• Zalo

Những lý do không ngờ đằng sau sự thất bại của Armenia ở Nagorno-Karabakh

Thời sự quốc tếThứ Ba, 24/11/2020 14:45:53 +07:00Google News
(VTC News) -

Cựu Tổng Tham mưu trưởng quân đội Armenia, Thượng tướng Movses Hakobyan tổ chức họp báo ở thủ đô Yerevan công bố lý do đằng sau sự thất bại của Armenia ở Karabakh.

Ngày 18/11, tướng Hakobyan đã từ chức sau khi quân đội Cộng hòa Artsakh (do Armenia hậu thuẫn) đã bị thất thế trước quân đội Azerbaijan trong xung đột Nagorno-Karabakh.

Tại cuộc họp báo ngày 20/11, tướng Hakobyan tiết lộ nhiều thông tin gây sốc có liên quan đến diễn biến và kết quả của chiến tranh. Những thông tin này lập tức được báo chí Nga và Phương Tây biên dịch và đăng tải.

Những lý do không ngờ đằng sau sự thất bại của Armenia ở Nagorno-Karabakh - 1

Thượng tướng Moves Hakobyan, cựu Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Armenia (đã từ chức hôm 18/11/2020).

Theo tướng Hakobyan, nguyên nhân thất bại của quân đội Artsakh xuất phát từ nhiều lí do, như mua sắm vũ khí không phù hợp, tổ chức quân đội không hợp lý, mâu thuẫn trong nội bộ, v.v…

Cụ thể, về việc vai trò của 04 chiếc máy bay chiến đấu hiện đại Su-30SM mua từ Nga, tướng Hakobyan kể lại, ngay khi quân đội Armenia bàn bạc về việc mua sắm tiêm kích này, ông đã khuyên Thủ tướng điều đó là không cần thiết. Thay vào đó, ông đề nghị mua thêm các tiểu đoàn tên lửa phòng không tầm ngắn Tor.

Chính phủ Armenia không ghi nhận ý kiến của tướng Hakobyan, chỉ đặt mua một số đơn vị Tor và dồn toàn bộ ngân sách còn lại để đặt mua Su-30SM. Tướng Hakobyan nói rằng ông đã gặp trực tiếp Thủ tướng, khẳng định đây là “hành động tội ác” và chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm. Nhưng lãnh đạo Armenia tuyên bố hợp đồng đã được ký và không thể thay đổi.

Bản thân giới nghiên cứu kĩ thuật quân sự Nga cũng có nhiều chỉ trích động thái mua sắm Su-30SM của Armenia. Có thể nói đây là phiên bản hiện đại nhất của dòng tiêm kích Su-30, và cũng chỉ được trang bị hạn chế trong Không quân Nga. Su-30SM là phiên bản nâng cấp của Su-30MKI, được trang bị radar, hệ thống liên lạc, hệ thống nhận diện địch - ta (IFF), ghế phóng thoát hiểm kiểu mới, thay thế các linh kiện nước ngoài bằng sản phẩm nội địa của nước Nga.

Một số chuyên gia quân sự Nga chất vấn: Tại sao một quốc gia nhỏ như Armenia lại cần những chiếc máy bay chiến đấu đa chức năng đắt tiền như vậy? Trong khi đó, phần còn lại của quân đội Armenia (xe tăng, pháo binh, bộ binh cơ giới, phòng không, v.v…) vẫn đang sử dụng những trang bị, khí tài lạc hậu của thập niên 80.

Thực tế chiến trường cũng cho thấy các máy bay Su-30SM hiện đại không hề đóng góp được gì trong cuộc đối đầu với Azerbaijan. Giới chức Armenia cho rằng các phi công Armenia chưa kịp làm chủ máy bay Su-30SM hiện đại (đây là những máy bay tiêm kích đa chức năng đầu tiên của Không quân nước này). Tuy nhiên, thượng tướng Moves Hakobyan tiết lộ: Hợp đồng mua sắm Su-30SM của Armenia đã không được thương thảo kĩ lưỡng, và có lỗ hổng trong thỏa thuận. Vì vậy, phía Nga đã chỉ bán máy bay, mà không cung cấp các tên lửa cho Armenia.

Những lý do không ngờ đằng sau sự thất bại của Armenia ở Nagorno-Karabakh - 2

Tổ hợp tên lửa phòng không 9K33M2 Osa-AK mà Armenia mua từ Jordan.

Thay vì các tiểu đoàn tên lửa phòng không Tor, thượng tướng Hakobyan nói rằng ông bị chính phủ ép phải mua các tổ hợp phòng không 9K33 Osa-AK từ Jordan. Hakobyan cho biết có người liên tục tiết lộ lịch trình làm việc của ông ở nước ngoài, tạo điều kiện cho đám lái súng gặp gỡ và chào bán các tổ hợp Osa-AK lạc hậu. Armenia là nước thừa kế và vận hành thành thạo nhiều tổ hợp phòng không Xô Viết. Nếu cần, nước này hoàn toàn có thể trực tiếp nhập khẩu các phiên bản Tor hiện đại từ Nga, chứ không cần mua tổ hợp Osa-AK kiểu cũ từ một quốc gia Trung Đông. Chưa bàn đến việc quân đội các nước Trung Đông thường không giỏi trong việc gìn giữ, bảo quản vũ khí, thì các tổ hợp Osa-AK mà Jordan sở hữu vào đầu thập niên 80 cũng đã có hơn 20 năm hoạt động trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của vùng sa mạc.

Những lý do không ngờ đằng sau sự thất bại của Armenia ở Nagorno-Karabakh - 3

Tổ hợp tên lửa phòng không 9K33M2 Osa-AK mà Armenia mua từ Jordan.

9K33M2 Osa-AK là phiên bản hiện đại hóa của tổ hợp 9K33-Osa đời đầu, được ra mắt vào năm 1975, mang được 6 tên lửa kiểu mới 9M33M2 thay cho 4 tên lửa kiểu cũ 9M33 trên mỗi xe phóng đạn. Vì đây là phiên bản hiện đại hóa sâu, nên khối NATO đã gọi tổ hợp Osa-AK bằng tên mã SA-8B Mod 0 (để phân biệt với SA-8A Gecko đời đầu). Đến thập niên 1980, Liên Xô lại nâng cấp các tổ hợp Osa lên chuẩn 9K33M3 Osa-AKM với tên lửa 9M33M3 kiểu mới có tầm bắn lên đến 15km và hệ thống nhận diện địch – ta (IFF), nhưng các tổ hợp của Jordan không trải qua đợt nâng cấp này. Sau đó, vào giữa thập niên 1980, tổ hợp 9K330 Tor ra đời như là loại vũ khí phòng không tầm ngắn kế nhiệm 9K33 Osa. Kể từ đó, Tor đã đi vào trực chiến và được liên tục nâng cấp cho đến ngày nay, với các phiên bản 9K331 Tor-M1, 9K332 Tor-M2. Nói cách khác, tổ hợp Osa-AK mà Armenia mua về đã lạc hậu nhiều thế hệ so với những loại vũ khí phòng không hiện đại.

Công ty Tetraedr của Belarus (doanh nghiệp cung cấp các gói hiện đại hóa tên lửa phòng không S-125-2TM cho Azerbaijan) đã từng nỗ lực chào hàng Jordan hiện đại hóa các tổ hợp 9K33 Osa-AK của nước này lên chuẩn 9K33-1T với khả năng tiêu diệt mục tiêu có diện tích tán xạ radar (RCS) rất nhỏ (chỉ 0,02m2), nhưng nước này từ chối và tìm cách bán các tổ hợp này cho Armenia.

Đây được cho là thương vụ có lãi lớn cho Jordan, bởi thay vì phải bỏ ra 2 triệu USD để nâng cấp mỗi tổ hợp Osa-AK (theo chào hàng của Tetraedr), nước này thu được 30 triệu USD cho mỗi đơn vị Osa-AK bán cho Armenia (trong khi giá thị trường của tổ hợp này ước tính chỉ từ 5-6 triệu USD). Nói cách khác, Armenia đã “hố” to, khi phải mua đắt gấp 5-6 lần.

Những lý do không ngờ đằng sau sự thất bại của Armenia ở Nagorno-Karabakh - 4

Tổ hợp tên lửa phòng không 9K33M2 Osa-AK mà Armenia mua từ Jordan.

Thực tế chiến trường cũng đã bắt phòng không Armenia trả giá, khi nhiều tổ hợp Osa-AK của quân đội nước này bị tập kích tiêu diệt, trong khi hầu như bất lực trước các UAV cỡ nhỏ của phía Azerbaijan.

Ngoài vũ khí, tổ chức và mức độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội Armenia cũng bị thượng tướng Hakobyan chỉ trích.

Kế hoạch động viên quân đội không đạt được dự định. Vào ngày 30/09/2020, quân đội Artsakh chỉ hoàn thành 78% chỉ tiêu động viên quân số, trong khi phía Armenia chỉ là 52%. Đây là mức phải đạt được sau 40 giờ đồng hồ kể từ khi phát lệnh động viên, nhưng trên thực tế sau 5 ngày chiến tranh mới đạt được.

Biên chế quân đội cũng đã bị thay đổi bất hợp lý, cắt giảm nhân sự tràn lan ở các đơn vị chiến đấu. Vào năm 2018, một mệnh lệnh bí mật đã làm suy yếu 05 trung đoàn của quân đội Armenia, trong khi đó biên chế quân số của Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng Tham mưu (làm công tác bàn giấy văn phòng) lại được tăng gấp đôi. Cũng trong đợt cải cách quân sự này, quân số một tiểu đội bộ binh đã giảm từ 11 xuống còn 9 người. Các cấp tiểu đoàn và đại đội cũng bị cắt giảm biên chế, dẫn đến khả năng chiến đấu sa sút.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan cũng bị cáo buộc đã đưa ra nhiều quyết định sai lầm trong cuộc chiến với Azerbaijan khi từ chối sử dụng lực lượng dự bị động viên, nhưng lại gửi lực lượng tình nguyện ra tiền tuyến. 1.500 quân tình nguyện khi được gửi ra chiến trường đã bị mất tinh thần, hoảng loạn, và đào ngũ. Tuy nhiên, những binh lính này đã bị lưu dung lại ở Karabakh, không đưa trở về Armenia, để tránh lan truyền những tin tức gây hoảng loạn.

Mối quan hệ giữa Hakobyan và Thủ tướng Nikol Pashinyan còn trở nên tồi tệ hơn khi ông làm phật lòng phu nhân Anna Hakobyan. Trong một cuộc họp tại sở chỉ huy ở Karabakh, bà Anna Hakobyan được Tổng tham mưu trưởng mời ra khỏi phòng để tránh nghe các tướng lĩnh chửi thề khi căng thẳng. Phu nhân đã đồng ý nhưng sau đó Hakobyan bị triệu tập về thủ đô Yerevan và bị Bộ trưởng Quốc phòng cấm trở lại Karabakh chỉ huy quân đội theo lệnh đến từ Thủ tướng. Hakobyan gửi tin nhắn đến Pashinyan để xin được quay lại nhưng không nhận được câu trả lời.

Tướng Hakobyan cũng cho biết nhiều thông tin từ chiến trường đã bị chính phủ Armenia che giấu trước công chúng, ví dụ như tuyên bố nhiều thành phố ở Karabakh vẫn đứng vững dù chúng đã bị Azerbaijan chiếm đóng vài ngày.

Những lý do không ngờ đằng sau sự thất bại của Armenia ở Nagorno-Karabakh - 5

Máy bay chiến đấu Su-30SM.

Đánh giá vai trò của Nga, thượng tướng Hakobyan cho biết: “Nga đã giữ lời hứa về thỏa thuận tương trợ với Armenia, cung cấp nhiều loại vũ khí mà chúng tôi cũng không dám mơ tới”. Tuy nhiên, sự hỗ trợ đến quá muộn vì Thủ tướng Pashinyan chỉ yêu cầu phía Nga trợ giúp vào hôm 30/9, khi chiến sự đã nổ ra được nhiều ngày.

Nhờ hệ thống tác chiến điện tử Pole-21 của Nga, quân đội Armenia đã khiến UAV vũ trang Bayraktar TB-2 của Azerbaijan bị gián đoạn hoạt động trong 4 ngày liền. Tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-E cũng đã lần đầu tiên được sử dụng bởi một quân đội nước ngoài (không phải quân đội Nga).

Về phía chính quyền Armenia, người phát ngôn của Thủ tướng Mane Gevorgyan phủ nhận các cáo buộc do cựu Tổng tham mưu trưởng đưa ra. Trong khi đó, Tổng công tố viên Armenia đã gửi video cuộc họp báo đến đơn vị điều tra đặc biệt để xem xét những tuyên bố của tướng Hakobyan.

Lương Minh(Nguồn: Stream News)
Bình luận
vtcnews.vn