Video: Toàn cảnh ga đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông ngày đầu mở cửa
Sáng 20/5, người dân Hà Nội đã mục sở thị đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông và nhà ga mẫu La Khê. Mặc dù được đánh giá là khá đẹp, tiện nghi nhưng nhà ga mẫu La Khê và đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông đang nhận được rất nhiều ý kiến chưa hài lòng từ người dân.
Theo tìm hiểu, đoàn tàu đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông gồm 4 toa xe chuẩn B1 với 2 toa có cabin lái tàu ở hai đầu (Tc), 2 toa xe động lực có động cơ ở giữa, chiều dài là 79m. Đầu tàu đặt tại điểm ga La Khê có 4 toa khí, kí hiệu từ HN01 đến HN04, chiều cao toa tàu tính từ mặt ray đến đỉnh tàu 3,8m, tốc độ khai thác trung bình 35km/h.
Nhiều người cho rằng, nếu khai thác tốc độ trung bình như hiện tại thì quá chậm. Thời gian trung bình tại tuyến này khoảng 45 phút mỗi chiều (13km - PV), tương ứng vận tốc trung bình xấp xỉ 20km/h. Điều này gây lãng phí lớn thời gian hành trình của hành khách.
Chính vì vậy, “nên đẩy nhanh tốc độ một chút nữa, bởi tàu sắt trên cao không phải va chạm với các phương tiện giao thông khác. Nếu giữ nguyên tốc độ này sẽ làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của phương thức vận tải số lớn. Ngoài ra, cũng nên hình thành mạng lưới liên kết với các phương tiện giao thông công cộng khác, tạo nên sự đồng bộ ”, ông Nguyễn Văn Bình (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ.
Một trong những điểm trừ khi tham quan ga mẫu La Khê đó là khoảng cách giữa tàu và mặt sàn lên tàu có khe hở khá lớn, nếu không cẩn thận, trẻ nhỏ, thậm chí ngay cả người lớn có thể bị thụt chân, gây nguy hiểm.
"Khe hở này chẳng khác gì cái bẫy, rất nguy hiểm, cần phải khắc phục ngay trước khi cho vận hành chính thức", ông Bùi Minh Lâm (quận Thanh Xuân - Hà Nội) nhận xét.
“Tôi đã đi tàu điện trên cao ở nhiều nước thấy khe hở lên tàu của họ rất nhỏ, thậm chí được liên kết như một mặt phẳng không thể nhận ra có khe hở. Vậy mà của mình để khe hở rộng hoác ra thế này thì quá nguy hiểm, không hề an toàn cho người đi lại... Nếu chẳng may mà thụt chân xuống đó thì không biết hậu quả sẽ thế nào", ông Trần Văn Nam (Lê Trọng Tấn, Hà Đông) cho hay.
Ngoài ra, nhiều ý kiến phàn nàn về việc nhà ga cao ngang bằng nhà 4-5 tầng, bậc cầu thang đi lên rất cao. Bà Nguyễn Thị Mai, một người dân ở đây phàn nàn: “Chúng tôi chỉ thấy có cầu thang bộ và thang máy (chưa hoàn thiện - PV) dành cho người khuyết tật, chứ không có phương tiện ưu tiên cho người già và trẻ nhỏ. Nói thật, để lên được nhà ga, thanh niên cũng bở hơi tai chứ chưa nói đến những người già như chúng tôi. Đây là một trong những điểm hạn chế khiến khá nhiều người quan ngại”.
Dù đã hoàn thiện về cơ bản, nhưng hiện nhà ga La Khê vẫn chưa có điểm gửi xe máy, xe đạp. Nhiều người thắc mắc, khi đưa vào khai thác, sử dụng, tại các điểm chờ tuyến đường sắt trên cao có xây dựng điểm gửi xe hay không?
“Hiện tại, vẫn chưa hình thành một mạng lưới liên thông từ tuyến này sang tuyến kia và kết nối các phương tiện giao thông công cộng khác cho nên nhiều người vẫn đi xe đạp hoặc xe máy đến điểm chờ để sử dụng dịch vụ tàu sắt trên cao. Tôi mong, Ban quản lý dự án sẽ tiếp nhận ý kiến đóng góp của người dân, xây dựng các khu để xe tại các nhà ga cho người dân. Đây cũng là một trong những phương thức nhằm khuyến khích người dân thường xuyên sử dụng tàu sắt trên cao”, ông Trịnh Thế Anh (Thanh Xuân, Hà Nội) nói.
Sau hai ngày đầu mở cửa cho người dân Thủ đô tham quan, ga mẫu La Khê đã nhận được rất nhiều ý kiến đóng góp của người dân Thủ đô. Những ý kiến này đều xuất phát từ mong muốn giúp phương thức vận tải số lượng nâng cao chất lượng, từ đó giảm lượng người sử dụng các phương tiện giao thông cá nhân, đồng thời giảm tình trạng tắc nghẽn nghiêm trọng dọc tuyến đường từ Cát Linh đến Hà Đông.
Bình luận