• Zalo

Có cần áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu để ngăn đậu mùa khỉ?

Tin tứcThứ Sáu, 29/07/2022 14:06:46 +07:00Google News
(VTC News) -

Các chuyên gia lên tiếng về sự cần thiết khi áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu để ngăn đậu mùa khỉ.

UBND TP.HCM vừa có công văn đề nghị Bộ Y tế cho phép thành phố áp dụng khai báo y tế với người nhập cảnh qua cửa khẩu, nhằm sàng lọc sơ bộ để phát hiện bệnh nhân đậu mùa khỉ. Tuy nhiên, theo chuyên gia y tế, việc áp dụng khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh là chưa thực sự cần thiết. Chưa kể nếu thực hiện sẽ tốn kém, gây ách tắc quá trình nhập cảnh tại sân bay.

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho rằng, dù Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ nào, nhưng nguy cơ bệnh xâm nhập vào nước ta có thể xảy ra. Vì vậy, việc tăng cường giám sát, phát hiện ca bệnh ngay cửa khẩu phải được ưu tiên hàng đầu.

Có cần áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu để ngăn đậu mùa khỉ? - 1

Theo chuyên gia y tế, việc áp dụng khai báo y tế đối với hành khách nhập cảnh là chưa thực sự cần thiết. (Ảnh minh họa)

Dù bệnh đậu mùa khỉ đã được phát hiện tại hơn 70 quốc gia trên thế giới nhưng dịch chỉ tập trung trên một số nhóm đối tượng nhất định, do đó ông Phu cho rằng chưa cần thiết thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả những người nhập cảnh đến từ vùng dịch. Việc áp dụng khai báo hàng loạt với số lượng người lớn sẽ gây tốn kém và có thể gây ách tắc quá trình nhập cảnh tại sân bay.

PGS Trần Đắc Phu nêu ý kiến, việc khai báo y tế chỉ nên áp dụng những người đi từ vùng dịch có triệu chứng nghi ngờ (có những vết loét trên cơ thể), người từng hoặc nghi ngờ tiếp xúc với ca bệnh...

“Người dân đã nghi ngờ mắc bệnh cần chủ động khai báo tại cơ quan y tế để có biện pháp cách ly, theo dõi phù hợp, tránh dịch lây lan. Cần sớm phát hiện những ca đầu tiên, tránh hiện tượng ca bệnh xâm nhập và lây lan trong cộng đồng mà không biết" - ông Phu khuyến cáo.

Đa số ca mắc đậu mùa khỉ nhẹ và có thể tự khỏi

Vừa qua, sau khi WHO công bố căn bệnh này là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu, Bộ Y tế đã họp khẩn với các đơn vị để thống nhất các phương án ứng phó chủ động.

Trong đó, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh cũng đã xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị với bệnh lý này. Mặt khác, các viện vệ sinh dịch tễ/Pasteur chủ động liên hệ với tổ chức quốc tế và đơn vị liên quan nhằm chuẩn bị sinh phẩm phục vụ xét nghiệm nhằm chẩn đoán, xác định ca bệnh.

TS Trần Văn Giang, Phó Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu các bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, các dấu hiệu đặc trưng nhất của bệnh đậu mùa khỉ bao gồm: phát ban dạng phỏng nước, kèm theo đó là sốt cao, đau đầu và sưng hạch ngoại vi.

Theo TS Trần Văn Giang, những trường hợp có yếu tố dịch tễ đi, về từ vùng dịch kèm các dấu hiệu trên cần được theo dõi và giám sát chặt chẽ về mặt ca bệnh.

Liên quan đến việc điều trị, TS Trần Văn Giang cho biết, hầu hết trường hợp mắc đậu mùa khỉ trên thế giới đến nay đều diễn biến nhẹ và có thể tự khỏi. Chỉ một số ít trường hợp mắc đậu mùa khỉ diễn biến nặng có thể tiến triển thành viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết, viêm não… hoặc trên người có cơ địa suy giảm miễn dịch, có nguy cơ diễn biến nặng sẽ cần điều trị thuốc đặc hiệu theo hướng dẫn của WHO.

Có cần áp dụng khai báo y tế tại cửa khẩu để ngăn đậu mùa khỉ? - 2

 Một số trường hợp có nguy cơ diễn biến nặng khi mắc đậu mùa khỉ là trẻ em, phụ nữ có thai... (Ảnh: CIDRAP)

Trên thực tế ở các bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ, chúng ta chỉ phải điều trị hỗ trợ về mặt triệu chứng như hạ sốt, đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng, cân bằng điện giải, bổ sung một số loại vitamin” - TS Trần Văn Giang chia sẻ.

TS Trần Văn Giang thông tin, theo hướng dẫn của WHO, một số trường hợp nguy cơ diễn biến nặng khi mắc đậu mùa khỉ là trẻ em, phụ nữ có thai, người mắc các bệnh lý suy giảm miễn dịch như HIV/AIDS, đang điều trị hóa chất, hóa trị, xạ trị, người có bệnh nền như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh mạn tính khác.

TS Trần Văn Giang cũng nêu rõ cách phòng bệnh đơn giản và hiệu quả nhất thời điểm này là mỗi người dân phải có hiểu biết về đường lây của bệnh đậu mùa khỉ, từ đó thực hiện các biện pháp phòng bệnh hữu hiệu.

“Bệnh đậu mùa khỉ được lây nhiễm từ động vật sang người và từ người sang người. Vì vậy, người dân không nên tiếp xúc hoặc giết, mổ những loài động vật không rõ nguồn gốc cũng như các con vật ốm, chết. Bên cạnh đó, chúng ta cần hạn chế tiếp xúc với những ca bệnh nghi ngờ hoặc đã được khẳng định mắc đậu mùa khỉ. Hạn chế tiếp xúc với vật dụng xung quanh người bệnh”- TS Trần Văn Giang cho biết.

Bệnh đậu mùa khỉ cũng có thể lây qua giọt bắn của đường hô hấp. Vì vậy người dân thường xuyên duy trì thói quen đeo khẩu trang, sát khuẩn tay để đảm bảo việc phòng chống dịch hiệu quả.

Minh Khánh(VOV.VN)
Bình luận
vtcnews.vn