• Zalo

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tuyệt đối không chuyển đổi số theo phong trào

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 15/04/2022 13:21:23 +07:00Google News
(VTC News) -

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị TP.HCM thực hiện chuyển đổi số phải thực chất, có hiệu quả, tuyệt đối không làm theo phong trào.

Sáng 15/4, phát biểu tại Diễn đàn kinh tế TP.HCM năm 2022, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh chuyển đổi số và kinh tế số mới chỉ đang bắt đầu, tiềm năng ứng dụng và phát triển còn rất lớn, cần có định hướng và cách triển khai phù hợp để khai thác tốt tiềm năng này.

TP.HCM đã đặt ra các mục tiêu chuyển đổi số và kinh tế số cao hơn cả nước, đến 2025, kinh tế số đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tuyệt đối không chuyển đổi số theo phong trào - 1

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại Diễn đàn.

Để thực hiện thành công các mục tiêu này, Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân TP.HCM trong thời gian tới cần lưu ý tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ.

Chính phủ sẽ tiếp tục đồng hành cùng TP.HCM trong việc đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, rà soát các bất cập về thể chế, nâng cao chất lượng đội ngũ nhân sự để giải quyết các điểm nghẽn trong phát triển.

Theo Phó Thủ tướng, kinh tế số là vấn đề mới với Việt Nam, nhưng không mới với nhiều quốc gia. Do đó, cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế.

"Trong diễn đàn kinh tế số này, tôi hoan nghênh TP.HCM đã mời được nhiều tổ chức quốc tế uy tín, nhiều quốc gia và địa phương nước bạn tham dự và chia sẻ. Tuy nhiên, cần học hỏi một cách nghiêm túc, bài bản và liên tục mới hấp thụ được các tinh hoa, các bài học quý báu của bạn bè quốc tế. Cũng lưu ý, việc vận dụng vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và TP.HCM, không máy móc", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, định hướng chung và chiến lược quốc gia về kinh tế số, xã hội số đã có, vấn đề còn lại là triển khai nhanh chóng và hiệu quả vào các hoạt động thực tế của TP.HCM. Phương châm về thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số là “tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, cách làm thực tiễn, cụ thể”.

Tuyệt đối không thể triển khai theo kiểu phong trào, vì chắc chắn sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không hiệu quả. Muốn vậy cần có kế hoạch chi tiết, khả thi với các giải pháp đồng bộ, tạo cơ hội để các bên có liên quan tham gia vào chuyển đổi số, kinh tế số.

"Trong khi tiếp tục đầu tư hạ tầng số và cải thiện các hạ tầng thiết yếu khác, tôi cho rằng, một việc rất quan trọng nhưng ít tốn kém là nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của nhân lực tham gia chuyển đổi số và kinh tế số. Chỉ khi nhận thức đúng, tức hiểu rõ và ủng hộ, doanh nghiệp mới dành thời gian, tiền bạc cho sự thay đổi có tính chất cách mạng này, khi đó việc mới thành công", Phó Thủ tướng nói.

Chủ tịch TP.HCM "đặt hàng" các đại biểu 4 vấn đề

Phát biểu tại buổi khai mạc, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho rằng, Diễn đàn lần này là một sự kiện rất quan trọng đối với sự phát triển dài hạn của TP.HCM trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đã và đang tác động ngày càng mạnh mẽ đến tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội.

Nhân diễn đàn này, Chủ tịch Phan Văn Mãi trao đổi và mong nhận được ý kiến đóng góp của các đại biểu về 4 vấn đề trọng tâm.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tuyệt đối không chuyển đổi số theo phong trào - 2

Chủ tịch UBND TP.HCM phát biểu tại Diễn đàn.

Thứ nhất, TP.HCM đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; là thành phố đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Đến năm 2030, TP.HCM là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.

Thứ hai, để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển kinh tế số nói riêng trong giai đoạn từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM đã và đang triển khai có hiệu quả các chính sách của Trung ương trên địa bàn. 

Thời gian tới, TP.HCM sẽ ưu tiên chuyển đổi số một số lĩnh vực người dân và doanh nghiệp có nhu cầu giao dịch lớn để tập trung đầu tư, tạo thay đổi căn bản, như lĩnh vực đất đai, xây dựng, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư…

Thứ ba, triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, bao gồm: Hợp tác về chuyển đổi số trong khuôn khổ hợp tác chung giữa UBND TP.HCM và Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, tập trung công tác quản trị dữ liệu phục vụ quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thành phố. 

Triển khai các nhiệm vụ thuộc chương trình “Nghiên cứu và phát triển ứng dụng trí tuệ nhân tạo tại TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030”; phát triển đồng bộ tầng số phục vụ kinh tế số và xã hội số theo Đề án phát triển hạ tầng viễn thông và Kế hoạch phát triển hạ tầng số TP.HCM giai đoạn 2020 - 2030.

Tập trung triển khai Trung tâm khởi nghiệp đối mới sáng tạo, hình thành mạng lưới các trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp làm nền tảng kết nối, phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo của TP; nghiên cứu Đề án Xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại TP.HCM với 3 chức năng chính: Thị trường tiền tệ, thị trường vốn và thị trường hàng hóa phái sinh vận hành dựa vào lợi thế công nghệ số.    

Thứ tư, mặc dù chuyển đổi số sẽ nâng cao hiệu quả, năng suất và sức cạnh tranh của doang nghiệp, hộ kinh doanh trong mọi ngành kinh tế, nhưng thành phố cũng đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, nổi bật là yếu tố nhân lực, gồm nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số và nhân lực dôi dư do không đáp ứng yếu cầu chuyển đổi số trong từng doanh nghiệp - động lực và trở lực đang đan xen nhau.

"Có lẽ quá trình chuyển đổi số, vấn đề công nghệ quan trọng, nhưng quan trọng hơn là yếu tố con người. Do đó, vấn đề đặt ra là vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra chính sách động lực để doanh nghiệp thấy được lợi ích và tự vượt qua thách thức để thực hiện quá trình chuyển đổi số. Đồng thời giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh. Mối quan hệ giữa Nhà nước - doanh nghiệp và người dân có lẽ là trọng tâm của chính sách trong quá trình chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số", Chủ tịch TP.HCM đánh giá.

Thy Huệ
Bình luận
vtcnews.vn