Hút chì chỉ với 30.000 đồng!
Trong khoảng một năm trở lại đây, mặt nạ hút chì là từ khóa được rất nhiều người quan tâm, đặc biệt là các chị em phụ nữ thường xuyên sử dụng son môi, mỹ phẩm.
Đánh vào tâm lý này, không ít các spa, trung tâm thẩm mỹ cho đến cơ sở nhỏ lẻ đã “khai thác” dịch vụ cùng những lời có cánh: Hút chì thải độc da trở nên trắng mịn, đẩy lùi các vấn đề về sạm nám, mụn hay nếp nhăn, trẻ hóa da, tăng cường độ đàn hồi cho da,... với đủ mọi mức giá, từ vài triệu đến vài trăm nghìn đồng.
Dạo quanh các khu phố trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp những lời quảng cáo, hình ảnh bắt mắt, các chương trình khuyến mãi hấp dẫn của các cửa hàng, trung tâm làm đẹp với mức giá chỉ từ 200.000 – 400.000 đồng/lượt và cam kết da sẽ mịn màng hơn sau một lần hút chì.
Theo các nhân viên spa, bất kỳ người nào hiện nay cũng đều nhiễm độc chì bởi vậy hút chì thải độc là vô cùng cần thiết, nếu để lâu sẽ xảy ra tình trạng da ngày càng thâm nám, xỉn màu. Do đó, các spa, thẩm mỹ viện này đã đưa ra gói dịch vụ hút chì thải độc bằng công nghệ chuyên sâu sử dụng máy công nghệ cao năng lượng siêu âm hội tụ, chạy máy siêu âm.(?).
Tại một ngõ nhỏ gần khu phố Vạn Phúc (Hà Đông) đang treo biển quảng cáo với mức giá 30.000 đồng/lần hút chì thải độc da. Chủ cửa hàng là một cô gái còn khá trẻ ngoài 30 tuổi cho biết: “Quán mình dùng phương pháp hút chì bằng viên nang thải chì,... để “khử” chì, đào thải độc tố, khách đến quán đều hài lòng với dịch vụ này bởi cải thiện được làn da xỉn màu của họ. So với các spa khác, giá hút chì ở quán rẻ hơn nhiều và sử dụng công nghệ an toàn cho da nên thu hút được nhiều chị em, chủ yếu phục vụ cho toàn khách quen thôi”.
Khi được hỏi cụ thể hơn về các công đoạn hút chì tại spa thì chủ spa tỏ ra lúng túng, trả lời một cách chung chung, thiếu sự giải thích rõ ràng cho khách hàng. “Sau khi hút chì khỏi da, sẽ cải thiện tình trạng cho làn da mụn, nám, xỉn màu và lão hóa sớm, đặc biệt hiệu quả thấy rõ đối với những người thường xuyên trang điểm và tiếp xúc với khói bụi”, chủ spa nhấn mạnh hơn về công dụng của hút chì.
Chỉ là chiêu trò quảng cáo
Trên một số diễn đàn, có nhiều ý kiến trái chiều khi sử dụng dịch vụ hút chì này. Người thì cho là “da trông sáng hơn”, người lại than sau khi làm xong, chỉ được một hôm đầu về sau thấy da mỏng, dễ bắt nắng hơn,… Nhưng điểm chung ai cũng băn khoăn không biết công dụng có đúng như các spa, thẩm mỹ viện đã quảng cáo hay không?
Bà Trần Thị Hoa (55 tuổi, Lai Châu) hào hứng trong ngày đầu làm dịch vụ hút chì chỉ với giá 30.000 đồng: “Ban đầu tôi ra quán để gội đầu nhưng được chủ quán tư vấn hút chì để thải độc bởi da mặt tôi bị đen sạm, thấy giá rẻ tôi đã làm thử và sau cũng đi hút chì đều đặn thêm vài tuần nữa. Lúc đầu thấy da mặt sạch và sáng hơn nhưng qua một vài lần hút chì, tôi thấy da mặt bị yếu đi và đen sạm hơn trước”.
Trong khi đó, chị Cao Thị Quyên (Hà Nam) chia sẻ: “Tôi nghe quảng cáo dịch vụ này hiệu quả, thực tế thấy bạn bè đi hút chì, người khen cũng nhiều, người chê cũng không ít. Gần đây, thấy trên mạng tư vấn hút chì chỉ hại da chứ không có công dụng kỳ diệu như quảng cáo nên cũng phân vân”.
Khi chúng tôi đem những thắc mắc đó của khách hàng tới các spa có dịch vụ hút chì thải độc thì được chủ spa thuyết phục: “Với công nghệ hiện đại, việc hút chì bây giờ là hoàn toàn có thể thực hiện được và tuyệt đối an toàn. Chị sẽ bôi viên nang thải chì rồi dùng máy, khi kem chuyển sang màu xám đó là chì trên da được hút ra”(!?).
Làm rõ hơn về sự thẩm thấu của chì ở da, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết: Chì là một kim loại nặng, tồn tại trong các loại mỹ phẩm kém chất lượng hoặc không khí, thực phẩm bị ô nhiễm,...
Kim loại này nếu dính trên da, có khả năng thấm qua da và đi thẳng vào máu, khi cơ thể bị nhiễm độc tố chì, việc loại bỏ chì rất khó và phức tạp, phải dùng các thiết bị y tế chuyên dụng để lọc máu và thải bỏ độc tố ra khỏi cơ thể.
Đồng quan điểm này, các chuyên gia y tế cho rằng, hút chì là một thuật ngữ không tồn tại trong lĩnh vực y tế và chăm sóc sắc đẹp. Các thẩm mỹ viện thường lợi dụng vào sự thiếu hiểu biết của người dân. Tuy nhiên, trên thực tế, da bị sạm đen là do sự gia tăng các sắc tố melanin.
Bình luận