Nhiều ý kiến cho rằng, muốn phát triển bền vững ngành truyền hình trả tiền trong nước, trước hết người tiêu dùng Việt phải ưu tiên dùng "hàng" Việt.
Thị trường truyền hình tại Việt Nam phát triển mới mẻ hơn khi có sự ra đời của dịch vụ truyền hình trả tiền. Hiện nay, Việt Nam có tất cả 35 doanh nghiệp trong nước cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 13,8 triệu thuê bao phát sinh cước phí hàng tháng.
Năm 2020, Việt Nam có 199 kênh truyền hình trong nước, 87 kênh phát thanh trong nước, 70 kênh truyền hình nước ngoài đang phát sóng. Doanh thu của thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam năm 2019 ước đạt 8.600 tỷ đồng.
Có 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền cơ bản: truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và phát thanh truyền hình trên mạng Internet.
Theo đó, dịch vụ truyền hình Internet đang dẫn đầu thị trường với số lượng người tiêu dùng lớn đặc biệt khi doanh nghiệp xuyên biên giới có tư tưởng “độc quyền” thị trường truyền hình tại Việt Nam. Trong tổng số 35 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ trả tiền, có tới 20 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình Internet.
Với sự hỗ trợ tối ưu nhất của truyền hình Internet, người dùng không bị phụ thuộc vào tính định kỳ của dịch vụ truyền thống về thời gian và không gian tiếp nhận sản phẩm. Thay vào đó, khách hàng chỉ cần đăng ký dịch vụ Mobile TV do các nhà mạng cung cấp và thanh toán phí bằng thẻ là có thể trải nghiệm nhiều chương trình thú vị trên thiết bị di động.
Cùng với việc cạnh tranh gay gắt với nhau, các doanh nghiệp trong nước còn chịu sức ép từ các doanh nghiệp ngoại. Tại Việt Nam, hiện có nhiều dịch vụ truyền hình nước ngoài đang hoạt động và có thu tiền định kỳ như: Netflix, Apple TV+ (Mỹ), WeTV, iQiYi (Trung Quốc)...Điểm chung của các dịch vụ này là cung cấp chủ yếu trên các nền tảng Internet như website, ứng dụng trên điện thoại…
Đáng nói là trong khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nội địa phải nộp thuế, tham gia xét duyệt nội dung trước khi lên sóng thì các doanh nghiệp nước ngoài lại không phải chịu bất cứ rào cản nào khi hoạt động tại Việt Nam.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước (K+, SCTV, FPT, VTVcab, HTVC...) luôn phải tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, kiểm duyệt, biên tập, biên dịch chặt chẽ theo luật định cũng như bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống dân tộc, thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời làm tốt nghĩa vụ trích nộp ngân sách nhà nước, nộp các loại thuế, phí đầy đủ theo quy định mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, Netflix và các nền tảng truyền hình trả tiền nước ngoài khác có doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng/năm nhưng lại không chịu sự quản lý như trên, cũng như không thực hiện các nghĩa vụ về thuế và phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định.
Trước nguy cơ doanh nghiệp trong nước có thể thua ngay trên sân nhà, theo các chuyên gia, để thị trường truyền hình trả tiền Việt Nam phát triển bền vững, trước hết rất cần người tiêu dùng trong nước ủng hộ, đón nhận các sản phẩm truyền thông của nước ngoài. Thực tế cho thấy, một bộ phận khán giả có xu hướng sính ngoại và tiếp cận sản phẩm một cách vội vàng.
Không thể phủ nhận truyền hình trả tiền qua Internet của các nền tảng xuyên biên giới hiện nay mang đến nhiều trải nghiệm cho khán giả. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các doanh nghiệp truyền hình xuyên biên giới tại Việt Nam cũng đặt ra nhiều rủi ro về mặt nội dung phát sóng do chưa có những cơ chế kiểm soát hữu hiệu.
Hơn nữa, nếu không ưu tiên sử dụng dịch vụ trong nước, đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp trong nước sẽ khó tiếp cận với khách hàng hơn, khả năng phát triển vững mạnh sẽ khó khăn hơn, nhất là trong bối cảnh chịu tác động của đại dịch COVID-19.
Ngoài ra, cũng theo giới chuyên gia, cùng với việc thay đổi tư duy của khán giả Việt, các doanh nghiệp cần chú trọng, chủ động đi theo hướng tối ưu trải nghiệm khách hàng. Bởi vì, giữa hàng nghìn chương trình khuyến mãi, hàng vạn chuyên mục, kênh giải trí, khách hàng sẽ rất khó để nhớ đến doanh nghiệp. Nhưng nếu doanh nghiệp đem lại cho khách hàng trải nghiệm tốt, ấn tượng đó sẽ đi theo khách hàng, tạo niềm tin để khách hàng dễ dàng lựa chọn hơn.
Bình luận