• Zalo

Những tập đoàn ‘con cưng’ thuộc UBND TP.HCM làm ăn ra sao trước thềm cổ phần hóa?

Kinh tếThứ Năm, 20/12/2018 11:52:00 +07:00Google News

Những tập đoàn trực thuộc UBND TP.HCM như Saigontourist, Satra, Samco,... là những doanh nghiệp có lợi thế rất lớn về thị trường kinh doanh, sở hữu khối tài sản khổng lồ và đều nằm trong diện cổ phần hóa theo lộ trình 2019 - 2020.

Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist) là một trong những doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc UBND TP.HCM trong diện cổ phần hóa từ lâu. Theo kế hoạch, trong năm 2018, Saigontourist và công ty con - Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist sẽ cùng cổ phần hoá, kéo tỷ lệ vốn Nhà nước từ 100% giảm về 65% và xuống dưới 50% vào năm 2020.

Thế nhưng, tiến trình này đến nay vẫn đang kéo dài với những hoạt động liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, lựa chọn cổ đông chiến lược,…

Theo báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2018, Saigontourist hiện đang có 10 công ty con, 29 công ty liên doanh, liên kết 15 công ty đầu tư dài hạn với 54 khách sạn (tổng số khoảng 8.000 phòng), 13 khu du lịch và 28 nhà hàng đầy đủ tiện nghi…

Doanh thu của Saigontourist 6 tháng đầu năm 2018 ghi nhận con số hơn 1.000 tỷ đồng (cao hơn cùng kỳ). Tuy nhiên lợi nhuận sau thuế lại chỉ đạt 313 tỷ đồng, giảm 59,8% so với cùng kỳ, nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu hoạt động tài chính giảm mà các chi phí khác lại tăng.

42443875_2195636657144266_5662859962540359680_o

Saigon Morin - một trong những khách sạn nổi tiếng ở Huế do Saigontourist quản lý, vận hành. (Ảnh: Saigontourist) 

Bên cạnh Saigontourist, Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) cũng được xem là trong những tập đoàn mạnh nhất ở khu vực phía Nam về hoạt động thương mại – dịch vụ. Năm 2016, Satra từng khai trương cửa hàng Satrafoods thứ 100 tại TP.HCM cùng với hàng chục công ty con, công ty liên kết, liên doanh và nhiều văn phòng đại diện ở nước ngoài.

Theo kế hoạch, đến hết năm 2018, Satra sẽ thoái 35% vốn Nhà nước xuống còn 65% và sẽ tiếp tục thoái vốn xuống tỷ lệ quy định sau năm 2019. Tuy nhiên, tiến độ thoái vốn tại các công ty con còn chậm trễ, kéo theo việc cổ phần hóa tại công ty mẹ diễn ra không đúng như kế hoạch.

Ghi nhận trong báo cáo tài chính năm 2017, Satra đạt doanh thu lên đến gần 12.000 tỷ đồng, cao hơn so với cùng kỳ. Theo đó, tổng lợi nhuận sau thuế đạt 3.626 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016.

Cùng bằng tỷ lệ giảm sở hữu vốn Nhà nước xuống còn 65% như Saigontourist và Satra, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn (CNS) là doanh nghiệp hạng đặc biệt trực thuộc UBND TP.HCM.

satra

 Satra hiện đang quản lý hàng loạt khu chợ thương mại, cửa hàng thực phẩm tại TP.HCM. (Ảnh: Satra)

Với 13 đơn vị thành viên, 5 nhà máy và hơn 5.000 công nhân, viên chức hoạt động, sản xuất kinh doanh trên các ngành công nghiệp chủ lực của TP, CNS là một trong những doanh nghiệp “con cưng” UBND TP.HCM có hoạt động tương đối ổn định.

Theo báo cáo tài chính năm 2017, CNS đạt doanh thu hơn 1.264 tỷ đồng, giảm 20,6% so với cùng kỳ. Cùng với việc doanh thu về hoạt động tài chính, thu nhập khác,... đều giảm so với cùng kỳ kéo theo lợi nhuận sau thuế còn 71 tỷ đồng, giảm 46,6% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp có mức cổ phần hóa xuống 50% như Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn (Sagri), Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn (Samco) trong năm 2018 lại nổi lên “nhờ” hàng loạt sai phạm được Kiểm toán Nhà nước kết luận.

Nếu Samco vẫn ghi nhận mức độ tăng trưởng lợi nhuận đều đặn, thì Sagri lại sụt giảm lợi nhuận thê thảm dù đang quản lý hàng nghìn ha đất, sở hữu tài sản hàng nghìn tỷ đồng.

tongcongtynnsg 3

Năm 2018, Sagri đã bị Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra TP.HCM chỉ ra hàng loạt sai phạm trong quá trình quản lý, sử dụng đất công và hoạt động kế toán. 

Cụ thể, năm 2017, lợi nhuận sau thuế của Samco đạt 861 tỷ đồng, tăng 26,2% so với cùng kỳ. Trong khi đó, năm 2017 Sagri lãi ròng âm đến hơn 36,7 tỷ đồng. Nguyên nhân dẫn đến khoản lỗ này là do công ty ghi nhận hơn 127 tỷ đồng tiền thuê đất truy thu giai đoạn 2006 - 2013, tiền thuê đất năm 2014 và 2015.

Từng nằm trong nhóm những doanh nghiệp sẽ giảm tỷ lệ sở hữu Nhà nước xuống 50% trong năm 2018, nhưng theo đề xuất của Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN TP.HCM, UBND TP đã chấp thuận và đang xin cơ chế đặc thù để duy trì 100% vốn nhà nước đối với Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco).

Như vậy, có thể Sawaco là một trong những doanh nghiệp hiếm hoi tại TP.HCM có thể được giữ lại đầy đủ vốn Nhà nước. Tình hình kinh doanh của doanh nghiệp này cũng rất "sáng sủa", trong 9 tháng đầu năm 2018, công ty mẹ Sawaco ghi nhận khoản lãi hơn 72,8 tỷ đồng, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Trước đó, theo lộ trình, TP.HCM sẽ có 39 doanh nghiệp Nhà nước cổ phần hóa trong năm 2018. Tuy nhiên, đến nay TP.HCM vẫn chưa thực hiện cổ phần hóa được bất cứ doanh nghiệp nào.

Hiện TP đã đề nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh tiến độ cổ phần hoá và lộ trình thoái vốn giai đoạn 2018 - 2020 cũng như sau năm 2020. Cụ thể, TP sẽ cổ phần hoá 32 doanh nghiệp Nhà nước trong năm 2019 và cổ phần hoá 7 doanh nghiệp vào năm 2020.

Tân Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn