Sự xuất hiện của hàng loạt nhà cung cấp dịch vụ truyền hình trên nền tảng Internet giúp người dùng trong nước có thêm nhiều lựa chọn để giải trí. Điều này cũng làm gia tăng áp lực lên thị trường truyền hình trả tiền vốn rất khốc liệt.
Doanh nghiệp trong nước cạnh tranh khốc liệt
Việt Nam hiện có 5 loại hình dịch vụ truyền hình trả tiền gồm: Truyền hình kỹ thuật số mặt đất, truyền hình cáp, truyền hình số vệ tinh, truyền hình di động và phát thanh truyền hình trên mạng Internet.
Cùng với đó là 35 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền với 13,8 triệu thuê bao có trả phí hàng tháng. Doanh thu năm 2019 của toàn thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam ước đạt 8.600 tỷ đồng.
Trong đó, Việt Nam có tổng cộng 10 triệu thuê bao truyền hình cáp, 200.000 thuê bao truyền hình mặt đất, 1 triệu thuê bao truyền hình số vệ tinh, 1 triệu thuê bao truyền hình Internet và khoảng 480.000 thuê bao truyền hình di động.
Hiện nay, VTVCab, SCTV, K+ và MyTV đang là 4 ông lớn có được chỗ đứng tương đối vững chắc trong năm nay. Cả 4 doanh nghiệp này đều vượt qua được cột mốc 1 triệu thuê bao trong năm 2019.
Tuy nhiên, so với khu vực thì Việt Nam là quốc gia có doanh thu trung bình trên một khách hàng (ARPU) của truyền hình trả tiền ở mức rất thấp. ARPU của khu vực ASEAN trung bình đạt 10 - 30 USD/thuê bao/tháng. Trong đó, Singapore có chỉ số ARPU cao nhất, đạt 32 USD/thuê bao/tháng; Philippines ở mức thấp, nhưng cũng đạt 9 USD/thuê bao/tháng. Việt Nam chỉ đạt hơn 18.333 đồng/thuê bao/tháng, tức là dưới 1 USD/thuê bao/tháng.
Đây là hệ quả của cuộc đua giảm giá thuê bao kéo dài từ năm 2014 đến nay của các nhà cung cấp như VTVcab, SCTV, AVG, VTC, HTVC, Hanoicab, VNPT, Viettel, K+… nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, một số nhà cung cấp sử dụng chiến thuật bù chéo dịch vụ, xây dựng 1 gói cước tổng hợp gồm 2 - 3 dịch vụ, phổ biến là kết hợp gói cước Internet và truyền hình trả tiền, áp dụng chính sách dùng Internet được miễn phí truyền hình hoặc ngược lại.
Theo các chuyên gia về lĩnh vực truyền hình trả tiền, ARPU truyền hình trả tiền đang ngày càng thấp và đã xuất hiện hiện tượng cạnh tranh bất bình đẳng. Một số doanh nghiệp mới gia nhập thị trường đưa ra gói cước dịch vụ truyền hình dưới giá thành, trong khi chi phí mua bản quyền nội dung ngày một đắt đỏ. Đây là một trong những nguyên nhân chính khiến các doanh nghiệp trong nước ngày càng khó khăn.
Cuộc chiến không cân sức với đối thủ ngoại
Tại Việt Nam, hiện có nhiều dịch vụ truyền hình nước ngoài đang hoạt động và có thu tiền định kỳ như: Netflix, Apple TV+ (Mỹ), WeTV, iQiYi (Trung Quốc)...Điểm chung của các dịch vụ này là cung cấp chủ yếu trên các nền tảng Internet như website, ứng dụng trên điện thoại…
Đáng nói là trong khi các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình nội địa phải nộp thuế, tham gia xét duyệt nội dung trước khi lên sóng thì các doanh nghiệp nước ngoài lại không phải chịu bất cứ rào cản nào khi hoạt động tại Việt Nam.
Các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền trong nước (K+, SCTV, FPT, VTVcab, HTVC,...) luôn phải tuân thủ đầy đủ các quy trình về cấp phép, kiểm duyệt, biên tập, biên dịch chặt chẽ theo luật định cũng như bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống dân tộc, thuần phong mỹ tục Việt Nam, đồng thời làm tốt nghĩa vụ trích nộp ngân sách nhà nước, nộp các loại thuế, phí đầy đủ theo quy định mỗi năm hàng ngàn tỷ đồng.
Trong khi đó, Netflix và các nền tảng truyền hình trả tiền nước ngoài khác có doanh thu khoảng 1.000 tỷ đồng/năm nhưng lại không chịu sự quản lý như trên, cũng như không thực hiện các nghĩa vụ về thuế và phí quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền theo quy định.
Theo kết quả khảo sát của Q&Me, Netflix đang đứng thứ 2 thị trường Việt Nam với 23% thị phần, chỉ sau ứng dụng FPT Play (39%). Tính riêng trên điện thoại Android, Netflix hiện đang có 1,6 triệu người dùng dịch vụ tại Việt Nam. Hiện tại, Netflix đang cung cấp các gói với mức cước thuê bao từ 180.000 - 260.000 đồng/tháng,
Kho nội dung dồi dào đến từ tất cả các nước trên thế giới là thách thức rất lớn với doanh nghiệp trong nước so với những đối thủ quốc tế. Để giữ chân và lôi kéo được khách hàng, nội dung phong phú là yếu tố tiên quyết và cốt lõi của mỗi dịch vụ truyền hình. Đây chính là lợi thế của những Netflix, Apple TV+ , WeTV,...
Doanh nghiệp Việt đã khó nay càng khó hơn để có được thị trường và giữ chân khách hàng trong nước. Tiềm lực tài chính dồi dào để tự sản xuất phim hay mua bản quyền phim là điều mà các doanh nghiệp ngoại làm rất tốt. Kết quả đã được chứng minh rất rõ khi doanh thu của họ tăng theo cấp số nhân.
Cần xây dựng quy hoạch phát triển rõ ràng
Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng, điều kiện tiên quyết để thị trường truyền hình trả tiền của Việt Nam có thể phát triển lành mạnh, đáp ứng tốt nhu cầu của người tiêu dùng và giúp các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phát triển tốt trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay đó là phải xây dựng được một quy hoạch phát triển rõ ràng, dài hơi.
Sự phát triển này không chỉ đơn thuần là tăng về mặt số lượng các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền mà còn bao gồm cả mở rộng quy mô, phạm vi tác động và nâng cao chất lượng thông tin, nội dung hướng đến người tiêu dùng.
Quy hoạch thị trường truyền hình trả tiền cũng cần đưa ra các cơ chế, chính sách kiểm soát giá cước, khuyến mại của các đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền nhằm kiểm soát việc bù chéo, phá giá dịch vụ truyền hình trả tiền, cạnh tranh không lành mạnh, gây khó khăn cho các doanh nghiệp khác.
Đồng thời, cần có sự kiểm soát chặt chẽ, công bằng, minh bạch với các doanh nghiệp ngoại, nhằm đảm bảo sự thống nhất trong quá trình quản lý giữa mọi doanh nghiệp với nhau. Điều này sẽ giảm bớt áp lực chạy đua của các doanh nghiệp nội, trong khi buộc doanh nghiệp ngoại phải thực hiện nghĩa vụ của mình khi kinh doanh tại Việt Nam.
Bình luận