Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM nên chăng có Luật Đô thị đặc biệt?

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 18/02/2022 14:00:00 +07:00
(VTC News) -

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đặt câu hỏi, nên chăng cần có Luật Đô thị đặc biệt hay khung pháp lý cho đô thị đặc biệt để TP.HCM "có chiếc áo vừa vặn, phù hợp".

Ngày 18/2, UBND TP.HCM tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2021 và triển khai công tác năm 2022.

Ông Phan Văn Mãi: TP.HCM nên chăng có Luật Đô thị đặc biệt? - 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu kết luận tại hội nghị. (Ảnh: Web Thành ủy TP.HCM)

Phát biểu tại hội nghị, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, có hai vấn đề, trong quá trình tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, TP.HCM đánh giá và tìm hướng đề xuất, trong đó có hướng đề xuất Quốc hội tiếp tục gia hạn, bổ sung điều chỉnh Nghị quyết 54.

“Tuy nhiên, thành phố cũng tính đến hướng đề xuất giống như Hà Nội có Luật Thủ đô, đối với TP.HCM nên chăng có Luật Đô thị đặc biệt, hay có khung pháp lý cho một đô thị đặc biệt để chúng ta có cái áo vừa vặn, phù hợp”, ông Mãi nói. 

Ông Mãi cũng đề nghị các cơ quan, đơn vị tiếp tục trăn trở, nghiên cứu và góp ý cho TP để có cơ chế đặc thù phù hợp, mang tính đột phá, vượt trội để phát triển hơn nữa. 

Tại hội nghị, ông Mãi đánh giá năm 2021 là năm đầu tiên TP triển khai thực hiện Nghị quyết 131 về tổ chức chính quyền đô thị và Nghị quyết 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức.

Năm 2021, với tác động của dịch COVID-19, TP đã gặp nhiều khó khăn, thử thách. Mặc dù vậy, công tác cải cách hành chính đã được triển khai đồng bộ, quyết liệt, có giải pháp kịp thời chuyển đổi theo mô hình chính quyền đô thị trong điều kiện phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, nhìn lại năm 2021, lĩnh vực cải cách hành chính vẫn còn những hạn chế trong công tác chuyển đổi số; sự phối hợp giữa các cơ quan chuyên môn, các cấp, các ngành vẫn là "điểm tắc" lớn cần giải quyết; vẫn còn tình trạng một số cơ quan, một bộ phận cán bộ công chức do hạn chế năng lực hoặc do e ngại trách nhiệm trước những sự việc đã diễn ra, nên trong tham mưu xử lý bị chậm tiến độ; tỷ lệ cung cấp và tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 còn chậm và thấp…

Từ đó, Chủ tịch UBND TP.HCM yêu cầu các địa phương, cơ quan, đơn vị có giải pháp phù hợp hơn trong năm 2022.

Hồng Đăng
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp