• Zalo

Phải tăng mạnh mức phạt với những hành vi có dấu hiệu phá hoại đấu giá đất

Bất động sảnThứ Bảy, 30/11/2024 19:00:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Tại phiên đấu giá đất Sóc Sơn, Hà Nội ngày 29/11, một số khách có hành vi trả giá cao bất thường rồi bỏ cuộc, nhiều ý kiến cho rằng cần xử lý nghiêm để làm gương.

Theo các chuyên gia, việc công khai danh tính người đấu giá cao bất thường rồi bỏ cuộc giữa chừng hay những người trúng đấu giá rồi nhưng bỏ cọc sẽ góp phần chấm dứt hành vi xấu và răn đe các vi phạm. Tuy nhiên, bên cạnh công khai danh tính, cần có thêm các chế tài xử phạt thật nặng.

Từ góc độ kinh tế, TS. Nguyễn Trí Hiếu, đồng tình rằng việc "bêu tên" mà không có hình thức xử phạt đi kèm sẽ không mang lại hiệu quả cao. Theo ông hiện nhiều người vẫn sống theo hướng vì lợi ích trước mắt mà sẵn sàng làm các hành vi sai trái. Vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh cần thiết phải có sự can thiệp của cơ quan Nhà nước để xử lý nghiêm các hành vi gây nhiễu loạn trên thị trường bất động sản.

Nhiều ý kiến cho rằng cần công khai danh tính và xử phạt nặng những người trả giá cao rồi bỏ cuộc khi tham gia đấu giá đất. (Ảnh minh hoa: Minh Đức).

Nhiều ý kiến cho rằng cần công khai danh tính và xử phạt nặng những người trả giá cao rồi bỏ cuộc khi tham gia đấu giá đất. (Ảnh minh hoa: Minh Đức).

Luật sư Mai Thảo - Phó Giám đốc TAT Law Firm cũng cho rằng, việc công khai danh tính người bỏ cọc khi trúng đấu giá đất hoặc hét giá "ảo khi đấu giá có thể làm tăng cường tính minh bạch và cảnh báo cho những người có ý định tham gia đấu giá không nghiêm túc. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc này hiện mới chỉ dừng lại ở mức độ răn đe.

Luật sư Thảo dẫn chứng: Quy định hiện hành cũng đã có chế tài xử phạt người bỏ cọc, bao gồm cấm tham gia đấu giá từ 6 tháng đến 5 năm, phạt tiền từ 7 – 10 triệu đồng nhưng trên thực tế vẫn diễn ra tình trạng “trả giá cao, bỏ cọc” như thời gian qua. Bởi lẽ, mức xử phạt này được cho là quá nhẹ và chưa đủ sức răn đe.

Đối với việc có khả năng bị “bêu tên”, những người muốn “lách” luật hoàn toàn có thể nhờ hoặc thuê người khác đứng tên tham gia đấu giá, từ đó tiếp tục các hành vi tạo "bong bóng bất động sản".

Theo đó, luật sư Thảo đề xuất tăng mức ký quỹ lên 20 - 30% giá trị tài sản đấu giá và yêu cầu bồi thường thiệt hại từ 30 - 50% giá trị tài sản, nhằm bù đắp thiệt hại cho các bên liên quan.

Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cũng khẳng định những hành vi trả giá cao rồi bỏ cuộc là dấu hiệu của việc đầu cơ, thổi giá. Dù việc công khai thông tin là biện pháp hữu hiệu song để ngăn chặn thì cần mạnh tay hơn.

"Việc công bố thông tin nếu như không có biện pháp nào đó mạnh hơn thì có lẽ chưa giải quyết được vấn đề. Trước mỗi cuộc đấu giá đất phải xem xét năng lực tài chính của các bên tham gia đấu giá, phải chứng minh nếu trúng đấu giá thì nguồn tiền ở đâu. Ngoài ra cần tính đến các công cụ thuế để ngăn chặn tình trạng bỏ cọc đấu giá đất", ông Điệp chia sẻ.

Theo luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, việc công khai danh tính những người này là cần thiết để thực hiện các giải pháp phòng ngừa và là cơ sở áp dụng các biện pháp hạn chế quyền tham gia đấu giá tài sản.

Tuy nhiên, theo ông Cường, để kiểm soát chặt chẽ, giúp cho thị trường bất động sản hoạt động một cách lành mạnh theo quy luật thị trường  thìcần phải hoàn thiện chính sách và pháp luật. Đặc biệt là phải luật hóa khái niệm “thao túng thị trường bất động sản” để có những quy định về quản lý cũng như có những chế tài xử lý đối với hành vi này.

Hiện nay luật hình sự Việt Nam đã có tội thao túng thị trường chứng khoán, không ít tổ chức cá nhân đã bị xử lý về hành vi này. Tuy nhiên, chưa có quy định về xử lý đối với hành vi thao túng thị trường vàng và thao túng thị trường bất động sản. 

"Có lẽ đây cũng là nguyên nhân khiến cho nhiều người sẵn sàng thực hiện hành vi vi phạm mà không sợ bị áp dụng chế tài. Bởi vậy, cần hoàn thiện chính sách pháp luật bằng cách đưa ra các khái niệm mới, những quy định cụ thể để quản lý thị trường này, tránh tình huống một số nhóm lợi ích thao túng, trục lợi làm méo mó, biến dạng thị trường vốn, thị trường bất động sản", ông Cường nhấn mạnh.

Ngày 29/11, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Sóc Sơn phối hợp với Trung tâm đấu giá hợp danh Thanh Xuân tổ chức đấu giá 58 thửa đất ở thôn Đông Lai, xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn.

Khi đến vòng đấu thứ 5, có người đã ghi phiếu trả giá đất lên tới hơn 30 tỷ đồng/m2, đây là mức giá cao chưa từng có. Nhiều lô đất khác cũng được trả giá rất cao, khoảng 60 - 101 triệu đồng/m2. Tuy nhiên, đến vòng thứ 6 - vòng đấu cuối cùng, họ lại xin không trả giá tiếp. Thậm chí, người này còn ghi trong phiếu trả giá dòng chữ rất lớn với nội dung là “Tôi sợ quá! Xin rút”. 

Sau cùng, chỉ có 22/58 lô đất được đấu trúng, mức giá dao động từ 32 - 50 triệu đồng/m2. Tất cả những người "hét" giá cao ở vòng 5 đều đã xin dừng trả giá ở vòng 6. 

Với diễn biến trên, phiên đấu giá này được cho là có dấu hiệu bị một nhóm khách hàng có hành vi "phá hoại". 

Trước đó, ngày 16/9, trung tâm phát triển quỹ đất huyện Thanh Oai xác nhận có tình trạng bỏ cọc đấu giá đất tại phiên ngày 10/8. Theo đó, có tới 55 lô đất bỏ cọc trong số 68 lô trúng đấu giá, bao gồm cả lô trúng giá 100,5 triệu đồng/m2. Trong số 13 lô đất nộp đủ tiền, giá cao nhất chỉ là hơn 55 triệu đồng/m2.

Châu Anh
Bình luận
vtcnews.vn