Khi nền văn hóa ẩm thực phát triển như hiện nay, ăn uống từ lâu đã không còn là nhu cầu cơ bản của con người mà trở thành sở thích với các món đa dạng hơn nhiều. Tuy nhiên, có những món ngon được bạn yêu thích cũng là thức ăn khoái khẩu của các tế bào ung thư.
Đồ chiên rán
Thịt, rau, cơm và rất nhiều thực phẩm khác đều có thể chiên, rán, xào. Tuy nhiên, cách chế biến này không chỉ khiến bạn béo lên mà còn sản sinh chất gây ung thư thực quản và các tổn thương tiền ung thư.
Khi thực phẩm chứa tinh bột hoặc axit amin được nấu ở nhiệt độ cao trên 120 độ C sẽ sản sinh ra một lượng nhỏ acrylamide.
Chất này không chỉ gây ung thư mà còn tác động xấu tới hệ thần kinh. Các món như khoai tây chiên, bánh quy, các món xào… là “nơi sinh sống” của acrylamide.
Tiêu thụ thực phẩm chứa acrylamide trong thời gian dài có thể dẫn đến suy giảm khả năng học tập, trí nhớ và chức năng nhận thức.
Thịt chế biến sẵn
Đó là các loại thịt được hun khói, tẩm ướp, sấy khô để tăng mùi vị hoặc có lợi cho việc bảo quản.
Có bằng chứng ghi nhận, ăn 50g các sản phẩm thịt chế biến sẵn mỗi ngày làm tăng 18% nguy cơ ung thư ruột kết. Điều này đồng nghĩa các loại thịt tiện lợi mà chúng ta thường ăn bị dán nhãn "chất gây ung thư".
Đồ chua
Dưa và các sản phẩm muối chua chứa nhiều nitrit. Mặc dù bản thân nitrit không phải là chất gây ung thư, nhưng sẽ kết hợp với các sản phẩm phân hủy protein trong dạ dày có thể tạo thành nitrosamine gây ung thư.
Bánh kẹo
Đồ ngọt thực sự không nằm trong danh sách các chất gây ung thư nhưng lại tạo ra một trong những thủ phạm lớn nhất gây ra bệnh ung thư - béo phì.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Y khoa Anh xác nhận với đầy đủ bằng chứng rằng béo phì liên quan rõ ràng đến nguy cơ mắc nhiều loại ung thư. Đó là ung thư vú, ruột kết, trực tràng, buồng trứng, nội mạc tử cung, dạ dày, tuyến tụy, mật, thận và một số loại ung thư thực quản và tủy xương.
Điều rắc rối nhất là ăn đồ ngọt dễ nghiện, rất khó để bỏ trà sữa, bánh ngọt, kem…
Lẩu
Cũng giống như đồ ngọt, bản thân nước lẩu không gây chết người, ngay cả khi bạn chọn loại lẩu cay.
Tuy nhiên, nếu thường xuyên dùng lẩu, ăn quá nóng vừa làm tổn thương thực quản, niêm mạc dạ dày vừa tạo điều kiện cho các chất gây ung thư phát triển.
Bởi vậy, khi ăn lẩu, bạn nên ăn thêm rau và trái cây để điều hòa chức năng đường tiêu hóa. Đồng thời, thức ăn được lấy ra khỏi nồi lẩu nên để nguội một chút trước khi thưởng thức.
Nếu muốn ngăn ngừa ung thư, bạn nên áp dụng một chế độ dinh dưỡng cân bằng và thói quen ăn uống tốt. Một số loại thực phẩm có thể ngăn ngừa ung thư như hành, nấm, tỏi, trà xanh nhưng không phải là phương thuốc thần kỳ.
Bình luận