Kết thúc phiên 12/11, chỉ số Dow Jones giảm 317,46 điểm (tương đương 1,08%) xuống 29.080,17 điểm. Chỉ số S&P 500 giảm 35,65 điểm (tương đương 1,00%) xuống 3.537,01 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite giảm 76,84 điểm (tương đương 0,65%) xuống 11.709,59 điểm.
Ngày 11/11, New York trở thành bang mới nhất ban hành các quy định giãn cách xã hội chặt chẽ hơn trong bối cảnh số ca nhiễm mới tại Mỹ ghi nhận tăng hơn 100.000 ca trong ngày thứ tám liên tiếp. Chỉ trong ngày 11/11, có hơn 144.000 ca nhiễm mới được xác nhận ở Mỹ, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ lên hơn 10 triệu ca.
Một phân tích dữ liệu của CNBC do Đại học Johns Hopkins tổng hợp cho thấy, số ca mắc mới hàng ngày trung bình tăng ít nhất 5% trong tuần qua ở ít nhất 47 bang của Mỹ. Trong khi đó, số người nhập viện tăng ở ít nhất 46 bang.
Tâm lý các nhà đầu tư hôm thứ Năm thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn sau khi Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell cho biết triển vọng kinh tế của đất nước chưa thể chắc chắn. Ông nói: “Với việc COVID-19 lây lan nhanh, vài tháng tới có thể là một thử thách".
Nỗi lo lắng về dịch bệnh cũng khiến chứng khoán châu Âu quay đầu giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Năm, rơi khỏi mức đỉnh trong 8 tháng thiết lập được trong phiên trước đó.
Các quốc gia châu Âu đang phải đối phó với tình trạng nhiễm bệnh gia tăng không ngừng và phải liên tục đưa ra các lệnh hạn chế xã hội mới khiến các cố vấn kinh tế của Đức đang có ý định cắt giảm triển vọng tăng trưởng trong năm tới.
Kết thúc phiên 12/11, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 43,16 điểm (-0,68%) xuống 6.338,94 điểm. Chỉ số DAX tại Đức giảm 163,23 điểm (-1,24%) xuống 13.052,95 điểm. Chỉ số CAC40 tại Pháp giảm 82,64 điểm (-1,52%) xuống 5.363,57 điểm.
Chứng khoán châu Á ghi nhận sự biến động trái chiều. Trong khi Chứng khoán Nhật Bản tiếp tục tiến bước thì chứng khoán Trung Quốc giảm nhẹ.
Bình luận