Bộ Nội vụ có Văn bản số 7968 về việc định hướng xây dựng phương án bố trí, sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức và người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy hành chính.
5 nguyên tắc xây dựng phương án
Tại văn bản, Bộ Nội vụ nêu rõ 5 nguyên tắc xây dựng phương án bố trí, sắp xếp.
Thứ nhất, Bộ Nội vụ yêu cầu các cơ quan bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, tổ chức đảng trong sắp xếp, bố trí cán bộ theo đúng quy định của Đảng và của pháp luật.
Cán bộ, công chức, viên chức phải chấp hành nghiêm sự phân công của tổ chức và quyết định của cấp có thẩm quyền.
Người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương phải chịu trách nhiệm trong việc sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý, bảo đảm mục tiêu đề ra theo yêu cầu của Trung ương.
Thứ hai, Bộ Nội vụ lưu ý việc sắp xếp, bố trí cán bộ phải được thực hiện nghiêm túc, thận trọng, khoa học, chặt chẽ; bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, có nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, phù hợp với tình hình thực tiễn của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và yêu cầu nhiệm vụ của từng bộ, ngành, địa phương.
Trong đó, quan tâm bố trí sử dụng đối với cán bộ có năng lực nổi trội, có trách nhiệm, tâm huyết với công việc, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.
Thứ ba, gắn việc bố trí, sắp xếp nhân sự với tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên cơ sở yêu cầu của vị trí việc làm tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới để thực hiện việc bố trí, sắp xếp nhân sự, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ.
Thứ tư, theo Bộ Nội vụ, việc lựa chọn, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý phải căn cứ vào năng lực, sở trường, uy tín, kinh nghiệm công tác, kết quả sản phẩm công việc cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mới, nhất là đối với người đứng đầu.
Đồng thời, phải bảo đảm tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng, của pháp luật, gắn với cơ cấu và quy hoạch cấp ủy để chuẩn bị tốt cho công tác nhân sự Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
Thứ năm, Bộ Nội vụ yêu cầu quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Chính phủ và quy định của bộ, ngành, địa phương.
"Bảo đảm sau 5 năm phải hoàn thành việc sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư và thực hiện việc quản lý, sử dụng biên chế theo yêu cầu chung của Bộ Chính trị tại cơ quan, tổ chức, đơn vị mới hình thành sau sắp xếp (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt Đề án)", văn bản nêu rõ.
Định hướng sắp xếp đối với cán bộ, công chức, viên chức
Bộ Nội vụ cũng nêu ra các định hướng sắp xếp cụ thể đối với cán bộ, công chức, viên chức của từng cấp quản lý.
Đối với chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sẽ do Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định theo thẩm quyền.
Đối với chức danh do cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo, cơ quan, đơn vị, địa phương quản lý theo phân cấp thì các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố và các cơ quan, tổ chức, đơn vị sáp nhập, hợp nhất chủ động xây dựng phương án sắp xếp, bố trí cán bộ.
Việc này bảo đảm các nguyên tắc trong công tác cán bộ và mục đích, yêu cầu, nguyên tắc trong sắp xếp, bố trí cán bộ và theo định hướng như sau:
Với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị cần căn cứ vào điều kiện thực tiễn và tiêu chuẩn, năng lực cán bộ, tập thể lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quyết định lựa chọn người đứng đầu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới sau sắp xếp. Nhân sự được lựa chọn có thể ở trong hoặc ngoài các cơ quan, tổ chức, đơn vị sáp nhập, hợp nhất thành đơn vị mới đó.
Trường hợp người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sắp xếp không bố trí tiếp tục làm người đứng đầu thì được sắp xếp, bố trí ở vị trí cấp dưới liền kề và được hưởng chính sách theo quy định của Chính phủ về sắp xếp tổ chức bộ máy.
Với cấp phó của người đứng đầu, cần căn cứ thực trạng số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tập thể lãnh đạo bộ, ngành, địa phương quyết định bố trí làm cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị mới sau sắp xếp hoặc bố trí sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ và năng lực của cán bộ.
Trước mắt, số lượng cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị hình thành sau sắp xếp có thể cao hơn quy định, nhưng bộ, ngành, địa phương phải xây dựng phương án sắp xếp giảm số lượng cấp phó theo quy định chung trong thời hạn 5 năm (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án).
Đối với cán bộ, công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo, quản lý thì các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy hình thành sau sắp xếp đề xuất phương án sắp xếp, bố trí đối với cán bộ phù hợp với nhiệm vụ đang đảm nhiệm trước khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất.
Bộ Nội vụ cho hay, trường hợp không còn nhiệm vụ thì có thể bố trí sang cơ quan, tổ chức, đơn vị khác phù hợp với chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ công chức viên chức hoặc giải quyết chế độ chính sách theo quy định của Chính phủ.
"Trước mắt, số lượng biên chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị mới tối đa không vượt quá tổng số cán bộ hiện đang có mặt trước khi thực hiện sáp nhập, hợp nhất, nhưng bộ, ngành, địa phương phải xây dựng phương án giảm biên chế, thực hiện theo quy định chung của Bộ Chính trị trong thời hạn 5 năm (kể từ ngày cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án)", hướng dẫn của Bộ Nội vụ nêu.
Theo Bộ Nội vụ, sau khi thực hiện việc sắp xếp tổ chức bộ máy, bộ, ngành, địa phương có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ chính trị của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong tình hình mới.
Bên cạnh đó, cần thực hiện rà soát, tinh giản biên chế đối với các trường hợp không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, thiếu tinh thần trách nhiệm.
Bình luận