• Zalo

Phở Thìn và những cơn sóng ngầm bên trong các thương hiệu

Thị trườngThứ Bảy, 25/02/2023 08:00:00 +07:00Google News

Trong quá khứ, không ít thương hiệu ẩm thực truyền thống đã phải tách ra khi những mâu thuẫn quyền lực, lợi ích nội bộ không thể giải quyết.

Vụ lùm xùm giữa ông Nguyễn Trọng Thìn với các “truyền nhân” xung quanh thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc chỉ là một trong số nhiều cuộc chiến tranh chấp bên trong các thương hiệu truyền thống.

Trước đó, đã có nhiều mâu thuẫn dẫn đến chia tay thương hiệu ở bánh mỳ Huynh Hoa, Đức Phát Bakery, Thu Hương Bakery...

Nội bộ tố cáo lẫn nhau

Phở Thìn 13 Lò Đúc có lẽ là thương hiệu phở vướng vào nhiều khúc mắc nhất từ trước đến nay. Từ vài năm trước, nhiều người tiêu dùng đã hiểu lầm về nguồn gốc lẫn mối liên hệ giữa hai quán phở gần như nổi tiếng tại Hà Nội là Phở Thìn Bờ Hồ và Phở Thìn 13 Lò Đúc.

Trên thực tế, đây là hai quán phở được mở bởi hai nhà sáng lập khác nhau có cùng tên Thìn là ông Bùi Chí Thìn (Phở Thìn Bờ Hồ, thành lập năm 1954) và ông Nguyễn Trọng Thìn (Phở Thìn 13 Lò Đúc, thành lập năm 1979). Trong khi thương hiệu nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng đã được con trai ông Thìn là Bùi Chí Đạt đăng ký nhãn hiệu thì thương hiệu phở ở Lò Đúc vẫn đang chờ được cấp phép bảo hộ.

Vào đầu năm 2022, Phở Thìn Lò Đúc tiếp tục gây sốc khi tăng giá đến 90.000 đồng/bát với lý do phải nhập nguyên liệu đắt đỏ.

Phở Thìn và những cơn sóng ngầm bên trong các thương hiệu - 1

Phở Thìn Lò Đúc dính lùm xùm mâu thuẫn trong hoạt động nhượng quyền. Ảnh: Thế Bằng.

Cuộc tranh luận tưởng chừng đã kết thúc thì mới đây, thương hiệu phở 44 năm tuổi lại khiến người tiêu dùng không khỏi băn khoăn về tính chính danh của các cửa hàng nhượng quyền cùng tên.

Sự việc bắt đầu từ một bài viết về ông Đoàn Hải Trung - CEO kiêm người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội. Theo lời giới thiệu trên truyền thông, ông Trung sinh năm 2001 và không cùng huyết thống với ông Thìn. Tuy nhiên, vị này có cơ hội theo học nghề ông Thìn từ năm 12 tuổi và “tự tin là mình hiểu về phở chỉ sau ông”.

Theo Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, ông Trung hiện nắm giữ 49% cổ phần Công ty TNHH Phở Thìn Hà Nội và 51% còn lại thuộc về ông Thìn. Ông Trung cũng là người thành lập Công ty CP Tập đoàn VieThin và góp vốn 50% trong Công ty hợp danh bảo tồn và phát triển thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc Hà Nội (50% còn lại của ông Thìn).

Trong giai đoạn được cho là hợp tác với ông Trung, Phở Thìn 13 Lò Đúc liên tiếp mở cửa hàng mới tại một số tỉnh thành trên cả nước, đồng thời lấn sân sang cả thị trường nước ngoài.

Tuy nhiên, ngay sau khi bài viết được lan truyền, một tài khoản mạng xã hội được cho là của ông Nguyễn Trọng Thìn lên tiếng phản bác nội dung này, cho rằng đây là “một câu chuyện như thật và một vở kịch rất hay để đi lừa người khác”. Tài khoản này cũng nhấn mạnh “thử xem có nấu được nồi phở chuẩn không mà hiểu phở sau tôi” (ý nói ông Đoàn Hải Trung).

Thậm chí, chia sẻ với Zing, ông Nguyễn Trọng Thìn còn khẳng định không sở hữu bất kỳ công ty nào. Vị này cũng cho biết không triển khai nhượng quyền kinh doanh, mà chỉ hỗ trợ kinh doanh, cho phép người khác kinh doanh theo thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc. Bản thân đơn đăng ký bảo hộ cho thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc mà ông nộp vào năm 2020 cũng chưa được Cục Sở hữu trí tuệ giải quyết.

Phở Thìn và những cơn sóng ngầm bên trong các thương hiệu - 2

Ông Thìn khẳng định không triển khai nhượng quyền thương hiệu. Ảnh: Duy Hiệu.

Dù vậy, hồi tháng 10/2020, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phở Thìn Hà Nội (do ông Lê Chí Dũng thành lập từ năm 2019, trụ sở tại KĐT Mỹ Đình - Mễ Trì, phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã gửi công văn cho ông Thìn yêu cầu cung cấp hồ sơ thương hiệu. Công ty này cho biết đã chuyển khoản cho ông Thìn gần 1,5 tỷ đồng để mở các chi nhánh kinh doanh dưới tên thương hiệu Phở Thìn 13 Lò Đúc.

Thực tế, ông Thìn cũng có mặt trong những bức ảnh khai trương chi nhánh nhượng quyền của công ty do ông Trung quản lý lẫn Công ty CP Đầu tư và Phát triển Phở Thìn Hà Nội.

Các cuộc chia tay thương hiệu

Gần với trường hợp của Phở Thìn Lò Đúc nhất là bánh mỳ Huynh Hoa, một thương hiệu nổi tiếng ở TP.HCM. Tiệm bánh mì Huynh Hoa ra đời vào năm 1989, được phát triển từ những chiếc bánh tiêu, bánh quẩy và bánh mì không.

Cái tên Huynh Hoa ban đầu là tên của hai người chủ đầu tiên là bà Huynh và bà Hoa, nhưng sau này thường được người dân quen gọi là Huỳnh Hoa. Dù giá mỗi chiếc bánh mỳ tương đối cao so với mặt bằng chung, cửa hàng này vẫn thu hút lượng lớn thực khách đến thưởng thức.

Tuy nhiên vào cuối năm 2021, bánh mỳ Huynh Hoa được bà Huynh tách ra làm riêng với thương hiệu Bánh mỳ Ômôi Bà Huynh vì “lý do cá nhân phức tạp”. Thương hiệu Huynh Hoa và cửa hàng cũ do bà Hoa nắm giữ, quản lý.

Bà Huynh cũng lên tiếng cho biết bà Hoa đã lấy tất cả cửa hàng và thương hiệu Huynh Hoa. Vì vậy, bà Huynh quyết định làm lại thương hiệu khác.

Phở Thìn và những cơn sóng ngầm bên trong các thương hiệu - 3

Thương hiệu Bánh mỳ Huynh Hoa nay do bà Hoa làm chủ và quản lý. Ảnh: Đào Phương, Huệ Lâm.

Một thương hiệu truyền thống khác cũng dính vào vấn đề xung đột quyền lực là Đức Phát Bakery. Thương hiệu này được thành lập bởi ông Kao Siêu Lực và bà Dư Đức Phát vào năm 1984 với mô hình ban đầu chỉ là một lò bánh mỳ.

Bánh Mỳ Đức Phát nhanh chóng phát triển nhờ sự ưa chuộng từ người tiêu dùng. Tuy nhiên vào năm 2007, vợ chồng chủ thương hiệu đệ đơn ra tòa ly dị.

Theo phán quyết, ông Lực được chia 10 cửa hàng nhưng phải từ bỏ thương hiệu Đức Phát cùng 1 triệu USD. Vợ ông được sở hữu phần còn lại cùng thương hiệu Đức Phát.

Sau khi từ bỏ thương hiệu Đức Phát, ông Lực sáng lập thương hiệu bánh mới là ABC Bakery (Công ty TNHH MTV Bánh kẹo Á Châu) với hơn 30 cửa hàng chủ yếu phủ sóng khu vực phía Nam.

Trong khi đó ở phía Bắc, một “bakery” nổi tiếng khác là Thu Hương phải chấp nhận số phận bán mình cho đối tác sau khi đôi bên không tìm được tiếng nói chung.

Thu Hương Bakery ra đời từ năm 1996 bởi một thợ bánh từ khách sạn Sofitel Metropole và mở cửa hàng đầu tiên vào năm 2003. Hệ thống tiệm bánh do bà Nguyễn Thị Thu Hương làm chủ lớn mạnh dần và liên tục mở rộng điểm bán.

Song đến năm 2016, bà Hương tuyên bố không còn là chủ chuỗi cửa hàng bánh ngọt nữa sau khi bán toàn bộ cổ phần cho đối tác. Thời điểm hiện tại, bà Hương thành lập riêng thương hiệu Madame Hương và sở hữu gần 70 cửa hàng.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn