Trong các loại gia cầm, thịt vịt là món ăn được ưa chuộng bậc nhất. Thịt vịt giàu đạm (100 gr thịt vịt cung cấp 25 gr protein) và các chất dinh dưỡng như canxi, lipit, protit, phospho, kẽm, magie, các vitamin B, A, E, K… Theo Đông y, thịt vịt tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, tư âm, tiêu thũng, giải độc. Đây là thực phẩm bổ dưỡng cho những người thể chất suy nhược, chán ăn, người yếu sau khi mắc bệnh, đổ mồ hôi vào ban đêm, lòng bàn tay bàn chân nóng, phụ nữ kinh nguyệt ít…
Sách Nhật dụng bản thảo của Trung Quốc viết: “Vịt bổ phần âm của ngũ tạng, bổ máu, bổ dạ dày, giải nhiệt, làm hết giật mình, kinh sợ, giúp nuôi dưỡng dạ dày, sinh tân dịch, trấn định tâm thần"; “Thịt vịt trừ nhiệt, bổ hư, bổ phủ tạng, làm lợi cho sự tuần hoàn nước trong cơ thể”.
Tuy nhiên, không phải ai cũng được lợi khi sử dụng thực phẩm này. Vậy những ai không nên ăn thịt vịt?
- Người mới phẫu thuật: Thịt vịt có vị tanh, tính hàn nên không phù hợp với những người vừa phẫu thuật vì có thể gây sưng tấy, vết mổ khó lành, thậm chí mưng mủ.
- Người có hệ tuần hoàn kém: Tình trạng yếu kém của hệ tuần hoàn sau thời gian dài sẽ làm suy yếu các cơ quan khác như hệ tiêu hóa, thận, hệ thống miễn dịch... Trong khi đó, thịt vịt tính lạnh, nếu ăn nhiều thì cơ thể càng dễ bị nhiễm lạnh hơn.
- Người bị ho: Chất tanh và tính hàn của thịt vịt sẽ làm tăng khả năng kích ứng, gây ra ho.
- Người thể trạng hàn: Việc ăn nhiều thịt vịt dễ gây lạnh bụng, dẫn đến chán ăn, đau bụng, tiêu chảy hoặc các vấn đề tiêu hóa khác.
- Người bị bệnh tim mạch, mỡ máu: Thịt vịt có nhiều mỡ, nếu ăn nhiều sẽ bất lợi cho những người cần hạn chế chất này.
- Người bị bệnh gout: Thịt vịt có lượng purin cao, có thể làm tăng lượng axit uric trong cơ thể, khiến triệu chứng bệnh gout nặng lên.
Những món không nên kết hợp với thịt vịt
Sự kết hợp giữa thịt vịt với các loại thực phẩm được cho là có thể tạo ra những tương tác bất lợi cho sức khỏe, vì vậy nên tránh dùng chung trong bữa ăn. Một số lưu ý cụ thể:
- Không nên kết hợp thịt vịt với thịt thỏ, hạt óc chó, mộc nhĩ, hồ đào, tỏi, kiều mạch.
- Không nên ăn thịt vịt cùng với trứng gà vì có thể làm tổn hại đến nguyên khí trong cơ thể.
- Không nên ăn thịt vịt cùng lúc với thịt rùa vì thực phẩm này có tính đại hàn, sẽ khiến cơ thể rơi vào tình trạng âm thịnh dương suy, phù nề và tiêu chảy.
Bình luận