác giả báo cáo và các thành viên thảo luận công khai về bản mẫu SGK, đánh giá các bản mẫu theo tiêu chí, tiêu chuẩn và các minh chứng cần đạt của từng bản mẫu SGK đã được Bộ GD&ĐT quy định.
Kết quả đánh giá của Hội đồng được công bố trực tiếp cho tác giả để tác giả biết nội dung chi tiết và thảo luận, tiếp thu, chỉnh sửa. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng là tập trung, dân chủ, khách quan, trung thực, minh bạch và thể hiện tinh thần trách nhiệm cao.
Cùng với đó, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các nhà xuất bản có hình thức phù hợp cung cấp sách giáo khoa đến các địa phương kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo viên, cha mẹ học sinh tiếp cận thông tin để thực hiện việc lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của pháp luật.
Video. Ai có quyền lựa chọn sách giáo khoa lớp 1 mới?
Bình luận