• Zalo

Thông tin 'không kiểm tra bài đầu giờ học sinh', PGĐ Sở GD&ĐT TP.HCM lên tiếng

Tin tức - Sự kiệnThứ Ba, 19/09/2023 13:55:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Giáo viên cần đổi mới hình thức kiểm tra, đánh giá học sinh, hạn chế việc gọi học sinh kiểm tra miệng vào đầu tiết học theo kiểu bất chợt, học thuộc lòng.

Ông Nguyễn Bảo Quốc, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM trả lời PV VTC News liên quan vấn đề Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu "giáo viên không kiểm tra bài đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng, hỏi bất chợt", gây xôn xao dư luận.

- Thưa ông, vì sao Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên hạn chế kiểm tra bài cũ đầu giờ theo kiểu học thuộc lòng?

Trong quá trình học tập, có rất nhiều hình thức để giáo viên đánh giá kiến thức học sinh, chứ không nhất thiết là hình thức trả bài thuộc lòng mỗi khi đến lớp. 

Trước đây, việc dạy học, kiểm tra đánh giá vẫn nặng về truyền thụ kiến thức. Vì vậy, thầy cô thường tổ chức hình thức kiểm tra miệng trả bài đầu giờ để xem bài hôm trước dạy học sinh có ghi nhớ hay không. Bên cạnh đó là các hình thức khác như kiểm tra 15 phút, 1 tiết... 

Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên cần đổi mới hình thức kiểm tra đầu giờ, tránh hỏi bài bất chợt theo kiểu học thuộc lòng. (Ảnh minh họa: Minh Huy)

Sở GD&ĐT TP.HCM yêu cầu giáo viên cần đổi mới hình thức kiểm tra đầu giờ, tránh hỏi bài bất chợt theo kiểu học thuộc lòng. (Ảnh minh họa: Minh Huy)

Sau đó, từ năm 2015, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn các cơ sở giáo dục về đổi mới công tác kiểm tra đánh giá. Đến khi Bộ ban hành Thông tư số 22/2021 thay thế Thông tư số 58 trước đó, đã có những quy định cụ thể rõ ràng hơn là có thể đánh giá nhiều hình thức, như qua quá trình học tập, qua một phần thuyết trình hoặc những bài kiểm tra đánh giá thường xuyên, định kỳ... 

Nhưng hiện vẫn còn có một số giáo viên vẫn cho rằng, cần phải kiểm tra kiến thức nên vẫn giữ hình thức kiểm tra thuộc lòng đầu giờ.

Về vấn đề này, Sở đang chỉ đạo quyết liệt, trên tinh thần các giáo viên cần thay đổi cách kiểm tra đánh giá.

- Vậy theo ông, giáo viên có thể bỏ hình thức kiểm tra bài đầu giờ?

Việc này vẫn có thể là một hình thức, nhưng giáo viên có thể điều chỉnh lại, không bắt buộc học thuộc lòng.

Thầy cô sẽ có nhiều cách kiểm tra khác nhau như thuyết trình, bài kiểm tra nhỏ, 1 trò chơi, 1 hoạt động... để xem học sinh có nắm được kiến thức đã học không, rồi vào bài mới.

Chứ không chỉ đơn thuần chỉ là bỏ hay không bỏ, nó vẫn có thể là một hình thức đánh giá. Nhưng sẽ cần thay đổi linh hoạt, song song phải tổ chức nhiều hình thức đánh giá khác.

Hiện có vấn đề cần phải bỏ ngay đó là tập trung dưới sân dò bài đầu giờ. Còn trên lớp, thầy cô có thể thay đổi linh hoạt nhiều hình thức đánh giá khác.

Việc hình thành kiến thức hiện không còn là một chiều, thầy cô truyền tải đưa kiến thức, học sinh nhớ theo kiến thức sách giáo khoa, mà thông qua hoạt động giảng dạy, học sinh vừa tiếp thu kiến thức vừa hình thành phẩm chất năng lực.

Xin cảm ơn ông!

Trước đó, ngày 12/9, tại hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở TP.HCM cũng nêu nội dung trên.

Theo ông Hiếu, hiện vẫn còn tình trạng thầy cô vào đầu giờ, gọi học sinh trả bài theo kiểu kêu bất chợt, hỏi bất chợt. Điều này vô tình sẽ gây áp lực cho học sinh.

Ông Hiếu nhấn mạnh hình thức, chất lượng giảng dạy góp phần quan trọng để xây dựng trường học hạnh phúc, học sinh đến trường vui vẻ, tự tin. Giáo viên có thể mở đầu tiết dạy bằng hình thức nhẹ nhàng, sinh động, giúp học trò thích thú, hứng khởi với giờ học.

Lâm Ngọc
Bình luận
vtcnews.vn