• Zalo

Phần thịt lợn nhiều người yêu thích nhưng chuyên gia khuyên không nên ăn nhiều

Tư vấnChủ Nhật, 05/11/2023 08:18:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bì lợn được biết đến là phần thịt chứa nhiều loại vitamin, sắt, canxi, collagen tốt cho da, tóc, tuy nhiên các chuyên gia lại khuyên không nên ăn nhiều.

Bì lợn là món ăn được nhiều người yêu thích, trong bì lợn cũng có nhiều chất được chứng minh rất tốt cho sức khoẻ. Tuy nhiên các chuyên gia lại khuyên bạn không nên ăn nhiều phần thịt này. Lí do vì sao?

Thành phần dinh dưỡng trong bì lợn

Theo bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Vinmec có sự tư vấn chuyên môn bởi BS Võ Hà Băng Sương, khoa Khám bệnh & Nội khoa - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Phú Quốc, protein ở bì lợn chủ yếu là keratin, elastin và collagen hợp thành.

Gelatin và collagen tương tự xi măng để gắn kết các tế bào thành mô cơ thể vững chắc. Da, lông, tóc, thịt, xương và mô liên kết đều cần phải có chất cốt giao này để gắn kết lại.

Vì thế, các thành phần dinh dưỡng trong bì lợn rất tốt cho da, gân, xương, tóc.

Nó còn được những người có vấn đề về xương khớp “dung nạp vào cơ thể” với hy vọng thêm chất keo bôi trơn các khớp, từ đó giúp việc vận động trở nên dễ dàng hơn. Bì lợn không chỉ nhiều mà còn rất đa dạng các loại protein.

Ít Carbohydrate: Thực phẩm ít carbohydrate là cơ hội tốt hơn để bạn giảm cân. Bì lợn chứa rất ít carbohydrat, gần như là 0%. Vì vậy ăn bì lợn không gây tăng đường huyết. Chất béo từ bì lợn làm no lâu, nên đây có thể là thành phần được cân nhắc bổ sung vào chế độ ăn kiêng.

Bì lợn là thực phẩm nhiều người yêu thích

Bì lợn là thực phẩm nhiều người yêu thích

Bì lợn chứa cùng một loại chất béo như trong dầu ô liu: 43% là chất béo không bão hòa, trong đó phần lớn là axit oleic. Axit oleic là chất béo tự nhiên được tìm thấy trong các loại dầu động vật và thực vật khác nhau, bao gồm cả dầu ô liu. Vì vậy ăn chất béo vừa đủ trong bì lợn mang lại lợi ích đối với sức khỏe.

Bì lợn chứa nhiều natri: Natri có lợi cho các hệ thống quan trọng của cơ thể con người. Natri giúp điều chỉnh sự hấp thụ glucose cũng như lượng chất lỏng trong cơ thể, cải thiện chức năng não, duy trì trái tim khỏe mạnh, loại bỏ carbon dioxide dư thừa cũng như duy trì sức khỏe làn da.

Tuy nhiên các chuyên gia khuyên bạn không nên ăn quá nhiều bì lợn.

Vì sao không nên ăn nhiều bì lợn?

Bài viết trên Báo Sức khoẻ & Đời sống có sự tư vấn chuyên môn của BS Phạm Thìn cho biết, bì lợn thuộc nhóm protein chứa nhiều thành phần cốt giao (gelatin và collagen) cũng rất bổ dưỡng.

Chất cốt giao rất cần cho cấu tạo cơ thể - nó như chất xi măng để gắn kết các tế bào lại với nhau thành mô cơ thể vững chắc. Tất cả các mô, từ da, lông, tóc, thịt, xương và mô liên kết đều cần phải có chất cốt giao này để gắn kết lại.

Tuy nhiên, protein có trong bì lợn rất khó tiêu vì vậy không nên ăn nhiều. Ở nước ngoài người ta không dùng bì lợn làm thực phẩm trực tiếp mà chỉ sử dụng để làm thạch và chất phụ gia hoặc thuộc da trong công nghiệp.

Ngoài ra, trong 150g bì có tới 122mg cholesterol và 37g chất béo bão hòa. Các thành phần này kết hợp với nhau gây ra tác hại cho sức khỏe, có thể làm tắc nghẽn động mạch dẫn đến đau tim.

Không chỉ vậy, hàm lượng muối cao (gần 0,6g natri trong 150g bì) cũng không tốt cho cơ thể. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi người trưởng thành chỉ nên tiêu thụ ít hơn 2g natri mỗi ngày.

Khi lượng natri quá nhiều, cơ thể sẽ giữ nước trong máu để pha loãng natri. Quá trình này làm cho thể tích máu tăng lên, gây áp lực lên mạch máu, tăng huyết áp, ảnh hưởng xấu tới tim mạch.

Một số tác hại khác của dư thừa natri kéo dài là loãng xương, sỏi thận, béo phì, bệnh dạ dày, đường tiêu hóa.

Bác sĩ Thìn cũng cho biết thêm, trước đây, những người làm nghề mổ lợn thường đun nước nóng để cạo lông lợn, còn hiện nay, các lò giết mổ lợn thường cạo sống.

Chân của lông lợn vẫn còn ở lại bì, lông này rất cứng, khi ăn vào ruột sẽ cắm vào màng nhầy (nơi tiết ra men để tiêu hoá thức ăn) ở ruột non và dạ dày có thể gây tổn thương màng ruột, dạ dày.

Do vậy nhiều bà nội trợ thường bỏ bì và họ chỉ sử dụng để chế biến thành các món như món cơm tấm bì hoặc để nấu món thịt đông, nem bì… nhưng phải chọn bì đã sạch lông.

Nhiều người kinh doanh sử dụng các hóa chất độc hại để tẩy trắng bì lợn làm món nem gây nguy hại đến sức khỏe của người tiêu dùng. Vì vậy, chỉ ăn miếng bì đã sạch lông, không mua nem bì ở nơi không rõ nguồn gốc.

Trên đây là những lí do bì lợn tuy có nhiều thành phần dinh dưỡng tốt nhưng không nên ăn nhiều. Hãy ăn bì lợn ở mức vừa đủ để tốt cho sức khoẻ nhé.

Thanh Thanh(Tổng hợp)
Bình luận
vtcnews.vn