Tang lễ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo thế giới, hàng nghìn chức sắc, và người dân Vương quốc Anh.
Khoảng 10h50 ngày 19/9 (giờ địa phương, tức 16h50 giờ Việt Nam), thời gian để người dân và các nhà lãnh đạo, chức sắc hoàng gia trên thế giới đến viếng Nữ hoàng Anh Elizabeth II kết thúc, chuẩn bị cho tang lễ chính thức bắt đầu. Tại Tu viện Westminster, nơi tang lễ Nữ hoàng diễn ra, 96 tiếng chuông tri ân vang lên tương ứng với 96 năm cuộc đời của vị quốc vương quá cố.
Đây là giây phút thiêng liêng và quan trọng đối với người dân Anh, khi nhiều người đều dành những tình cảm kính trọng và yêu mến đặc biệt đối với Nữ hoàng. Bà đã cùng người dân và nước Anh trải qua những thay đổi xã hội đáng kinh ngạc. Bà được coi là một trong những “chất keo” gắn kết đất nước qua các thời kỳ.
Từ đại sảnh Westminster, linh cữu Nữ hoàng được đưa đến cửa Tây của Tu viện Westminster. Các vị khách cùng di chuyển đến nơi tổ chức lễ quốc tang chính thức.
Linh xa chở linh cữu Nữ hoàng Elizabeth II được 142 thủy thủ và 6 sĩ quan hải quân Anh rước. Đây là truyền thống từ tang lễ Nữ hoàng Victoria năm 1901. Đi sau đoàn rước linh xa là Vua Charles III và các thành viên hoàng gia Anh.
Khoảng 11h (giờ địa phương), tang lễ bắt đầu. Dàn hợp xướng của Tu viện Westminster hát thánh kinh được sử dụng cho lễ quốc tang của Anh. Sau đó, linh mục David Hoyle của Westminster, với tư cách là người chủ trì lễ tang, đọc lời mở đầu buổi lễ.
Tiếp theo, Tổng thư ký khối thịnh vượng chung Patricia Scotland đọc đoạn đầu tiên trong Thư thứ nhất gửi cho các tín hữu tại Côrintô để tưởng nhớ cuộc đời cống hiến của Nữ hoàng.
Dàn hợp xướng sau đó hát bản nhạc được soạn bởi Judith Weir, nhạc sĩ nổi tiếng đang đảm nhận vị trí Bậc thầy Âm nhạc của Hoàng gia Anh.
Tiếp đến, Thủ tướng Anh Liz Truss đọc một trích đoạn trong cuốn Phúc âm Gioan. Dàn hợp xướng hát bài “Chúa là Mục tử”. Đây là bản nhạc từng được xướng trong lễ cưới Nữ hoàng năm 1947.
Tổng giám mục Canterbury, người đứng đầu giáo hội Anh, sau đó đọc bài thuyết pháp trong lễ tang. Dàn hợp xướng hát bài thánh ca “My Soul, there is a country” sau đó. Nhiều lãnh đạo thuộc giáo hội Anh nối tiếp với những bài phát biểu tri ân Nữ hoàng và những đóng góp của bà với nước Anh, cũng như khối thịnh vượng chung.
Tổng giám mục Canterbury sau đó nói lời cầu nguyện cho Nữ hoàng.
Đoàn quân nhạc hoàng gia sau đó thổi bài “Last Post”. Tiếp đến là hai phút mặc niệm cho Nữ hoàng trên toàn lãnh thổ Anh. Sau hai phút mặc niệm, quân nhạc và hợp xướng thực hiện bài hát “Chúa phù hộ Đức Vua”, quốc ca mới cho Vua Charles III.
Cuối buổi lễ, nhạc công thuộc đội kèn túi của Trung đoàn Hoàng gia Scotland chơi bản nhạc "Sleep, Dearie, Sleep".
Linh cữu Nữ hoàng cuối cùng được đưa khỏi Tu viện Westminster, đi qua nhiều địa điểm nổi tiếng ở London, trước khi hướng tới Cổng Wellington, rồi tới Lâu đài Windsor. Tại đây Nữ hoàng sẽ được an táng.
Trên linh cữu của Nữ hoàng đặt một vòng hoa gồm hương thảo, hoa myrtle, và hoa sồi Anh cùng vương miện của Nữ hoàng.
Hương thảo mang ý nghĩa tưởng nhớ. Hoa myrtle là biểu tượng cổ xưa của một cuộc hôn nhân hạnh phúc, cắt từ cây hoa được trồng bằng một nhánh myrtle trong bó hoa cưới của nữ hoàng vào năm 1947. Và hoa sồi Anh là biểu tượng cho sức mạnh của tình yêu. Bên cạnh đó, vòng hoa còn được kết từ hoa bồ hòn thơm, hoa hồng, cẩm tú cầu, thủy bồn thảo, cúc thược dược,.... Tất cả đều có màu vàng, hồng và đỏ tía đậm, với các điểm nhấn màu trắng.
Theo yêu cầu của Vua Charles III, vòng hoa được làm theo cách bền vững, không sử dụng xốp cắm hoa.
Bình luận