Cựu Tổng thống Donald Trump bị bắn khi đang phát biểu tại cuộc vận động tranh cử ở thành phố Butler thuộc bang Pennsylvania (Mỹ) hôm 13/7 (giờ địa phương). Nghi phạm nổ súng tại cuộc vận động tranh cử của cựu Tổng thống Donald Trump đã bị Sở Mật vụ khống chế và bắn hạ.
Lãnh đạo thế giới gọi vụ nổ súng nhắm vào ông Trump tại cuộc vận động tranh cử là "gây sốc và ghê tởm", đồng loạt lên án tình trạng bạo lực chính trị. Vụ ám sát hụt cũng sẽ gây ra những tác động khó lường trong chiến dịch tranh cử tổng thống, cũng như sẽ khiến việc sử dụng súng đạn sẽ trở thành đề tài nóng trong chủ đề tranh cử vào Nhà Trắng của các ứng viên thời gian tới.
Mật vụ Mỹ kịp thời bảo vệ ông Trump. (Video: Fox News/Phụ đề: Thạch Anh)
"Cửa sáng" cho ông Trump?
Sau sự việc bị ám sát lần này, nhiều chuyên gia đều cho rằng ông Donald Trump sẽ có lợi hơn trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Bởi tấm ảnh chụp cựu Tổng thổng Mỹ với tinh thần kiên cường, bất khuất bất chấp nỗ lực ám sát đang lan truyền rất nhanh (viral) trên mạng xã hội và các kênh truyền thông.
TS. Ngô Di Lân, Học viện Ngoại giao, cho hay Tổng thống Reagan đã từng được hưởng lợi rất nhiều (approval rating) từ vụ ám sát hụt vào những năm 80 và cựu Tổng thống Donald Trump có lẽ cũng không phải là ngoại lệ.
Theo quan sát của giới truyền thông, ông Donald Trump là một người rất khôn khéo và khôn ngoan, bởi khi xảy ra sự việc ông vẫn tranh thủ xuất hiện trước công chúng và thể hiện thái độ cứng rắn, kiên quyết của mình.
"Qua sự kiện lần này, chúng ta thấy ông Trump rất mạnh mẽ và khôn ngoan trong việc lợi dụng tình huống để ghi điểm trước cử tri, thu hút sự ủng hộ của quần chúng. Việc ông Donald Trump bị ám sát rõ ràng khiến rất nhiều người chuyển sang ủng hộ. Cùng với đó, những bất lợi về tuổi tác của Tổng thống Mỹ Joe Biden khiến ông ở thế yếu hơn", chuyên gia Hoàng Việt, giảng viên Đại học Luật TP.HCM, nhấn mạnh.
Nhiều nhà quan sát nước ngoài chia sẻ vụ việc hôm 13/7 sẽ kích thích một lực lượng nhất định ủng hộ ông Donald Trump, một lực lượng nhất định ủng hộ ông Biden và lực lượng cử tri trung lập, vốn chưa có quyết định rõ ràng. Việc ông Donald Trump bị ám sát rõ ràng khiến rất nhiều người chuyển sang ủng hộ.
Đến thời điểm hiện tại, ông Joe Biden vẫn chưa rút khỏi đường đua vào Nhà Trắng và vẫn kiên quyết mình là ứng viên Tổng thống của Đảng Dân chủ. Chưa kể, sự xuất hiện của Tổng thống Mỹ đang dần yếu thế và sau cuộc tranh luận ngày 27/6 cho thấy khả năng ông Donald Trump thắng cử rất cao.
Dù ông Joe Biden cố gắng vãn hồi lại bằng cuộc phỏng vấn đầu tháng 7, nhưng cuộc phỏng vấn này cũng không cứu vãn được vấn đề. Liên tiếp có những sự nhầm lẫn của Tổng thống Joe Biden như việc gọi Tổng thống Zelensky là Tổng thống Putin. Điều này cho thấy sức khỏe và trí tuệ của ông Biden dẫn tới sự lo ngại cho cử tri.
"Sau sự cố ám sát hụt ông Donald Trump, tôi cho rằng tỷ lệ chiến thắng của ông Donald Trump ngày càng rõ ràng hơn và cho thấy khả năng quay lại Nhà Trắng cao hơn rất nhiều so với ông Joe Biden cho đến thời điểm hiện tại", chuyên gia Hoàng Việt thông tin.
Thời gian tới, an ninh mật vụ Mỹ và bản thân ông Donald Trump được gia tăng biện pháp bảo vệ. Mặc dù có sự chia rẽ và cách biệt rất lớn trong việc ủng hộ hay chống lại ông Donald Trump, song vấn đề liên quan đến an ninh, an toàn của các ứng viên Tổng thống Mỹ sẽ được nước Mỹ hết sức quan tâm, siết chặt hơn nữa trong thời gian tới.
'Khó để cấm súng đạn ở Mỹ'
Trả lời VTC News, chuyên gia Hoàng Việt, cho biết sự việc cựu Tổng thống Donald Trump bị bắn khi đang phát biểu ngoài trời tại cuộc vận động tranh cử khiến ông khá bất ngờ và không nghĩ sự việc này có thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay.
"Đây có lẽ là sự kiện rúng động rất nhiều người và giới quan sát. Vì không ai nghĩ một ứng viên Tổng thống Mỹ như ông Trump bị ám sát", chuyên gia Hoàng Việt cho hay.
Đồng quan điểm, Giáo sư, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân cho răng, việc ômg Trump bị ám sát hụt không có gì là bất ngờ, hơn 60 năm trước từng xảy ra vụ ám sát Tổng thống Kennedy trước cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, TS. Ngô Di Lân lại cho rằng đây là vụ việc có thể hiểu được ở nước Mỹ, đã xảy ra 15 lần trong lịch sử nước Mỹ, trong đó có 5 tổng thống/ứng viên thiệt mạng.
"Với một người gây tranh cãi mạnh mẽ như ông Donald Trump thì trên lý thuyết ông ấy hoàn toàn có thể là mục tiêu ám sát. Mặt khác vẫn có yếu tố bất ngờ nhất định vì xác suất xảy ra một sự kiện như vậy là thấp, bởi cựu Tổng thống Mỹ đã 'sống sót' qua 1 nhiệm kỳ mà không có sự vụ tương tự xảy ra", TS. Ngô Di Lân chia sẻ.
Trong quá trình nắm quyền và sau khi hết nhiệm kỳ, ông Donald Trump là một trong những người đấu tranh mạnh mẽ đối với chính sách cấm súng đạn ở Mỹ. Nhưng khi diễn thuyết thu hút cử tri ông lại trở thành nạn nhân của vụ sử dụng súng đạn.
Điều này khiến nhiều người đặt ra câu hỏi nếu đắc cử ông Donald Trump chiến đấu mạnh hơn đối với chính sách cấm sử dụng vũ khí tại Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng ông Donald Trump, ông Joe Biden hay một Tổng thống khác đều khó thay đổi được.
"Sản xuất, cung cấp vũ khí là một ngành của kinh tế Mỹ, nếu cấm sẽ có ảnh hưởng rất lớn. Tất nhiên, quản lý súng đạn như thế nào để không xảy ra các vụ giết người hàng loạt hoặc gây ra thảm họa lớn thì cần phải có những chấn chỉnh. Nhưng để cấm hoàn toàn chuyện này thì rất khó khăn", Thiếu tướng Nguyễn Hồng Quân bày tỏ quan điểm.
Cùng quan điểm, chuyên gia Hoàng Việt cho rằng có rất nhiều tổng thống Mỹ nghĩ đến chuyện cấm súng đạn, nhưng câu chuyện này không phải dễ ở nước Mỹ. Đã có rất nhiều người đề xuất, nhưng chưa làm được. Nếu ông Trump thắng cử cuộc đua vào Nhà Trắng, ông sẽ tìm cách hạn chế hoặc đưa ra lệnh cấm sử dụng vũ khí.
"Trong lịch sử nước Mỹ người dân đã sử dụng súng đạn từ rất lâu và chưa kể lợi ích của những người sử dụng, buôn bán vũ khí rất lớn. Thói quen sử dụng vũ khí của người Mỹ cũng rất nhiều. Cho nên, có thể muốn nhưng khó để cấm súng đạn ở Mỹ", chuyên gia Hoàng Việt nói.
Bạo lực súng đạn ở Mỹ không phải là vấn đề mới mà dường như đó đã là vấn nạn xã hội dai dẳng và chưa tìm được lời giải. Nhưng câu chuyện về quyền sở hữu súng vốn gây tranh cãi từ lâu và có thể là "ẩn số" ảnh hưởng đến các cuộc bầu cử ở xứ cờ hoa.
Theo nhiều nhà chức trách, chuyên gia và kể cả người dân Mỹ, nguyên nhân bạo lực súng đạn xảy ra liên tục ở quốc gia này là do Mỹ có luật và chính sách về súng đạn lỏng lẻo hơn nhiều so với các quốc gia khác.
Cái khó cho các chính quyền Mỹ trong kiểm soát súng đạn là quyền sở hữu súng được quy định trong Hiến pháp Mỹ. Các nhà lập pháp nước này coi việc sở hữu súng là quyền cơ bản của con người, chỉ sau quyền tự do ngôn luận và được Hiến pháp thông qua từ năm 1791 bởi Luật sở hữu súng, nằm trong Luật về quyền cá nhân.
Chưa hết, kiểm soát súng đạn luôn là chủ đề gây chia rẽ hai đảng Dân chủ và Cộng hòa trong suốt chiều dài lịch sử và hiện tại. Do đó, dù Tổng thống Mỹ Joe Biden luôn nhấn mạnh thúc đẩy các biện pháp an toàn súng đạn và thông qua các quy định mới nhằm tăng cường kiểm soát song từng đó là chưa đủ, không thể giải quyết được bạo lực súng đạn ở Mỹ.
Đánh chú ý, lâu nay, việc siết chặt kiểm soát súng luôn bị các nhóm có lợi ích trực tiếp từ buôn bán súng như Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) chi phối và gây ảnh hưởng. Trên thực tế, tại Mỹ, ngành sản xuất và kinh doanh súng đạn mang lại lợi nhuận khổng lồ mỗi năm. Do vậy, các nhóm vận động tại Mỹ, trong đó NRA với tiềm lực tài chính mạnh, thường không chịu “ngồi yên” khi các biện pháp quản lý súng gây ảnh hưởng đến "hầu bao" của họ.
Chính vì những lý do đó, giới phân tích cho rằng, không chỉ trong nhiệm kỳ Tổng thống Joe Biden hiện tại mà các nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ tiếp theo cũng sẽ gặp khó trong việc siết chặt kiểm soát súng đạn. Cuộc chiến pháp lý về kiểm soát súng đạn vẫn chưa đi đến hồi kết và bạo lực súng đạn tiếp tục là nỗi ám ảnh dai dẳng đối với người dân Mỹ.
Bình luận