Chuyến bay dài nhất: 18 tiếng
Đầu tháng 7/2020, chuyến bay giải cứu đặc biệt nhất của Vietjet đã bay đến hai quốc gia Nam Á là Sri Lanka và Bangladesh để đón hơn 200 người Việt Nam bị mắc kẹt tại Sri Lanka, Bangladesh, Nepal và Maldives về nước.
Công dân trên chuyến bay gồm trẻ em dưới 18 tuổi; du học sinh đã hoàn thành chương trình học; tăng ni, phật tử buộc phải về nước do các trường thiền đóng cửa; người đi du lịch bị kẹt lại; người lao động đã kết thúc hợp đồng lao động.
Ngoài các phi công, tiếp viên, chuyến bay còn có sự tham gia của kỹ sư bảo dưỡng tàu bay Bùi Hồng Quân với nhiệm vụ đảm bảo tàu bay ở trạng thái kỹ thuật tốt nhất. Quân cho biết cả anh và tổ bay phải mặc đầy đủ đồ bảo hộ trong suốt 18 tiếng bay, và trải nghiệm đó thật sự rất khó quên.
Khi về đến Việt Nam, tháo khẩu trang ra, cả đoàn bay ai cũng có vệt khẩu trang hằn sâu lên mặt, vành tai thì rớm máu. “Nhưng đến lúc tàu bay hạ cánh an toàn, hành khách reo ‘Được về nhà rồi!’, mình lại thấy rất vui”, anh Quân chia sẻ.
“Thánh” giải cứu – Tiếp viên Đặng Quốc Vương
Đặng Quốc Vương, tiếp viên của Vietjet, được đồng nghiệp đùa vui gọi là “thánh” giải cứu. Vương đã liên tục ghi danh tình nguyện tham gia vào các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Đến nay, Vương đã bay hơn 10 chuyến hồi hương công dân.
“Có người hỏi tôi bay giải cứu có lo lắng không. Tôi nghĩ những chuyến bay của Vietjet là những chuyến bay nhân ái, bay vì đồng bào, nên tôi luôn sẵn sàng lên đường. Ở Vietjet ai cũng sẽ như vậy”, Vương nói.
Vương kể hồi đầu có bạn bè biết anh bay quốc tế cũng tỏ ra e dè ngại ngần. “Nhưng sau đó họ biết tôi bay về tuân thủ cách ly nghiêm ngặt, khoẻ mạnh, không nhiễm bệnh, mọi người đã hiểu và cảm thông cho công việc chúng tôi đang làm”, Vương chia sẻ.
Chuyến bay “chào đón công dân tương lai”
Một trong những chuyến bay để lại ấn tượng sâu đậm nhất trong tâm trí các thành viên tổ bay giải cứu phải kể đến chuyến bay từ Đài Loan về nước với 230 hành khách nhưng có hơn 135 hành khách là phụ nữ mang thai. Một nữ hành khách cho biết giữa lúc tình hình dịch bệnh phức tạp, được trở về quê hương an toàn trước ngày “vượt cạn” là niềm hạnh phúc và là kỷ niệm không thể quên với chị.
Kỹ sư bảo dưỡng tàu bay Phạm Trung Tín, người tham gia chuyến bay, cho biết anh rất bất ngờ khi thấy những vị khách đặc biệt như vậy trên tàu bay. “Đây đúng là chuyến bay chào đón công dân tương lai mà Vietjet có vinh dự được thực hiện”, Tín nói.
Không thành viên tổ bay nào nhiễm bệnh
Từ đầu giai đoạn dịch COVID-19 đến nay, Vietjet đã thực hiện hàng trăm chuyến bay giải cứu, hồi hương công dân. Có thời điểm, gần như ngày nào Vietjet cũng có chuyến bay giải cứu, trong đó có những chặng bay Vietjet chưa từng khai thác trước đó. Chi phí cho những chuyến bay này rất lớn và rất nhiều chuyến phải bay rỗng một chiều. Tuy nhiên, đại diện Vietjet cho biết hãng không xác định doanh thu từ những chuyến bay giải cứu mà xác định đây là trách nhiệm, là nhiệm vụ của hãng đối với đất nước, đối với đồng bào.
Trong tất cả các chuyến bay giải cứu, điều đáng chú ý nhất là không một thành viên nào trong tổ bay gồm phi công, tiếp viên và kĩ sư bảo dưỡng bị nhiễm virus.
Để giữ được sự an toàn đó, nữ tiếp viên trưởng Nguyễn Vân Anh cho biết Vietjet đã chuẩn bị mọi trang thiết bị cần thiết và yêu cầu tổ bay phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định của Tổ chức Y tế thế giới và của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế về phòng chống dịch COVID-19.
Bình luận