Vaccine COVID-19 được xem là chìa khóa của nhân loại trong cuộc chiến chống lại đại dịch. Một trong những công nghệ đột phá giúp thế giới có lá chắn chống lại virus từ rất sớm đó là vaccine mRNA, do các công ty như Pfizer-BioNtech và Moderna phát triển.
Việc đưa các vaccine này vào cơ thể sẽ không thể thực hiện được nếu không có công nghệ của giáo sư Pieter R. Cullis. Ông hiện là Giám đốc Viện Khoa học Sự sống tại Đại học British Columbia (UBC), đồng thời là giáo sư tại khoa Hóa sinh và Sinh học phân tử, trưởng nhóm nghiên cứu NanoMedicines, UBC.
Tham dự tuần lễ khoa học VinFuture tại Hà Nội, trước thềm lễ trao giải thưởng khoa học dành cho các công trình nghiên cứu xuất sắc có ý nghĩa nhân văn - VinFuture Prize, ông Cullis chia sẻ: “Sự nghiệp khoa học là một đặc ân và chắc chắn nó xứng đáng với mọi nỗ lực mà bạn bỏ ra. Mỗi ngày bạn đều có cơ hội làm cái mới và giải quyết những vấn đề lớn, dù có thể không phải lúc nào cũng thành công”.
Các vaccine mRNA vướng phải một vấn đề cơ bản là cần có cơ chế phân phối để đi vào tế bào. Nhóm của Cullis đã nghiên cứu phát triển các hạt nano lipid (LNP) bao bọc RNA và bảo vệ nó khỏi bị thoái hóa, cho phép mRNA được đưa vào tế bào chất. Ở đây, mRNA "hướng dẫn" tế bào tạo ra protein liên quan đến virus gây bệnh, giúp vaccine hoạt động.
Tháng 11/2021, GS Cullis và các đồng nghiệp giành được giải thưởng quốc tế lớn đầu tiên tôn vinh những người đứng sau thành công của vaccine mRNA chống lại COVID-19. Cùng nhận giải với Cullis là Tiến sĩ Katalin Kariko, nhà khoa học Hungary nghiên cứu về mRNA tại công ty BioNTech, và Tiến sĩ Drew Weissman, nhà khoa học nghiên cứu vaccine tại Đại học Pennsylvania. Hai đồng nghiệp của ông được ghi nhận vì tìm ra cách cấu trúc RNA thông tin (mRNA) để sử dụng làm hoạt chất trong vaccine.
Thành tựu nghiên cứu của Cullis không chỉ mở đường cho vaccine mà còn là khởi đầu cho việc tìm ra cách phòng và điều trị nhiều bệnh trong tương lai.
Hành trình 25 năm
Kỹ thuật do giáo sư Cullis tiên phong tạo ra đã được nghiên cứu và thử nghiệm với các ứng dụng khác từ rất lâu trước đại dịch.
“Tôi đã dành 20-25 năm gì đấy để tìm hiểu các tính chất cơ bản của lipid và các màng (membrane) mà chưa hoàn toàn có được ứng dụng điều trị rõ ràng nào cả. Chúng tôi luôn cảm thấy thôi thúc phải tạo ra thứ gì đó mà dù là gì đi nữa cũng phải chữa được bệnh. Thế rồi chúng tôi nhận ra một điều, có thể thử ‘đóng gói’. Đầu tiên, chúng tôi có thể gói thuốc chống ung thư vào trong những hạt này. Bạn biết đấy, khi điều trị ung thư thì cơ thể phải chịu rất nhiều tác dụng phụ, nên điều chúng tôi cố gắng làm là giúp cho thuốc có thể ‘nhắm trúng’ hơn vào khối u”.
Sau đó, khi nhận ra có thể tạo các “phân tử thuốc” nhỏ, họ bắt đầu muốn thử với các hạt lớn hơn và chứa những vật liệu sinh học lớn hơn như mRNA.
“Đó là một hành trình dài, 25 năm. Chúng tôi bắt đầu vào năm 1995 và ở thời điểm đó, điều này gần như là không thể. Khi mọi người xem lĩnh vực mà bạn đang nghiên cứu sẽ không có tác dụng gì thì mục tiêu là rất quan trọng. Khi bạn nhìn thấy tiềm năng của một loại thuốc hoàn toàn mới, bạn có thể tiếp tục”, ông cho biết.
Công nghệ mRNA sẽ có tính ứng dụng rất cao
Nghiên cứu của giáo sư Cullis tạo ra đột phá trong việc phát triển các hạt nano lipid cần thiết để bao bọc và bảo vệ mRNA hoạt động. Điều này mở ra các phương pháp mới trong sản xuất vaccine mRNA COVID-19, giúp cho hàng triệu người chống lại dịch bệnh.
Nhà khoa học cho biết, với sự xuất hiện nhanh chóng các biến thể mới, công nghệ mRNA sẽ có tính ứng dụng rất cao vì giúp điều chế, “điều chỉnh” vaccine nhanh hơn. “Ban đầu, ngay khi virus SARS-CoV-2 được giải trình tự gene thì chỉ trong vòng vài tháng sau, các phòng thí nghiệm đã bắt đầu đưa vaccine vào thử nghiệm”, ông nói.
Bên cạnh đó, theo giáo sư Cullis, thế giới cũng có thể kết hợp các loại vaccine với nhau, giúp đối phó với nhiều loại biến thể cùng một lúc. Dù vậy, ông thừa nhận, việc tiếp cận chống dịch về lâu dài như thế nào vẫn là vấn đề phức tạp.
Liên quan đến tình trạng nhiều người chưa thực sự tin tưởng và muốn tiêm vaccine mRNA, giáo sư Cullis cho rằng nên có cách tiếp cận thân thiện hơn để thuyết phục họ, vì một số người “không thích bị bảo phải làm gì”.
Sau một năm phát động, Hội đồng Giải thưởng VinFuture đã hoàn tất thẩm định và thống nhất tôn vinh 4 công trình khoa học kiệt xuất, mang lại tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên thế giới.
Tuần lễ trao giải VinFuture có 4 hoạt động chính:
- Ngày 18/1: Chương trình giao lưu cùng Hội đồng Giải thưởng và Hội đồng Sơ khảo.
- Ngày 19/1: Tọa đàm "Khoa học vì cuộc sống" gồm 3 phiên thảo luận với các chủ đề: Tương lai của năng lượng, tương lai của trí tuệ nhân tạo và tương lai của sức khỏe toàn cầu. Sự kiện có sự tham gia của nhiều giáo sư hàng đầu từng đoạt giải Nobel, Millennium Technology.
- Ngày 20/1: Lễ trao giải thưởng VinFuture tại Nhà hát Lớn Hà Nội lúc 20h (truyền hình trực tiếp trên VTV1, Fanpage VinFuture Prize).
- Ngày 21/1: Giao lưu cùng chủ nhân giải thưởng VinFuture.
Tuần lễ khoa học VinFuture còn nhiều hoạt động bên lề hấp dẫn như các workshop, triển lãm, bài giảng đại chúng… thu hút sự tham gia của các nhà khoa học và đông đảo công chúng.
Bình luận