Trong thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân ở các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL với tinh thần “tương thân, tương ái” đã chung sức, chung lòng giúp đỡ những người nghèo khó, neo đơn, bệnh tật…vượt qua cơn khốn khó do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19.
Một trong những hoạt động nổi bật tại các địa phương trong khu vực đó là việc hình thành các máy ATM gạo để cấp phát gạo miễn phí cho bà con. Những chiếc máy ATM gạo với dòng gạo tuôn chảy hàng ngày đã được nhiều bà con ví là máy của Thạch Sanh trong truyện cổ tích Việt Nam, ở đó chứa chan biết bao tình dân tộc, nghĩa đồng bào.
Những ngày qua, khi chiếc máy ATM gạo được lắp đặt tại xã vùng sâu Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, cứ đúng thời gian quy định bà con nghèo ở các xã trong huyện lại tìm về nhận gạo.
Bà Mã Thị Sáu, 80 tuổi ở xã Lương Tâm cho biết, chồng bà bị bệnh tai biến mạch máu não, còn bà bị bệnh thấp khớp. Tuổi cao, sức yếu nên hàng ngày cuộc sống của vợ chồng bà đều nhờ vào những đồng tiền do người cháu ngoại ở chung đi làm thuê, làm mướn.
Dịch bệnh COVID-19 xảy ra, người cháu không có việc làm nên cả gia đình đều lo ngay ngáy. Khi hay tin có máy ATM gạo cấp phát miễn phí cho người nghèo, bà mừng quá, suốt đêm không ngủ được, mong trời sáng để đi nhận gạo.
Ông Đặng Văn Te, 65 tuổi ở xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ cho biết, gia đình ông không có ruộng đất nên quanh năm, suốt tháng đi làm thuê, làm mướn sống qua ngày.
Khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về giãn cách xã hội, cả gia đình ông ở nhà hạn chế ra ngoài. Tuy nhiên, nỗi bận tâm lớn nhất của gia đình ông là không biết lấy gì để sinh sống cho đến khi dịch bệnh được dập tắt. Chính vì vậy, khi nhận được gạo từ máy ATM cùng một số nhu yếu phẩm do các tổ chức, cá nhân hỗ trợ thêm, ông vô cùng xúc động.
"Dịch dã thế này, nhà tôi không làm gì hết. Nhà nước cho gạo với quà như thế này chúng tôi mừng và phấn khởi lắm”, ông Te chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Kim Hân - Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, cho biết: Là huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Hậu Giang, hiện Long Mỹ vẫn còn hơn 1.700 hộ nghèo, tập trung ở hai xã Xà Phiên và Lương Nghĩa. Phần lớn những hộ này là người già yếu, neo đơn, ít ruộng đất phải đi làm thuê, làm mướn hoặc bán vé số dạo. Chính vì vậy, khi dịch bệnh xảy ra nhiều người lâm vào cảnh khó khăn khi không có công ăn việc làm. Những chiếc máy ATM gạo ra đời đã thật sự giúp cho mọi người vượt qua cơn khốn khó.
"Đối với một huyện khó khăn mà có cây ATM gạo này thì bà con rất phấn khởi, rất vui mừng đến rất đông. Khi nhận được túi gạo, bà con cũng trang trải được một phần nào cho bữa ăn gia đình, đỡ khó khăn trong giai đoạn này. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì cây ATM gạo này trong thời gian tới”, bà Hân cho hay.
Theo bà Thái Thu Xương - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Hậu Giang: Những ngày qua có đến 5 chiếc máy ATM gạo được đưa vào hoạt động tại các địa phương trong tỉnh. Đến thời điểm này đã có hơn 1.300 hộ nghèo được nhận gạo miễn phí. Với số lượng gạo được các tổ chức, cá nhân ủng hộ hơn 40 tấn, các cây ATM gạo trong tỉnh sẽ tiếp tục hỗ trợ cho bà con trong thời gian tới.
Không chỉ ở tỉnh Hậu Giang, những ngày qua, hàng loạt máy ATM gạo lần lượt ra đời tại các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, giúp bà con nghèo vượt qua cơn khốn khó. Người nghèo ở nơi đây ví những máy ATM gạo này như nồi cơm Thạch Sanh trong truyện cổ tích, bởi dòng gạo tuôn chảy hoài không dứt. Nhưng những chiếc máy gạo Thạch Sanh này có được không phải từ phép mầu mà từ những tấm lòng thơm thảo, chan chứa tình dân tộc, nghĩa đồng bào, thắm đượm tinh thần “ lá lành đùm lá rách!” của dân tộc Việt Nam./.
Video: 'ATM gạo' cho người nghèo ở Đắk Lắk
Bình luận