Chiều 10/12, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc họp với các bộ, ngành về sắp xếp, tinh gọn bộ máy Bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Theo Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, trên cơ sở thực tiễn và tham khảo kinh nghiệm quốc tế, những năm gần đây, cơ quan này đã triển khai việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế.
Triển khai các chỉ đạo của cấp trên, căn cứ yêu cầu bảo đảm tính bền vững, tăng độ bao phủ, Bảo hiểm xã hội Việt Nam xây dựng phương án chuyển từ trực thuộc Chính phủ về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển, tổ chức thành một đầu mối độc lập thuộc Bộ.
Hiện Bảo hiểm xã hội Việt Nam có 21 ban và tương đương. Cơ quan này đề xuất sẽ triển khai sáp nhập, hợp nhất để giảm 5 đơn vị. Bảo hiểm xã hội các tỉnh sẽ sắp xếp để giảm 24,6% đầu mối.
Ở cấp huyện cũng tiếp tục tinh gọn, tổ chức mô hình liên huyện tại các địa phương thuận lợi, đồng thời có tính toán tới đặc thù những huyện khó khăn, qua đó sẽ giảm đầu mối Bảo hiểm xã hội cấp huyện... Đại diện Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã nêu các đề xuất liên quan đến việc quản lý bảo hiểm thất nghiệp; triển khai thực hiện bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Tại cuộc họp, đại diện Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế... thống nhất với việc cơ cấu Bảo hiểm xã hội Việt Nam về Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.
Một số ý kiến cho rằng, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nên là đầu mối độc lập đặt trực thuộc Bộ, có tính chất độc lập tương đối, khác với các cục, vụ khác. Bởi, Bảo hiểm xã hội không phải là cơ quan quản lý nhà nước mà bản chất là một quỹ ngoài ngân sách nhà nước, Nhà nước có trách nhiệm đảm bảo cho cơ quan này tồn tại và phát triển đi đúng quy định pháp luật.
Như vậy, vừa đạt mục tiêu giảm đầu mối trực thuộc trung ương, giao Bộ trưởng Tài chính, Chủ tịch Hội đồng Quản lý bảo hiểm xã hội quản lý thuận lợi hơn, đồng thời vẫn bảo đảm được chức năng độc lập tương đối của Bảo hiểm xã hội.
Các ý kiến cũng thống nhất duy trì Hội đồng Quản lý bảo hiểm xã hội; đề nghị rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tổ chức bộ máy, tên gọi, chức năng, nhiệm vụ, giải pháp của Bảo hiểm xã hội; xây dựng phương án sắp xếp đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo; tinh gọn các đầu mối ở trung ương và địa phương...
Cho biết, Ban Chỉ đạo Trung ương đã có chỉ đạo và cuộc cách mạng này đang thực hiện quyết liệt, đảm bảo chậm nhất ngày 25/2/2025 phải đi vào hoạt động, Phó Thủ tướng nêu các yêu cầu trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy, đó là phải đảm bảo cho việc hoạt động liên tục và có hiệu quả.
Bộ máy gọn nhẹ hơn trước, hoạt động hiệu quả hơn, chi thường xuyên giảm hơn. Phải giảm tối thiểu 15% đầu mối, giảm bớt khâu trung gian, phân cấp, phân quyền mạnh, rõ hơn, ứng dụng công nghệ thông tin, thanh toán không dùng tiền mặt mạnh mẽ.
Bảo hiểm xã hội là vấn đề an sinh xã hội, Phó Thủ tướng lưu ý phải đặc biệt quan tâm, bộ máy làm việc phải giữ ổn định; quản lý chặt chẽ Quỹ bảo hiểm xã hội. Bảo hiểm xã hội Việt Nam đặt tại Bộ Tài chính nhưng phải được hoạt động một cách độc lập theo đúng quy định pháp luật, đảm bảo tính liên hoàn, liên tục, phục vụ người dân một cách tốt nhất, mọi lúc, mọi nơi.
Đề nghị hoàn thiện lại đề án, Phó Thủ tướng cho rằng cần tính đến việc đặt tên gọi. Phó Thủ tướng gợi ý tên gọi là Quỹ Bảo hiểm xã hội quốc gia, vì đây là quỹ nhà nước ngoài ngân sách, là quỹ quốc gia. Bộ Tài chính và một số bộ, ngành tham gia trong Hội đồng Quản lý bảo hiểm xã hội chủ yếu là quản lý nhà nước (xây dựng chính sách, xây dựng quy hoạch, thanh tra, kiểm tra).
Phó Thủ tướng cũng lưu ý Bảo hiểm xã hội Việt Nam phải kết thúc hoạt động của Ban cán sự đảng, thành lập Đảng bộ, hoàn thành trước ngày 15/12/2024; xây dựng dự thảo nghị định về chức năng, nhiệm vụ.
Phó Thủ tướng tán thành với việc giữ nguyên Hội đồng Quản lý bảo hiểm xã hội; Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và Quỹ Bảo hiểm y tế vẫn do Bảo hiểm xã hội quản lý, tuy nhiên việc quyết định chi của các quỹ này là do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật.
Đối với đề án cơ cấu tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Phó Thủ tướng yêu cầu thu gọn ở trung ương tối thiểu 15%, tiếp tục nghiên cứu thu gọn các trường hợp có tính chất tương đồng và thu gọn đầu mối tại các tỉnh, huyện, quận.
Riêng các huyện miền núi, theo Phó Thủ tướng nên giữ nguyên do đặc thù địa hình, nhưng quận, huyện nên thành lập thành cụm, chi nhánh, cần có tiêu chí quy định cứng để tổ chức cụm, chi nhánh này.
Bình luận