Lo ngại các động cơ chính trị từ Bắc Kinh
Marcin Przychodniak, nhà phân tích tới từ Viện các vấn đề quốc tế Ba Lan cho biết, các quốc gia tiếp nhận vật tư viện trợ từ Trung Quốc, đặc biệt là Trung Âu và Đông Âu sẽ đánh giá cao nỗ lực của Bắc Kinh. Nhưng cũng có những ngại về động cơ chính trị và kinh tế ẩn đằng sau đó.
"Có thể có những điều kiện kèm theo, ví dụ buộc các đối tác châu Âu thừa nhận thông điệp "người lãnh đạo sáng suốt" và "hệ thống chính trị thành công" đã giúp Trung Quốc vượt qua khủng hoảng", ông Przychodniak nói.
Hôm 23/3, Đại diện cấp cao của EU về chính sách đối ngoại và an ninh Josep Borrell cảnh báo về chiến dịch quyền lực mềm của Bắc Kinh. Ông này kêu gọi châu Âu phải tỉnh táo nhận thức về động cơ chính trị đằng sau những cú vung tay hào phóng của Trung Quốc.
Chuyên gia về viện trợ nước ngoài của Trung Quốc Miwa Hirono, tại Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) cho rằng, chính sách "ngoại giao khẩu trang" của Trung Quốc lần nay liên quan tới khả năng Trung Quốc cố gắng "lãnh đạo thế giới" bằng cách cải thiện hình ảnh và tăng cường quyền lực mềm từ các lô khẩu trang viện trợ.
Mặc dù vậy, ông Hirono nói không thể hoàn toàn quy chụp rằng, các chiến dịch hỗ trợ của Trung Quốc đi liền với mong muốn "lãnh đạo thế giới" của Bắc Kinh. Bởi nhiều nước khác cũng đang tìm cách viện trợ cho các nước khác, không chỉ riêng Bắc Kinh.
Ông Hirono cũng tin rằng, nỗ lực hỗ trợ từ Bắc Kinh sẽ không cải thiện được nhiều hình ảnh của họ ở nước ngoài.
"Trong thời gian ngắn, các quốc tiếp nhận khẩu trang và thiết bị y tế sẽ đánh giá cao sự giúp đỡ của Trung Quốc. Nhưng về lâu dài, những nước này từ lâu đã chú ý tới cách ứng xử quốc tế của Bắc Kinh về các vấn đề nhân quyền, công nghệ, bẫy nợ.
Thật khó để quên đi các vấn đề đó và ủng hộ "chiến dịch quyền lực mềm" của Trung Quốc, chỉ vì Bắc Kinh viện trợ cho họ khẩu trang", ông Hirono phân tích.
Video: Các quốc gia châu Âu bao giờ gỡ lệnh phong tỏa
Viện trợ cho 83 quốc gia
Hôm 26/3, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Luo Zhaohui cho biết, Bắc Kinh đã cung cấp cứu trợ khẩn cấp, trong đó có các bộ dụng cụ xét nghiệm và khẩu trang tới 83 quốc gia.
"Trung Quốc cảm thông và sẵn sàng cung cấp những gì họ có thể cung cấp cho các quốc gia đang cần", ông Luo nói và cho biết thêm rằng, Bắc Kinh muốn chia sẻ kinh nghiệm chiến đấu với đại dịch với thế giới.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc cung cấp viện trợ nhân đạo trong cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu. Nhưng theo các quan chức Bắc Kinh, đây là nỗ lực hỗ trợ "tốn kém" nhất kể từ năm 1949.
Hai tuần trước, Italy đang phải vật lộn chống dịch, Trung Quốc cử chuyên gia y tế cùng hàng tấn nhu yếu phẩm tới hỗ trợ. Tại thời điểm đó, tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc đã dịu đi đáng kể.
Hiện tại, khi nỗi lo đối phó dịch giảm xuống, Trung Quốc bắt đầu tính tới chuyện giúp đỡ các nước Châu Âu, Trung Đông, Châu Phi và Châu Á.
Nhưng các phản ứng này của Trung Quốc lại vấp phải sự lo ngại của phương Tây. Một số nhà quan sát tin rằng, Bắc Kinh đang chuyển hưởng sự chú ý để che đậy ổ dịch ban đầu ở Vũ Hán. Với nhiều người, việc Trung Quốc giấu dịch tại thành phố này làm trì hoãn các phản ứng quốc tế trước đại dịch toàn cầu.
Nhiều nước khác cũng tăng cường viện trợ
Ngoài Trung Quốc thực hiện chương trình "ngoại giao khẩu trang", nhiều nước trên thế giới hiện cũng tăng cường các gói hỗ trợ giành cho các khu vực bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19.
Hôm 26/2, Úy ban châu Âu cam kết sẽ phân bổ 41,7 triệu USD cho lĩnh vực y tế cùng 416 triệu USD hỗ trợ các nước Tây Balkan hồi phục kinh tế xã hội. Bên cạnh đó, nước Đức đã tiếp nhận các trường hợp mắc Covid-10 nguy kịch từ Italy và Pháp.
Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết, Washington đã cung cấp 100 triệu USD viện trợ y tế cho các quốc gia khác, trong đó có cả Iran.
Quân đội Mỹ ở Châu Âu xác nhận đã chuyển các thiết bị và dụng cụ y tế, bao gồm giường bệnh, đệm, giá treo bình truyền dịch từ các căn cứ của họ ở thành phố cảng Livorno của Italy tới khu vực đang bị ảnh hưởng nặng nề là Lombardy.
Tạm gác lại căng thẳng với phương Tây, Nga huy động 14 máy bay quân sự chở chuyên gia và thiết bị y tế tới hỗ trợ Italy chống dịch. Đại sứ Nga tại Washington cũng tuyên bố nước này sẵn sàng hỗ trợ Mỹ trong cuộc khủng hoảng y tế hiện nay.
Cuba, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề vì các đòn trừng phạt hàng chục năm qua Mỹ cũng gửi một đội ngũ y, bác sỹ tới Italy, Venezuela, Nicaragua, Suriname, Jamaica và Grenada hỗ trợ.
Ngoài ra, Hàn Quốc đã cung cấp 15.000 bộ dụng cụ xét nghiệm cho Philippines, trong khi Đài Loan cam kết chuyển 100.000 khẩu trang y tế tới Mỹ mỗi tuần.
Bình luận