Ngày 29/7, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và phòng bệnh đậu mùa khỉ ở người. Trong hướng dẫn này, Bộ Y tế nêu rõ cần phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với các bệnh khác như đậu mùa, thủy đậu, tay chân miệng và Herpes lan tỏa.
Phân biệt với đậu mùa, thủy đậu
- Đậu mùa khỉ: Nốt phát ban có xu hướng ly tâm, gặp nhiều trên mặt, lòng bàn tay, lòng bàn chân. Ban có thể ở niêm mạc mắt, miệng. Ban xuất hiện cùng lứa tuổi, cùng thời điểm; nốt phỏng nước đơn lẻ hoặc có thể tạo thành đám tổn thương trên da.
- Đậu mùa: Ban theo trình tự: mặt - bàn tay, cẳng tay - thân mình. Ban xuất hiện sau 2-3 ngày đầu.
- Thuỷ đậu: Ban xuất hiện đầu tiên trên mặt và thân, nhanh chóng lan khắp cơ thể. Ban xuất hiện đa lứa tuổi, thời gian khác nhau.
- Tay chân miệng: Loét miệng, phát ban trên da ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, gối, mông. Ban xuất hiện đa lứa tuổi, một số phát ban không rõ ràng hoặc chỉ loét miệng.
- Herpes lan tỏa: Thường xuất hiện vùng niêm mạc miệng, sinh dục sau đó nhanh chóng lan ra toàn thân. Các mụn nước tập trung thành chùm, đau rát, nhanh vỡ.
Bộ Y tế cho biết, bệnh đậu mùa khỉ tiến triển chậm, trong khi bệnh đậu mùa, thủy đậu, tay chân miệng, Herpes lan tỏa tiến triển nhanh. Kích thước ban của đậu mùa khỉ hay thủy đậu giống nhau, từ 5-10mm, trong khi ban của tay chân miệng hay Herpes lan toả nhỏ hơn, chỉ 2-3mm.
Ban của bệnh đậu mùa khỉ cũng tồn tại lâu hơn, 2 đến 4 tuần, trong khi ban thủy đậu tồn tại 1-2 tuần, ban của tay chân miệng chỉ tồn tại dưới 7 ngày còn ban Herpes lan tỏa nhanh chóng vỡ sau 3-4 ngày.
Điểm chung của các bệnh này, trừ Herpes lan tỏa, người bệnh đều có biểu hiện sốt.
Ngoài triệu chứng sốt, bệnh đậu mùa khỉ còn nổi hạch ngoại vi toàn thân, trong khi bệnh đậu mùa là sốt, tiêu chảy, đau người, mệt mỏi. Bệnh thủy đậu sốt, mệt mỏi. Bệnh tay chân miệng là sốt, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy.
Do có phát ban, các bệnh trên có thể để lại sẹo. Cụ thể, bệnh đậu mùa khỉ có thể để lại sẹo rỗ. Bệnh đậu mùa có thể để lại sẹo rỗ sâu. Bệnh thủy đậu, có thể để lại sẹo lõm nông. Bệnh tay chân miệng để lại vết thâm, rất hiếm khi loét hay bội nhiễm. Bệnh Herpes lan tỏa có thể để lại vết thâm.
Điều trị đậu mùa khỉ
Bộ Y tế nêu rõ thực hiện giám sát và cách ly ca bệnh nghi ngờ/ xác định; điều trị triệu chứng là chủ yếu; đảm bảo dinh dưỡng, cân bằng nước điện giải và hỗ trợ tâm lý. Việc sử dụng thuốc điều trị đặc hiệu ở những trường hợp nặng và cơ địa đặc biệt (trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người bị suy giảm miễn dịch,...) theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới và các quy định của Việt Nam; theo dõi, phát hiện và xử trí kịp thời các tình trạng nặng, biến chứng của bệnh.
Bộ Y tế nhấn mạnh, các biện pháp điều trị chung là cách ly tại cơ sở y tế các trường hợp nghi ngờ, xác định theo hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống bệnh đậu mùa khỉ của Bộ Y tế; cụ thể hóa việc điều trị cho từng người bệnh.
Với thể nhẹ, chủ yếu điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau; chăm sóc tổn thương da, mắt, miệng; bảo đảm dinh dưỡng, cân bằng điện giải; cần theo dõi và phát hiện sớm các biến chứng nếu có viêm phổi, nhiễm khuẩn da, nhiễm khuẩn huyết, viêm não... để điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức; phòng và kiểm soát nhiễm khuẩn theo quy định.
Với thể nặng, cần điều trị ở buồng cách ly tại khoa hồi sức, điều trị biến chứng (nếu có) theo các phác đồ đã ban hành.
Thuốc điều trị đặc hiệu được chỉ định những trường hợp:
+ Người có biến chứng nặng (nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi, viêm não...).
+ Người bị suy giảm miễn dịch (HIV, ung thư, đang điều trị thuốc ức chế miễn dịch hoặc corticosteroid liều cao...).
+ Trẻ em, đặc biệt là trẻ dưới 8 tuổi.
+ Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.
+ Những người đang có bệnh cấp tính tiến triển.
Các thuốc điều trị sử dụng theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.
Bình luận