• Zalo

Năm học mới, giáo viên mong sống được bằng lương, bớt phải ôm việc 'bất đắc dĩ'

Diễn đànThứ Ba, 05/09/2023 07:30:00 +07:00Google News
(VTC News) -

Bước vào năm học mới 2023 - 2024, cùng lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của các thầy cô giáo.

16 năm cống hiến cho ngành giáo dục nhưng mỗi tháng nhận lương, thầy Hồ Sỹ Long, 39 tuổi, trường THPT Nguyễn Văn Trỗi (Hà Tĩnh) đều nặng lòng trăn trở.

Mong sống được bằng lương

Thầy là giáo viên THPT hạng II, bậc 1, lương thực lĩnh nhận về là hơn 9 triệu đồng/tháng, so với áp lực và thời gian làm việc, số tiền này không đủ để trang trải cuộc sống.

"Học sinh của tôi ra trường đi làm còn có thu nhập tốt hơn. Nhiều lúc tôi nghĩ, nếu thầy cô có thể sống được bằng đồng lương thì tốt biết bao", thầy nói và cho biết, suốt nhiều năm qua đây vẫn luôn là điều mong mỏi lớn nhất của thầy và đồng nghiệp. 

Thầy Hồ Sỹ Long mong mỏi giáo viên có thể sống được bằng lương trong năm học mới. (Ảnh: NVCC)

Thầy Hồ Sỹ Long mong mỏi giáo viên có thể sống được bằng lương trong năm học mới. (Ảnh: NVCC)

Việc tích lũy tiền lương tháng để mua nhà, mua xe dường như là ước mơ xa vời với giáo viên. Với mức thu nhập bèo bọt, nếu chỉ phục vụ nhu cầu tối thiểu như ăn uống, xăng xe, chi phí sinh hoạt cơ bản thì sẽ tạm đủ.

Còn nếu có việc phát sinh hay gia đình có người đau ốm, số lương ít ỏi đẩy nhiều người "rơi vào thế khó". Hơn thế, nhiều thầy cô có thâm niên cũng không thể tự mua đất xây nhà, phải ròng rã đi thuê suốt hàng chục năm. 

Định mức công việc của thầy Long là 16 tiết/tuần. Ngoài giờ đứng lớp, thầy Long còn làm nhân viên kinh doanh qua hình thức online cho một công ty để có "đồng ra đồng vào". "Tôi tranh thủ làm việc ngoài giờ hành chính hoặc cuối tuần. Dù bận rộn nhưng có thêm một khoản, cuộc sống đỡ chật vật", thầy giáo này nói.

Nghề giáo là nghề người ngoài nhìn vào tưởng chừng rất hào nhoáng, nhưng chỉ có ai trong cuộc mới thấu hiểu những vất vả, mệt nhọc mà lương thì thấp. Thầy Long mong mỏi, nhà nước sẽ có những chính sách nhằm giúp nhà giáo an tâm cống hiến cho nghề, thầy cô không phải tự vấn "bao giờ mới sống được bằng lương?".

Mong học trò chăm ngoan

Cô Nguyễn Yến Nhi, 26 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Xuân Hồng (Hà Tĩnh) mong mỏi học trò sẽ có năm học mới suôn sẻ. "Mong các em học sinh học giỏi, chăm ngoan, đây có lẽ cũng là câu trả lời chung của nhiều thầy cô", cô Nhi nói.

Là giáo viên chủ nhiệm lớp 1, cô Nhi gặp phải áp lực lớn vì các em học sinh bỡ ngỡ làm quen với chương trình tiểu học. Dù vậy, cô giáo này tin tưởng rằng với sự yêu nghề và nhiệt huyết, cô sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ, dẫn dắt học sinh thích nghi tốt với các bài học.

Cô giáo hy vọng phụ huynh sẽ có góc nhìn đa chiều hơn trong việc tiếp nhận thông tin giáo dục. (Ảnh: Thu Hà)

Cô giáo hy vọng phụ huynh sẽ có góc nhìn đa chiều hơn trong việc tiếp nhận thông tin giáo dục. (Ảnh: Thu Hà)

Mong phụ huynh lắng nghe đa chiều

Theo cô Đỗ Thu Hà, 25 tuổi, giáo viên trường Tiểu học Đại Từ (Hoàng Mai, Hà Nội), sự phát triển chóng mặt của mạng xã hội đôi khi khiến phụ huynh dễ tin vào những thông tin giáo dục sai sự thật, chưa được kiểm chứng.

"Tôi mong phụ huynh có cái nhìn đa chiều, chọn lọc thông tin kỹ càng, đồng thời thấu hiểu và ghi nhận những nỗ lực của thầy cô giáo", cô Hà nói.

Giáo viên đang cố gắng từng ngày đổi mới, sáng tạo để mang đến những thành quả tốt nhất trong sự nghiệp trồng người. Sự tin tưởng của cha mẹ học sinh là động lực to lớn giúp cô trò có năm học mới hạnh phúc.

Bớt những công việc "bất đắc dĩ"

Cô Trần Thị Mỹ Trinh, 26 tuổi, giáo viên tại một trường cấp 3 ở Cần Thơ nhìn nhận thực trạng giáo viên phải kiêm nhiệm thêm nhiều công việc, ngoài giờ giảng dạy. Đa số giáo viên đều phải "gánh" thêm những việc khác, điển hình là công tác chủ nhiệm lớp.

"Là giáo viên vốn đã áp lực, giáo viên chủ nhiệm thì căng thẳng gấp nhiều lần", cô nói và ví giáo viên chủ nhiệm "không khác gì bảo mẫu". Phụ huynh có thể biết con cái không ngoan, nhưng mỗi lần có chuyện gì đó, từ sinh hoạt, lối sống đến vấn đề học tập... cha mẹ học sinh đều "chất vấn" thầy cô chủ nhiệm.

Ngoài ra, khi có chương trình ngoại khóa, giáo viên lại kiêm thêm hàng tá việc như xây dựng kịch bản, chuẩn bị các tiết mục... "Nếu thầy cô được giảm bớt các việc bất đắc dĩ, tập trung vào chuyên môn thì chắc chắn hiệu quả giảng dạy sẽ cao hơn", cô Trinh khẳng định. 

Giáo viên gửi nhiều kỳ vọng cho năm học mới. (Ảnh: Yến Nhi)

Giáo viên gửi nhiều kỳ vọng cho năm học mới. (Ảnh: Yến Nhi)

Điều chỉnh dạy môn tích hợp và giảm gánh nặng thành tích

Cô Thân Thu Hằng, 35 tuổi, giáo viên Lịch sử tại một trường THCS ở Ninh Bình mong mỏi được phân công đúng chuyên môn giống như trước đây. Điều này giúp đảm bảo chất lượng giáo dục, hơn nữa, nhiều thấy cô than khó nếu phải đảm nhiệm thêm môn học. 

Cô cho rằng, một giáo viên dạy ba môn rất khó, ngoài các đòi hỏi về kiến thức, chuyên môn thì mỗi người lại có những đam mê riêng. Giá như trước khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới, giáo viên được đào tạo bài bản đáp ứng cả ba lĩnh vực thì việc dạy học sẽ tốt hơn.

"Chương trình mới cấp THCS yêu cầu dạy tích hợp các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Giáo viên chỉ có thể giỏi một môn, một lĩnh vực, không thể giỏi toàn diện nên việc dạy tích hợp gặp nhiều khó khăn", cô Hằng bày tỏ. 

Là giáo viên Sử khi chuyển sang dạy tích hợp, cô Hằng lúng túng vì chưa hình dung bản thân sẽ dạy học thế nào, soạn giáo án ra sao. Giáo viên này mong mỏi Bộ xem xét lại việc giảng dạy môn tích hợp.

Ngoài ra, cô Hằng cũng hy vọng giáo viên sẽ được "cởi trói" khỏi gánh nặng thành tích. Thầy cô gần như kiệt sức vì phải chịu áp lực từ kết quả học bạ cuối năm, việc thi cử của học sinh, đặc biệt là kỳ tuyển sinh vào lớp 10.

"Giáo viên phải gánh trên vai nhiệm vụ làm sao để tất cả học sinh trong lớp đều vượt qua kỳ thi, đỗ nguyện vọng một, đảm bảo tỷ lệ đỗ cao cho toàn trường", cô kể. 

Nỗi niềm người đứng đầu nhà trường

Nhắc đến những mong ước trong năm học mới, thầy Nguyễn Hải Sơn, Hiệu trưởng trường THCS Hải Xuân (Nam Định) chia sẻ những khó khăn của thầy cô trực tiếp đứng lớp giảng dạy. 

Điều khiến hiệu trưởng này trăn trở mỗi ngày chính là việc nâng cao chất lượng cuộc sống cho thầy cô. Chỉ khi cuộc sống được cải thiện đủ đầy, giáo viên mới có thể an tâm cống hiến cho ngành giáo dục. 

"Mong các cơ quan có thẩm quyền lắng nghe và thấu hiểu tâm tư nhà giáo, từ đó có những chính sách giúp giảm bớt gánh nặng cho thầy cô, nhất là về vấn đề tiền lương, phụ cấp, làm sao giúp đảm bảo giáo viên có thể sống được bằng chính đồng lương của mình", thầy Sơn nói và gửi gắm hy vọng bước vào năm học mới với niềm tin mới, thắng lợi mới.

Tương tự, cô Khúc Thị Huệ, Hiệu trưởng trường THPT Ngọc Hồi (Hà Nội) cũng mong mỏi nhà giáo có chính sách lương, phụ cấp tốt hơn trong năm học 2023 - 2024.

Cô Huệ hy vọng những người "đứng bục giảng" sẽ luôn được tạo điều kiện tốt để chuyên tâm giảng dạy, nâng cao chất lượng toàn ngành nói chung. 

"Cả thầy và trò đều có nhiều kỳ vọng trong năm học mới. Tôi mong các em học sinh sẽ có năm học nhiều thú vị, học hỏi được những kiến thức mới mẻ, khám phá được điểm mạnh của chính mình", cô Huệ nói và khẳng định thêm, các em học sinh sẽ hạnh phúc khi được học tập dưới một mái trường hạnh phúc.

Thông tin từ Bộ GD&ĐT, hiện cả nước có gần 1,3 triệu giáo viên, giảng viên đại học, đây là lực lượng hùng hậu. Bộ xác định phát triển đội ngũ nhà giáo là nhân tố quan trọng, quyết định đến hoàn thành nhiệm vụ đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục.

Bộ GD&ĐT cũng kỳ vọng việc xây dựng Luật Nhà giáo thời gian tới có thể sẽ mang lại những chuyển biến tích cực về thể chế, tăng phụ cấp ưu đãi, tăng thu nhập cho giáo viên.

THI THI
Bình luận
vtcnews.vn